(GDVN) - Các chương trình hạt nhân là di sản quan trọng nhất mà Chủ tịch Kim Jong Il đã để lại cho cho nhân dân Triêu Tiên.
Các phương tiện truyền thông Triều Tiên ngày 28/12 đã tuyên bố, các chương trình hạt nhân là di sản quan trọng nhất mà Chủ tịch Kim Jong Il đã để lại cho cho nhân dân Triêu Tiên.
|
Đại tướng Kim Jong Un đứng trước chiếc xe tang chở linh cữu của Chủ tịch Kim Jong Il trong tang lễ ngày 28/12 tại quảng trường Kim Il Sung |
Hãng tin Reuters đưa tin cho biết, phát biểu trong tang lễ được tổ chức tại quảng trường Kim Il Sung sáng ngày 29/12, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam đã lên tiếng ngợi ca di sản hạt nhân mà Chủ tịch Kim đã để lại cho người dân Triều Tiên trong suốt quá trình lãnh đạo.
"Lãnh tụ vĩ đại Kim Jong Il ... đã dựng lên nền móng cho nhân dân ta để sống như những người độc lập với sức mạnh quân sự đẳng cấp thế giới và một nhà nước hạt nhân đáng tự hào" - ông Kim cho biết.
"Đồng chí Kim Jong Un là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng và là người kế nhiệm tư tưởng, sự lãnh đạo, nhân cách, đạo đức, lòng can đảm và sự táo bạo của lãnh tụ vĩ đại Kim Jong Il" - ông Kim Yong Nam nói thêm.
Trong khi đó, ngày 29/12, tờ JoongAng Daily (Hàn Quốc) cho biết, các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên như tờ Rodong Sinmun ngày 28/12 (báo giấy chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên) và Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) trong ngày 28/12 đã đăng tải các bài xã luận ca ngợi di sản hạt nhân Chủ tịch Kim Jong Il đã để lại cho đất nước Triều Tiên.
"Bắc Triều Tiên đã tiến lên một vị trí trang trọng của một quốc gia sản xuất và phóng các vệ tinh nhân tạo cũng như sản xuất các vũ khí hạt nhân" - Rodong Sinmun dẫn bài xã luận trên KCNA cho biết.
Theo tờ JoongAng Daily, các tuyên bố trên của giới chức Bình Nhưỡng đã khiến nhiều nhà phân tích đưa ra suy đoán cho rằng Triều Tiên sẽ không chấm dứt các chương trình hạt nhân của mình và sẽ tiếp tục sử dụng nó để răn đe các kẻ thù bên ngoài và gây áp lực quốc tế để được nhận viện trợ kinh tế.
Ngoài ra, việc các phương tiện truyền thông Triều Tiên ca ngợi người kế nhiệm sẽ làm "phong phú thêm di sản cách mạng của cha ông" còn khiến giới phân tích quốc tế lo ngại rằng thế hệ lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo đuổi các chương trình hạt nhân.
Mặc dù Bình Nhưỡng chưa chính thức tuyên bố Kim Jong Un sẽ trở thành nhà lãnh đạo cấp cao chính thức của nhà nước Bắc Triều Tiên, nhưng những ngày qua, các phương tiện truyền thông quốc gia Triều Tiên đã liên tục nâng chức danh cho Kim Jong Un từ "người kế nhiệm tuyệt vời" thành "nhà lãnh đạo xuất sắc", "nhà lãnh đạo tối cao của quân đội", "nhà lãnh đạo khôn ngoan" hay "mặt trời của thế kỷ 21".