Sự kiện nổi bật: Rầm rộ cứu rùa-tê giác "âm thầm" chết?
30/12/2011 11:08:37
- Ngày 29/12, các nhà báo viết về lĩnh vực môi trường của Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2011. Trong đó có việc rầm rộ đưa Cụ Rùa lên bờ chữa bệnh và tê giác Java một sừng "âm thầm" tuyệt chủng...
Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm
Từ tháng 2/2011, nhiều phương tiện truyền thông đã lên tiếng về tình hình sức khỏe của cụ Rùa ở Hồ Gươm. Theo đó, Cụ Rùa có dấu hiệu rất mệt mỏi bị khá nhiều vết thương và những vết thương đều có dấu hiệu lở loét không chỉ ở cổ, mai, mà ở quanh thân, các kẽ chân, móng chân, da... Sau rất nhiều tranh cãi, ngày 3/4/2011, các chuyên gia đã quyết định vây bắt rùa Hồ Gươm để chữa bệnh. Một "chiến dịch" lớn giải cứu cụ rùa diễn ra với sự tham gia của rất nhiều người.
Vào ngày 18/2, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm. Tiếp sau đó là các cuộc Hội thảo quốc tế với sự góp mặt của nhiều giáo sư, nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm cách chẩn bệnh cũng như cứu chữa cho rùa.
Cụ Rùa được đưa lên bờ chữa bệnh. Ảnh: |
Không chỉ sở ban ngành Hà Nội, doanh nghiệp những nhà hảo tâm vào cuộc, thậm chí cả lực lượng đặc công nước từ Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng được huy động tham gia bắt giữ “cụ” rùa.
Song song đó, trên các báo đài, đưa tin rầm rộ, các kỹ sư, bạn đọc, các nhà khoa học cùng nhau hiến kế "giải cứu" cụ rùa.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu rùa Hồ Gươm, còn tiến hành 3 lần diễn tập vây bắt “cụ” quy mô. Thậm chí, sau khi lần vây bắt đầu tiên không thành, Hà Nội đã sắm hẳn một tấm lưới cá ngừ với kích thước dài 200m, rộng 5m; có xuất xứ từ Nhật Bản.
Để cụ dưỡng thương, Hà Nội còn tiến hành hạ thủy chiếc bể thông minh có đường kính khoảng 5m, nặng 2,5 tấn xuống Hồ Gươm để làm nơi chữa trị cho cụ rùa.
Không có công bố chính thức ra dư luận về chi phí "chiến dịch giải cứu" này nhưng nhìn vào quy mô, hắn con số không hề nhỏ. Kinh phí được lấy từ ngân sách, và từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
May thay, vết thương của cụ Rùa không đáng lo ngại, các móng của cụ Rùa vẫn còn nguyên. Rùa chỉ bị bệnh loét mãn tính ngoài da do vi khuẩn và nấm. Chỉ cần bôi thuốc Castellani kháng khuẩn và theo dõi hằng ngày, chưa cần tiêm hoặc cho uống thuốc.
Sau đó, cụ Rùa đã được điều trị bằng phác đồ riêng và "nằm viện" 100 ngày. Đến nay, rùa đã hoàn toàn khỏe mạnh.
May thay, vết thương của cụ Rùa không đáng lo ngại, các móng của cụ Rùa vẫn còn nguyên. Rùa chỉ bị bệnh loét mãn tính ngoài da do vi khuẩn và nấm. Chỉ cần bôi thuốc Castellani kháng khuẩn và theo dõi hằng ngày, chưa cần tiêm hoặc cho uống thuốc.
Sau đó, cụ Rùa đã được điều trị bằng phác đồ riêng và "nằm viện" 100 ngày. Đến nay, rùa đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Tê giác Java "âm thầm" tuyệt chủng
Cũng giống như rùa Hồ Gươm, tê giác Việt Nam được biết tới như một trong các cá thể quý hiếm cuối cùng còn sót lại ở lục địa châu Á, có tên khoa học là loài tê giác Rhinoceros sondaicus annamiticus, một trong ba loài thuộc quần thể tê giác một sừng Java.
Tê giác Java cuối cùng ở VN. Ảnh: WWF |
Tuy nhiên, cuối tháng 4/2010, xác một con tê giác Java đã được phát hiện tại vườn quốc gia Cát Tiên. Theo các chuyên gia thú y, pháp y và chuyên viên về tội phạm động vật hoang đã, tê giác Java đó chết do vết thương đạn gây ra.
Ngày 25/10/2011, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) khẳng định tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) từng sống trong Vườn quốc gia Cát Tiên đã tuyệt chủng tại VN.
Hẳn không nhiều người được thấy nét mặt buồn rầu của GS.TS Đặng Huy Huỳnh khi nhắc tới cái chết thảm của tê giác Java. Vào những năm 1970 – 1980, theo tính toán của các nhà động vật học, Vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 17 – 18 con tê giác. Sau năm 1990, tê giác Java tại đây chỉ còn 7 - 10 con. Năm 1997, các nhà khoa học ghi nhận khu vực này chỉ còn từ 3-7 con. Vào tháng 4/2010, một bộ xương tế giác Java được phát hiện trong tình trạng bị bắn chết tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã làm dấy lên mối lo ngại trong suốt hàng chục năm qua loài động vật này luôn bị săn bắn. Từ đó tới nay, người ta cũng luôn nói tới chuyện đó. Nhưng dư luận không thấy được nhiều những nỗ lực bảo tồn loài vật này.
Nhà động vật học hàng đầu của Việt Nam hi vọng, vẫn còn tê giác. Chỉ là chúng ta chưa tìm thấy nó. Và theo ông, việc cần làm là phải có những nghiên cứu về điều này. Chưa thấy câu trả lời cho những đề nghị của ông. Câu chuyện tê giác khiến dư luận xót xa một thời gian rồi lại chìm đi trong vô vàn những câu chuyện khác. So tê giác Java với rùa Hồ Gươm, mới thấy may cho "cụ" rùa vì "là người nổi tiếng".
10 sự kiện môi trường Việt Nam nổi bật năm 2011 1. Đưa Cụ Rùa lên bờ chữa bệnh2. Hồ Ba Bể là khu Ramsar của thế giới 3. Công ty Sonadezi Long Thành xả nước thải ra môi trường 4. Tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản 5. Phát hiện chuột đá “tuyệt chủng 11 triệu năm” ở Quảng Bình 6.Tê giác Java một sừng bị tuyệt chủng ở Việt Nam 7.Thủy điện gây động đất ở Quảng Nam 8.Tranh cãi về việc xây dựng thuỷ điện 6 và 6A tại Đồng Nai 9.Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu 10. Triều cường lớn nhất lịch sử tại TP. HCM trong 50 năm qua |
Phạm Lý
.