Đã từ rất lâu, nói về vai trò của người thầy, gần như tất cả các nhà giáo dục đều đã chia sẻ một quan điểm chung: “Chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở giáo dục phổ thông, không thể vượt qua chất lượng của đội ngũ giáo viên”.
Đừng mong cải cách khi Đảng và Nhà nước không “ra tay”
Chia sẻ về nhận định này, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho rằng, người thầy hiện nay không thể chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ tri thức một chiều, nếu đơn giản như vậy thì vai trò của người thầy đang bị suy giảm trước sức mạnh truyền tải của mạng thông tin.
Điều quan trọng trong công việc của người thầy phải làm cho học sinh có tâm thế tích cực, tự giác tìm kiếm tri thức và trang bị cho học sinh phương pháp học hỏi để tiếp cận, chiếm lĩnh và làm chủ tri thức. Muốn vậy, người thầy phải lấy việc rèn luyện tư duy, bồi dưỡng năng lực độc lập trong suy nghĩ cho học sinh làm mục đích dạy học chứ không chăm chăm vào nhồi nhét kiến thức cho học sinh.
|
Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, để nhìn nhận đúng bản chất của công cuộc đổi mới, phải đưa ra một cuộc “cải cách” giáo dục chứ không hoàn toàn là “đổi mới”. Ảnh Xuân Trung |
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình lí giải: “Vì mục đích cuối cùng của giáo dục là phát triển nhân cách và những gì vừa nói đến (dạy cách học, cách nghĩ) mới chỉ tạo nên năng lực cho học sinh. Nhưng nếu chỉ riêng năng lực thì cũng không đủ tạo nên nhân cách. Nhân tố quyết định tạo nên nhân cách là phẩm chất đạo đức”.
Theo bà Bình, để nhìn nhận đúng bản chất của công cuộc đổi mới, phải đưa ra một cuộc “cải cách” giáo dục chứ không hoàn toàn là “đổi mới”. Lí do là, không thể không dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học nghiêm túc và chu đáo. Việc xác định mục tiêu và nguyên lí giáo dục, xác định nội dung và phương pháp giáo dục ở phổ thông trong tương lai có quan hệ đến việc đào tạo của các trường sư phạm hiện nay như thế nào.
Liên hệ với các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế) về tầm quan trọng của nguồn nhân lực có chất lượng đến phát triển kinh tế, liên quan trực tiếp tới giáo dục, bà Bình thẳng thắn khi cho rằng, vì đâu mà chất lượng giáo dục chúng ta thấp kém, một mặt vật chất có hạn hẹp, mặt khác do nhận thức và quyết tâm chưa đủ nên đứng trước một vấn đề đáng lo ngại là chất lượng của nền giáo dục yếu kém, bất cập ở đội ngũ giáo viên (chất lượng và động lực đều giảm).
“Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục phải đặc biệt quan tâm và quyết tâm đổi mới chính là xây dựng đội ngũ nhà giáo ở tất cả các cấp học, trên tất cả các bình diện đào tạo, tuyển dụng cho đến bồi dưỡng, đãi ngộ. Nhất thiết phải như vậy vì đội ngũ giáo viên chính là nguồn nhân lực tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng” bà Bình đánh giá.
|
Theo GS Phạm Minh Hạc, nếu như Đảng và Nhà nước không “ra tay” đổi mới giáo dục thì chẳng có sự đổi mới nào thành công được. Ảnh Xuân Trung |
GS Phạm Minh Hạc khi chia sẻ vấn đề này với chúng tôi cũng nhìn thẳng vào vấn đề. Ông cho biết, hiện nền giáo dục đang rất phức tạp và đưa ra ba yếu tố căn bản của đổi mới:
“Nếu như Đảng và Nhà nước không “ra tay” đổi mới giáo dục thì chẳng có sự đổi mới nào thành công được. Trong xã hội, phụ huynh và học sinh vẫn theo đuổi tâm lí khoa cử và quan trường thì cũng không có đổi mới được, nguy hiểm hơn các cơ quan quản lí giáo dục lại chạy theo tâm lí đó. Tâm lí đó làm sai lệch nhiều thứ, như thế làm sao mà có phương pháp dạy mới được, có chăng chỉ học thuộc lòng, chỉ để đi thi. Thứ nữa là yếu tố giáo viên, nói cải cách, đổi mới mà không có giáo viên thì đổi mới làm sao, tất cả nói nhẹ là gượng ép, nặng là nói dối nhau mà thôi” GS Hạc bức xúc.
Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội cũng đồng quan điểm khi cho rằng, vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, Đảng và Nhà nước phải hành động thì mới có đổi mới.
“Tôi cũng nghe ngóng rằng, cố gắng từ nay đến 2020 cán bộ giáo viên sống được bằng lương ở mức trung bình khá. Nhưng hơn hết chúng ta phải có chính sách đặc thù cho giáo viên, vì phương tiện giải quyết giáo dục cũng là con người, đối tượng dạy cũng là con người” Bà Đan nói.
Trường sư phạm chưa thực sự đào tạo sư phạm
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết, về bản chất một công việc được coi là một nghề nghĩa là công việc đó không phải chỉ qua một quá trình đào tạo lâu đài mà còn vì công việc đó có vai trò quan trọng, và giá trị sống còn đối với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, khi một công việc được công nhận là một nghề thì những người làm nghề có vị trí xã hội nâng cao, được xã hội tin tưởng và tôn trọng.
Đánh giá về năng lực sư phạm hiện nay của sinh viên, TS Tiến cho rằng, các em có kiến thức chuyên môn vững nhưng năng lực nghiệp vụ sư phạm còn yếu. Nguyên nhân có thể do chương trình đào tạo vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng đến khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, mặc khác chính các giảng viên trong trường sư phạm chưa có những thay đổi tích cực làm gương cho sinh viên trong việc thoát khỏi một mẫu hình giáo viên lỗi thời.
|
Coi trọng giáo viên là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam. Ảnh GD&TĐ |
Hơn nữa, còn do sự chuyển động theo hướng nâng cao nghiệp vụ sư phạm diễn ra chậm chạp ở các trường sư phạm. Chúng ta chưa làm rõ quan điểm dạy học là một nghề, từ đó chưa quan tâm xây dựng nền tảng tri thức của nghề dạy học.
Theo TS Nguyễn Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD&ĐT), nói cải cách sư phạm ở nước ta không đi sát, không đồng thời với cải cách giáo dục phổ thông. Chính vì vậy mà làm cho vai trò, vị trí của các trường sư phạm bị hạ thấp. “Lẽ ra trường sư phạm phải có vai trò ngay từ khâu nghiên cứu đề ra những quyết định có tính liên quan đến cải cách giáo dục, đặc biệt là vai trò chuẩn bị cho đội ngũ cuộc cải cách đó” TS Dụ nêu ý kiến.
Nêu ý kiến về hướng đổi mới nền giáo dục, trước mắt là đổi mới cơ sở đào tạo giáo viên, PGS, TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết, trước hết muốn nâng cao trình độ giáo viên, xứng đáng là một nghề trong lòng xã hội, yếu tố cơ hữu phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, đó cũng là yếu cốt lõi để thực hiện mục tiêu đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên. Theo PGS, TS Quang cần phải xác định lại mục tiêu đào tạo giáo viên theo định hướng năng lực, hình thành năng lực chuyển hóa, năng lực dạy học và nhấn mạnh tới năng lực hoạt động xã hội trong và ngoài trường.
Vị trí giáo viên trong quá trình đổi mới rất quan trọng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá mà văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định. Nguồn nhân lực lại có mối quan hệ tới giáo dục, gắn với giáo dục là gắn với sư phạm. Trong Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ, đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo, trong đó phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục, đổi mới cớ chế quản lí giáo dục là then chốt. Điều đó cho thấy vị trí của giáo viên, các trường sư phạm rất quan trọng.
Xác định rõ mục tiêu đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay, Thứ trưởng cho rằng, giáo viên là một ngành nghề, nhưng trường sư phạm có thực sự đào tạo sư phạm hay không thì chúng ta phải xem lại. Làm thế nào để phát huy được vai trò của hệ thống sư phạm và giáo viên, chúng ta phải thiết kế một hệ thống giáo dục mở. Làm thế nào để giáo viên khỏi phải làm thêm…
“Hiện nay chúng ta đào tạo giáo viên rất thiếu, làm thế nào phát huy vai trò của các trường sư phạm, các trung tâm nghiên cứu về sư phạm. Chúng ta đã có một số trung tâm nghiên cứu về sư phạm như Viện KHGD, HV quản lí GD, Trung tâm nghiên cứu sư phạm, Viện nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm TP HCM và ĐH Sư phạm Hà Nội), các trường sư phạm không có trung tâm nhưng vẫn tiến hành nghiên cứu, nhưng kết quả nghiên cứu không tập trung, rải rác, không tạo thành sức mạng chung của hệ thống sư phạm, không đưa ra được ý kiến mang tính mạng mẽ cho nhà nước" Thứ trưởng Hiển đánh giá.
Theo thống kê, hiện trên phạm vi toàn quốc có 133 cơ sở đào tạo sư phạm, trong đó có những trường sư phạm riêng và 3 trường trung cấp, một số trường không phải sư phạm nhưng cũng có những khoa đào tạo sư phạm. Điều đó không chỉ đặt ra về mặt số lượng mà còn về mô hình, chương trình đào tạo sư phạm.