'Điểm mặt' những con tàu mất tích bí ẩn
Cập nhật lúc :11:54 AM, 31/12/2011
(ĐVO) Nhiều thập kỷ qua, có rất nhiều con tàu, tương tự như tàu Vinalines Queen, đã mất tích một cách bí ẩn ở đại dương sâu thẳm.
Trong lịch sử ngành hàng hải thế giới, MV Joyita là con tàu buôn được mệnh danh “không thể chìm”, vẫn phải chịu số phận “bốc hơi” với 25 thuỷ thủ, hành khách cùng 4 tấn hàng hóa ở Nam Thái Bình Dương năm 1955.

MV Joyita “bốc hơi” với 25 thuỷ thủ, hành khách cùng 4 tấn hàng hóa.

Joyita rời Samoa, chở theo vật tư y tế, gỗ, thực phẩm và dầu, theo lịch trình sẽ đến đảo Tokelau vào 5/10. Ngày 6/10, một thông báo từ cảng Fakaofo cho biết con tàu đã đi quá thời gian, nhưng không hề có tín hiệu từ phía thuỷ thủ.

Sau một thời gian tìm kiếm, con tàu được phát hiện đã bị ngập 1 phần trong nước; radio chuyển sang kênh cấp cứu hàng hải quốc tế, tất cả xuồng cứu sinh đã được sử dụng và một vài bông băng có vết máu. Một vài người đã tin rằng, thuyền trưởng bị thương hoặc thiệt mạng và những thành viên còn lại không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ con tàu. Tuy nhiên, việc 4 tấn hàng hóa biến mất vẫn chưa thể giải thích được.

Vào năm 1963, tàu SS Marine Sulphur Queen chở 39 thủy thủ và 15.260 tấn lưu huỳnh nấu chảy, đã bị biến mất khi đang di chuyển gần phía Nam bờ biển Florida (Mỹ). Tín hiệu từ con tàu cho thấy, hành trình cuối cùng bắt đầu vào ngày 2/2/1963; 2 ngày sau khi khởi hành, lúc đi ngang qua Florida, tàu đã gửi đi một tin nhắn như bình thường, cho thấy nó đang ở 25°45' Bắc, 86° Tây, sau đó nó hoàn toàn bặt tin. Ngày 6/2, tàu được xác nhận đã mất tích. Một cuộc tìm kiếm ở Eo biển Florida, nơi được cho là điểm con tàu gặp nạn, chỉ tìm thấy vài mảnh vỡ và thiết bị cứu nạn.

Tàu Arctic Sea mang cờ Malta có trọng tải 4.000 tấn bị bị biến mất tại vùng biển Đại Tây Dương.

Tại vùng biển Đại Tây Dương, tàu Arctic Sea mang cờ Malta có trọng tải 4.000 tấn, xuất phát từ Phần Lan vào tháng 7 với thủy thủ đoàn 15 người Nga và mang số gỗ trị giá 1,8 triệu USD. Tàu dự định cập cảng Bejaia ở Algeria vào ngày 4/8/2009, nhưng bỗng mất hết tín hiệu liên lạc từ ngày 28/7. Hải quân Nga điều năm tàu chiến và nhiều tàu khác, đồng thời kêu gọi các nước xung quanh chi viện, tỏa khắp vùng biển để tìm kiếm con tàu, song nó vẫn biệt tăm như chưa hề tồn tại.

Lúc đó, có nhiều giả thiết đặt ra cho số phận của con tàu này, như bị cướp, vướng vào một vụ tranh chấp của mafia, một vụ tranh chấp thương mại, một vụ buôn lậu hoặc buôn người. Trong khi đó, những người bị nghi ngờ cướp tàu lại cho biết họ là các nhà môi trường học xin trú ẩn ở trên tàu khi xảy ra bão.
 
Cuối cùng, ngày 17/8 cùng năm, Bộ Quốc phòng Nga công bố đã tìm thấy tàu Arctic Sea, gần quần đảo Cape Verde và toàn bộ 15 thủy thủ Nga trên tàu vẫn còn sống. Tám nghi can, bao gồm hai công dân Nga, bốn người Estonia và hai người Latvia đã lên tàu Arctic Sea, dùng vũ khí buộc thủy thủ đoàn làm theo mệnh lệnh của chúng một cách vô điều kiện.

Về những con tàu chở quặng bị chìm trong vài năm gần đây, thống kê cho thấy: ngày 18/7/2009, tàu Asian Forest chở quặng sắt bị lật tại Vịnh Bengal phía đông Ấn Độ sau khi rời cảng Mangalore. Ngày 9/9/2009, tàu Black Rose chở quặng sắt bị lật trong thời gian rất ngắn tại bờ tây Ấn Độ sau khi rời cảng Paradip. Ngày 27/10/2010, tàu Jian Fu Star chở quặng nickel lật tại phía nam Đài Loan sau khi rời đảo Obi Indonesia, làm 13 người thiệt mạng. Và ngày 4/11/2010, tàu Nasco Diamond chở quặng nickel bị lật sau khi rời cảng Tahuna Indonesia, cướp đi sinh mạng 21 người. Tiếp đến, ngày 3/12/2010, tàu Hong Wei chở quặng nickel bị lật sau khi rời Bitung Indonesia, khiến 10 người thiệt mạng.

Tàu Vinalines Queen trọng tải 56.000 tấn chìm cùng 22 thủy thủ.
 Ảnh: Marinetraffic.

Mới đây nhất, ngày 25/12, tàu Vinalines Queen hô hiệu XVHG, MMSI 574953000 mang cờ Việt Nam, với 23 thuyền viên trên tàu trên đường hành trình từ Cảng Morowali (Indonesia) đến cảng Ningde (Trung Quốc), vận chuyển 54.400 tấn quặng Nikel, khi hành trình đến tọa độ 20-00N; 123-47.1E (Phía Đông-Bắc Đảo Luzon – Philippine), đã thông báo bị nghiêng 18 độ, rồi mất liên lạc.

Đến chiều 30/12, thông tin từ ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam xác nhận: trong thủy thủ đoàn 23 người, chỉ một người duy nhất còn sống là anh Đậu Ngọc Hùng (31 tuổi, quê Nghệ An), do may mắn trèo lên được phao cứu sinh duy nhất kịp thả, được một tàu treo cờ Anh cứu sống, hiện đang trên đường hướng về Singapore.

Như vậy, có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tàu mất tích, như: bị cướp, bị chìm do thiên tai hoặc do bị tai nạn đâm đầu…
Tiến Dũng (tổng hợp)
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo