Theo dự kiến, ngày 10/1 tới đây Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang sẽ đưa Lê Văn Luyện và các bị can trong vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích tại phố Sàn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) ra xét xử. Lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ án, bị can là cô ruột và chú rể của hung thủ (bị truy tố về tội che giấu tội phạm, hiện đang tại ngoại) đã trần tình về lý do mình chứa chấp tên sát nhân. Họ còn ấm ức khôn nguôi về thằng cháu “trời đánh” bỗng nhiên lôi mình vào lòng lao lý, làm cả thôn mất danh hiệu văn hóa.
“Cháu yêu” hóa “thằng cháu trời đánh” Chị Lê Thị Định (SN 1981) và anh Lê Văn Nghi (SN 1980) ngụ thôn Nà Tồng (xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) là cô ruột và chú rể của Luyện. Chị Định cho biết, hàng mấy chục năm từ khi cháu mình ra đời, Luyện chưa từng đến thăm gia đình cô. Chị cũng đi lấy chồng ở xa nên con cháu, họ hàng ít có dịp đến thăm nhau. Những công việc lớn trong gia đình chồng chị như ma chay, cưới hỏi thì bố mẹ Luyện đến con cháu thì “chưa đến tuổi”. Bởi vậy bỗng dưng một ngày cú điện thoại của cháu báo tin lặn lội từ Bắc Giang lên thăm cô đã làm cho chị vui mừng, xúc động. “Lúc ấy tôi nào biết là nó vừa gây ra một tội ác tày đình. Tôi đi làm dâu xa, thấy con cháu đến thăm là vui lắm, có nghi ngờ gì đâu”, chị Định than thở.
Người chú cho biết, khoảng 6h tối hôm đó Luyện gọi vào máy điện thoại của anh, bảo rằng đang ở thị trấn Na Sầm nên nhờ anh ra đón. “Chưa bao giờ có thằng cháu bên vợ lên chơi nên tôi hí hửng chạy xe máy phóng gần 30 km đường đồi ra thị trấn đón nó. Tôi còn dặn vợ ở nhà thịt con gà chờ sẵn để thiết đãi thằng cháu “hiếu thảo” đã không quản ngại khó khăn đường sá xa xôi đến thăm cô chú ở tận biên giới. Tôi có ngờ đâu nó vừa làm chuyện động trời”, anh Nghi buồn rầu.
Cũng theo cặp vợ chồng này, Luyện ở nhà anh được bốn ngày 3 tối. Khi ấy Luyện lầm lì, ít nói nhưng mọi người cứ nghĩ cháu mình bản tính như thế. Luyện không tỏ ra biểu hiện gì của một kẻ sát nhân chạy trốn công an. “Ban ngày vợ chồng tôi đi làm, còn nó ở nhà ăn ngủ chứ không đi đâu. Nhiều lúc vợ chồng tôi nấu cơm xong mới gọi nó dậy. Nó ngủ khỏe lắm”, anh Nghi nhớ lại. “Sau vài ngày, tôi hỏi han tình hình là ngoài lên đây chơi thì còn có việc gì thì nói mới bảo là vừa đánh nhau xong ở quê nên mới chạy lên đây. Lúc ấy tôi nghĩ là thanh niên chúng nó đánh lộn với nhau thôi chứ không nghĩ là nó vừa giết người, cướp của. Sau đó nó bảo là muốn sang Trung Quốc chặt mía nên tôi đã bàn với một người hàng xóm đưa thằng Luyện qua đường mòn sang đó cho nó đi làm”, vẫn lời kể của anh Nghi.
Sau khi Luyện bị phát lệnh truy nã, công an, bộ đội biên phòng đã đến tận nhà này điều tra thì được biết người chú rể và một hàng xóm đã đưa hung thủ trốn sang Trung Quốc. Được sự vận động của cơ quan chức năng, người chú đã sang Trung Quốc “vận động” đứa cháu trở về và sau đó bộ đội biên phòng thuộc cửa khẩu Na Hình đã bắt được sát thủ ngay khi hắn bước chân qua biên giới. “Tôi đã ký vào bản cam kết với công an huyện Văn Lãng là đã đưa tên Luyện sang Trung Quốc thì phải sang đó bảo nó về. Tôi đã làm được điều đó và phần nào tôi đã “lấy công chuộc tội””, bị can Nghi phân trần.
Đến bây giờ khi tiếp chuyện với chúng tôi, cặp vợ chồng bị can này vẫn khăng khăng cho rằng họ không biết khi đó đứa cháu mình vừa thực hiện xong một tội ác tày đình. “Nếu chúng tôi biết nó có tội lớn thế thì tôi cũng chẳng dám cho nó ở đâu. Tại khi ấy tôi không biết gì cả”, người cô nói. Tuy nhiên trước câu hỏi của chúng tôi: “Thằng cháu lên bất thường như thế mà anh chị không gọi điện về quê hỏi thăm sự việc, hay ít nhất thông báo cháu đã ở đây để mọi người đỡ phải lo lắng hay sao?”, hai người này đã không trả lời.
Vì Lê Văn Luyện mà mất hai con lợn Việc cặp vợ chồng này có phạm tội “che giấu tội phạm” hay không thì phiên xử ít ngày tới sẽ làm rõ. Tuy nhiên, thực tế là gia đình này đã “rước họa vào thân” khi thằng cháu bỗng dưng đến “thăm nhà” thì hiện rõ rành rành.
Gia đình bà cô của Lê Văn Luyện ở một xã biên giới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Con đường từ thị trấn Na Sầm dẫn đến thôn Nà Tồng dài khoảng 30 km thì gần một nửa là đường mòn, đường đất, quanh co khúc khuỷu. Điều kiện kinh tế gia đình này thuộc loại nghèo đói nhất thôn. Sau khi sự việc che giấu đứa cháu sát thủ xảy ra, gia đình này càng trở nên kiệt quệ, túng thiếu hơn vì lo lắng, vì tốn tiền đi lại, vì tinh thần bất an không có tâm trí nào tập trung làm ăn sản xuất. Mà may mắn là còn được tại ngoại, nếu vợ chồng bị tạm giam thì còn khổ hơn.
Năm 1999, anh Nghi đi bộ đội, đóng quân ở Bắc Giang và đã phải lòng cô thôn nữ Định. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh cảm thấy sống không thể thiếu cô gái quê vải thiều nên đã quay lại xin cưới và đám cưới được tổ chức vào năm 2002. Đến năm 2003, anh chị có đứa con đầu lòng hiện đã học lớp 3. Bốn năm sau, anh chị sinh thêm được một thằng con trai kháu khỉnh, hiện đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở trường làng. Tự lập gia đình và sinh con đẻ cái nên điều kiện gia đình này thuộc dạng khó khăn. Nhà chỉ có hơn hai sào ruộng, dù năm nào cũng cày cấy đủ hai vụ nhưng không năm nào là đủ gạo ăn. Theo xác nhận của chính quyền xã, nhiều năm nay gia đình này thuộc diện hộ nghèo. Cũng may nhờ có chính sách hỗ trợ cho người nghèo xây nhà mà năm 2006, gia đình anh chị được Nhà nước hỗ trợ xây một căn nhà cấp bốn thay thế cho ngôi nhà gỗ lụp xụp trước đây.
Ngoài việc trông chờ vào hơn hai sào ruộng, để đảm bảo cuộc sống anh chồng thường xuyên đi làm thuê làm mướn bất cứ việc gì cho những người trong vùng. Bình thường nếu không có người đến thuê thì anh lại lên rừng hái củi, mỗi ngày được một gánh củi cũng kiếm được đôi ba chục ngàn để trang trải cuộc sống gia đình. Còn chị vợ ngoài việc quẩn quanh với hơn hai sào ruộng, thời gian còn lại chị cũng tranh thủ đi làm thêm hoặc vào rừng hái củi bán kiếm tiền. “Người ta đủ gạo ăn chỉ cần kiếm tiền tiêu xài, sinh hoạt. Mình thì kiếm từng đồng một để đong gạo, vất vả lắm”, chị Định thở dài nói.
Từ khi sự việc che giấu Lê Văn Luyện xảy ra, công an huyện Văn Lang (Lạng Sơn) và công an tỉnh Bắc Giang liên tục gọi cặp vợ chồng này đi lấy lời khai. Bởi vậy, riêng chi phí đi lại cho cũng đủ làm cho gia đình vốn đã nghèo này trở nên “sạt nghiệp”. “Trong thời gian mấy tháng nay, công an liên tục gọi vợ chồng chúng tôi và gần chục lần đi xuống tận Bắc Giang. Ngoài tiền đi lại còn phải có tiền ăn uống, ngủ nghỉ nên mỗi lần bị gọi đi là mỗi lần chúng tôi lo sợ nơm nớp. Mỗi lần đi như vậy tốn tiền triệu, trong khi lại không làm ra đồng nào”, bị can Nghi than thở.
Trong hoàn cảnh như vậy, để có tiền đi lại, gia đình này đã phải bán cả con lợn nái để lấy tiền. “Hồi giữa năm, trước khi thằng Luyện đến một thời gian, tôi có vay được Hội phụ nữ 5 triệu đồng làm kinh tế. Số tiền này tôi mua một con lợn thịt, một con lợn nái. Nhưng đợt vừa rồi túng thiếu quá, phải bán cả lợn nái lẫn lợn thịt để có tiền đi lại”, bị can Định trần tình. Nhìn cái chuồng chất đầy một đống củi, không biết khi nào gia đình này mới lại có tiền mua lợn về nuôi?
“Sau khi sự việc xảy ra, vì những lỗi lầm của mình mà chúng tôi gặp biết bao rắc rối. Hàng xóm dị nghị, chính quyền xã, thôn theo dõi gắt gao, cộng với tâm lí tội lỗi nên vợ chồng tôi chẳng còn tâm trí gì để phấn đấu làm ăn. Tết nhất sắp đến mà tôi chẳng chuẩn bị được gì cho hai đứa con nhỏ. Nhiều lúc thấy tủi thân và trách mình lắm, chỉ vì thằng cháu mất nhân tính mà ảnh hưởng thế này”, người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ nhìn vẻ bề ngoài già hơn cái tuổi 30 nghẹn ngào.
Hiện nay, hai đứa con nhỏ của gia đình anh Nghi theo học tại trường làng cách nhà khoảng 5 km. Gia đình chỉ có hai vợ chồng là lao động chính nhưng ngày nào cũng phải có một người đưa đón con đi học. “Cứ khi nào công an gọi đi lấy lời khai là tôi phải xin cô giáo cho chúng nó nghỉ học vì không ai đưa chúng đi. Thương chúng nó lắm nhưng biết làm sao được. Tôi trót dại đưa thằng Luyện trốn sang Trung Quốc nên giờ khổ lây sang cả con cái”, anh Nghi nói giọng hối hận.
Cả thôn “vạ lây” Đó là khẳng định của trưởng thôn Nà Tồng, anh Hà Văn Vui (SN 1982) khi nhắc đến hung thủ vụ thảm sát tiệm vàng đã bỏ trốn lên đây ẩn náu. Anh trưởng thôn cho biết từ nhiều năm nay, thôn luôn được nhận danh hiệu thôn văn hóa, nhưng năm nay thông không được công nhận là thôn văn hóa nữa vì sự kiện Lê Văn Luyện trốn ở trong thôn gần 4 ngày và người trong thôn trực tiếp đưa hắn sang Trung Quốc. “Đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, vì chuyện này mà bao nhiêu phấn đấu của bà con trong thôn “đổ xuống sông xuống biển” khi không giữ được danh hiệu thôn văn hóa”.
Cũng theo trưởng thôn, sau khi sự việc xảy ra, thôn và xã đã nhiều lần họp dân và đưa anh Nghi chị Định ra kiểm điểm trước doàn thể cuộc họp. “Từ trước đến nay anh chị nhà Nghi làm ăn lương thiện, chưa có mâu thuẫn với ai trong làng trong xã, nhưng vì chủ quan, thiếu cảnh giác và thiếu hiểu biết pháp luật nên gia đình này đã tiếp tay cho kẻ phạm tội. Vì vậy chúng tôi phải họp lại dân để kiểm điểm khuyết điểm của anh chị ấy, đồng thời, răn đe, nêu cao tinh thần cảnh giác đối với bà con trong thôn”, lời ông trưởng thôn.
Là thôn biên giới giáp ranh với nước bạn, thế nhưng khi sát thủ đến sống với gia đình trong thôn mà không hề khai báo cho chính quyền, theo lời trưởng thôn đó là sự “lơ đà, chủ quan, thiếu cảnh giác”. “Sau khi sự việc đó xảy ra, chúng tôi mới ngã ngửa người lo lắng khi thấy bóng sắc phục đầy trong làng. Bây giờ cứ người nào lạ đến thôn bản là chúng tôi phải kiểm tra hành chính, giấy tờ tùy thân, thông báo lên chính quyền xã hoặc bộ đội biên phòng:, anh Vui cho biết thêm.
“Giá như trước đây an ninh thôn bản được thắt chặt như bây giờ thì làm sao tên Luyện trốn sang Trung Quốc được. Và như thế thì gia đình nhà anh chị Định cũng đâu đến nỗi rơi vào cảnh khó khăn như bây giờ, vừa phải chịu tội trước pháp luật, vừa chịu sự dè bỉu của xóm làng mà lại tự đẩy tương lai của gia đình mình vào ngõ cụt”, trưởng thôn phân tích.
Tóm tắt vụ thảm sát cướp tiệm vàng tại Bắc Giang
Khoảng 9h sáng ngày 24/8, vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang) cùng bé gái 18 tháng tuổi được phát hiện nằm chết trong nhà với nhiều vết chém. Con gái lớn 8 tuổi bị chém đứt kìa bàn tay, được cấp cứu. Tại tầng 1, tủ trưng bày vàng của tiệm bị gỡ mặt kính, toàn bộ vàng ta biến mất.
Cùng thời điểm này, Lê Văn Luyện (18 tuổi, người sống cách tiệm Ngọc Bích 4km, ngụ thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Tâm, huyện Lục Nam) được anh họ đưa đến trạm xá băng bó vết thương ở tay.
Chiều 24/8, Công an Bắc Giang khởi tố điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cùng lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đến kiểm tra hiện trường. Ban chuyên án với sự vào cuộc của hàng trăm điều tra viên Bộ Công an và Công an Bắc Giang được thành lập.
Ngày 29/8, nhà của Luyện bị khám xét, cảnh sát tìm thấy một túi nilon đựng hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng chôn ở sau vườn. Ông Miên thừa nhận đã cất giấu hộ con trai túi vàng.
Ngày 30/8, Luyện bị khởi tố, truy nã đặc biệt. Cha mẹ Luyện cùng 4 người khác bị điều tra về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.
Chiều ngày 31/8, sau 6 ngày lẩn trốn và chỉ sau một ngày cơ quan điều tra phát lệnh truy nã đặc biệt, Lê Văn Luyện đã bị bắt tại Lạng Sơn. Hắn thừa nhận là hung thủ gây ra vụ thảm sát.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang:
Hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo chưa từng có từ trước đến nay, khiến dư luận quần chúng nhân dân vô cùng bức xúc. Nhưng thời điểm phạm tội Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi nên theo quy định của pháp luật, Luyện sẽ phải chịu bản án không quá 18 năm tù giam về 3 tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/1/2012. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX sẽ gồm 5 người, ông Thân Quốc Hùng – Phó Chánh Tòa Hình sự (TAND tỉnh Bắc Giang) làm chủ tọa. Trong vụ án này, Luyện còn khiến cả gia đình bị liên lụy. Bị can Lê Văn Miên (bố của Luyện), Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện), Lê Thị Định (cô ruột của Luyện) và Lê Văn Nghi (là chú rể của Luyện) bị truy tố cùng về tội danh “Che giấu tội phạm”. Hai bị can còn lại là Trương Văn Hợp (bố của Hồng) và vợ là Dương Thị Lược bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”.