Giang 'Còi' ngừng diễn vì thương vợ
Im ắng một thời gian dài, mới đây chàng nông dân của serie hài “Gặp nhau cuối tuần” mới tái ngộ khán giả trong đĩa hài Tết.
Anh giải thích cho sự “im thin thít, lặn mất tăm” của mình bằng câu chuyện về trách nhiệm của người đàn ông với gia đình.
- Đang nổi như cồn, anh đột ngột ngừng diễn quay ra mở công ty riêng. Điều gì khiến anh có quyết định này?
- Tôi mở một hãng phim nho nhỏ vì nghĩ rằng: ngày còn trẻ, các con còn nhỏ, mình có thể thỏa sức tang bồng. Bây giờ, hai đứa lớn một đứa đã vào đại học, đứa thứ hai học lớp 12 lại toàn con trai, rất cần sự có mặt của người cha. Mình đi mãi, làm vui cho nhiều người thì gia đình lại phải hy sinh nhiều quá. Nhưng nghề diễn đã thành cái nghiệp, khó buông tha ai. Dù mình có trở thành đạo diễn, tham gia quản lý, không bao giờ có cảm giác bay bổng như nghề diễn viên. Có khi bạn bè duyệt vở, đưa giấy mời cho mà tôi không dám đi. Nếu đến cũng cứ quẩn quanh ở phòng phục trang chứ không dám xuống ngồi chỗ khán giả. Cứ nhìn thấy ánh đèn sân khấu lại không chịu được.
- Yếu tố kinh tế đóng vai trò nào trong đó?
- Tôi không cần giàu vì tôi cho rằng, nghệ sĩ phải khổ một tí, bị bội tình một tí mới cho ra nhiều chất hay. Nếu lúc nào cũng giàu có, được mọi người bu quanh thì sức sáng tạo dễ bị triệt tiêu lắm.
Tôi mở công ty để được làm những gì mình thích. Tôi sản xuất phim quảng cáo nhưng không bao giờ đóng quảng cáo, trừ khi đó là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội như tuyên truyền nước sạch, phòng tránh cúm gà. Tôi sợ nhất là làm hình ảnh đại diện cho một sản phẩm rồi vài tháng sau người ta phát hiện ra nó chứa độc tố. Cả cuộc đời mình cống hiến cho nhân dân giờ lại dán hình ảnh của mình vào sản phẩm làm hại nhân dân thì dở hơi lắm. Có lần, một đơn vị thuốc bảo vệ thực vật ký hợp đồng với Giang "Còi" - Quang "Tèo" nhưng tôi không đồng ý. Họ lại tưởng tôi làm cao nên nâng giá cát-xê. Tôi phải đến tận nơi gặp giám đốc tâm sự, anh ấy mới thông cảm cho tôi.
- Khi anh ngưng nghề diễn cũng là khi bộ phim sitcom anh tham gia là "Những người độc thân vui vẻ" bị phản đối nặng nề. Điều đó có góp phần gì trong quyết định của anh?
- Những người độc thân vui vẻ có rất nhiều diễn viên tham gia chứ không chỉ mình tôi. Đúng là từ khâu sản xuất đến khấu kịch bản đều dở nhưng mình là người được mời tham gia thì phải làm tròn trách nhiệm của mình. Mình không được quyền hay khả năng để lật lại ván cờ. Chúng tôi chỉ là cục bột dẻo trong tay đạo diễn. Nhưng khi xem lại phim, ở những phân đoạn của mình, tôi không thấy áy náy.
- Khán giả Việt Nam chịu sự ảnh hưởng lớn của truyền hình nên dễ yêu và dễ quên nghệ sĩ. Khi không còn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, ra đường không được ai nhận ra, anh cảm thấy thế nào?
- Đó là quy luật tất yếu mà chúng ta phải biết chấp nhận. Cuộc sống không phải lúc nào cũng cho anh đứng trên đỉnh cao rực rỡ - kể cả với những siêu sao bóng đá, những thần tượng âm nhạc. Tôi không dám ví mình với họ nhưng tôi biết ai cũng chỉ một thời. Bản thân tôi lại muốn “trốn” nhiều. Lúc nào ra đường cũng sùm sụp cái mũ, đeo kính sợ người ta nhận ra.
- Tết này, anh đồng ý tham gia đĩa hài “Tết Văn Lang cả làng nói phét”. Với anh, sự trở lại này có ý nghĩa thế nào?
- Tôi chưa lần nào tham gia đĩa hài vì sợ khán giả thấy "sạn". Đóng truyền hình dễ hơn vì chương trình chỉ phát độ một - hai lần, còn đĩa thì người ta cứ để trong hộc tủ, thích lại cắm điện xem. Lần này, đạo diễn Đông Hồng bảo tôi làm, tôi không dám từ chối vì hai anh em chơi với nhau hai mươi năm rồi. Tôi cũng biết tính anh ấy chỉn chu nên yên tâm. Mình chọn người chơi chứ không chọn được kịch bản, nhưng tôi yêu cầu được giao kịch bản sớm nhất. Tôi không dám sửa những cái cơ bản nhưng sửa những chi tiết cho phù hợp để “nuốt trôi” vai. Thế nên, ra ngoài trường quay, tôi không bao giờ sợ lẫn vì kịch bản của tôi be bét chữ, chỗ đánh dấu đỏ, chỗ bôi vạch vàng. Cái sự cẩn thận quá mức của tôi nhiều khi còn bị chê là dở hơi đấy.
- Đây cũng đánh dấu sự tái hợp của anh và Quang "Tèo". Sau một thời gian dài không hợp tác, sự ăn ý giữa hai anh có gì thay đổi?
- Tôi với Quang "Tèo" vào vai một ông Khuếch và một ông Khoác, suốt ngày nói phét với nhau. Hai người vẫn nhìn vào mắt là biết được nhau sắp làm gì. Nếu cho tôi đóng cặp với người khác, có khi phải mất thêm vài buổi quay. Người ta quen có Quang "Tèo" là có Giang "Còi". Nhiều khi tôi ra đường còn bị người ta gọi nhầm là Quang "Tèo" đấy.
- Nhưng thời gian anh vắng bóng, Quang "Tèo" chuyển sang đóng cặp cùng Trung Hiếu. Điều này gây trở ngại gì cho anh?
- Khi tôi không đi làm, anh Quang có thể chọn bất cứ người nào vì nghiệp diễn của anh Quang vẫn phải tiếp tục chứ không thể dừng lại theo tôi. Tôi cho rằng Trung Hiếu đã rất dũng cảm khi phá ấn tượng của mọi người về một diễn viên chính kịch để đi làm hài. Trung Hiếu làm thành công một phần thì tôi ghi nhận nó bằng bốn lần như vậy. Nếu tôi ở địa vị Trung Hiếu, tôi sẽ phải cố gắng sao cho khi Giang "Còi" trở lại diễn với Quang "Tèo" sẽ không thể bằng Trung Hiếu. Hơn ba năm tạm ngưng, giờ quay lại tôi cũng hồi hộp lắm.
Giang "Còi" kết hôn với người vợ kém mình 25 tuổi đã được 5 năm và có một đứa con. Trước đó, anh có hai con trai trong cuộc hôn nhân đầu. |
- Vợ những diễn viên hài như Xuân Hinh, Tự Long, Quang Thắng, Quang "Tèo"… đều chấp nhận hy sinh để chồng được thỏa mãn đam mê diễn của mình, còn anh thì ngược lại. Anh nghĩ sao về sự thiệt thòi của mình?
- Thực ra, vợ con tôi không ai yêu cầu nhưng tôi tự thấy họ đã vì tôi nhiều quá. Ngày xưa, cứ cuối tuần tôi đi diễn, qua đường Thanh Niên, nhìn thấy những cặp vợ chồng, con cái quần áo xúng xinh, đi ôtô, xe máy ra hàng ăn, trong khi mình lủi thủi đi làm. Thấy buồn cho mình và buồn cho cả vợ. Thế là quyết định thôi. Nhiều khi nhìn thấy tôi bần thần xem các bạn diễn trên truyền hình, vợ nhắc: Hay là anh đi diễn lại đi. Nhưng bây giờ, nếu có thời gian tôi chỉ diễn cho vui chứ không được toàn tâm, toàn sức như xưa.
Tôi cho rằng tiền bạc, sự nghiệp, con cái, hạnh phúc gia đình và tình yêu như ấm trà gồm 5 cái chén. Nếu rót tràn trề ra chén sự nghiệp hay tiền bạc thì những chén khác chẳng còn gì, nhưng không có tiền thì không có phương tiện sống. Vì thế, người khôn ngoan là người biết cân đối tất cả.
- Thế anh đã vừa lòng với những gì mình nhận được sau khi chấp nhận sự đánh đổi?
- Tôi chỉ cố gắng trở thành một ông bố và người chồng đích thực, thi thoảng cũng quát tháo, cũng đặt chỉ tiêu, kế hoạch. Cuộc sống gia đình có bao giờ chỉ toàn một màu hồng? Khi bát đũa xô, giải thích thế nào cũng không được thì tôi chơi cách đần thộn mặt ra, nhìn thẳng vào mắt vợ, vợ phì cười, thế là xong. Cuộc đời dần đi vào quỹ đạo như tôi mong muốn. Con trai đầu của tôi vừa gọi điện khoe, phim cháu đạo diễn vừa nhận giải Phim ngắn hay nhất của ĐH Sân khấu điện ảnh.
Còn vợ thì được cái tình cảm vẫn như ngày đầu. Tính tôi đã quyết gì là làm cho bằng được, ngày xưa yêu cô ấy là đòi cưới liền tay.
- Người ta từng xôn xao về việc anh mê ôtô nên bán nhà đi mua bốn bánh. Một người thích gì làm nấy như anh có bao giờ khiến vợ rơi vào tình thế dở khóc, dở cười?
- Tôi mà đã yêu ai thì vợ cũng không cản nổi, nhưng tôi biết có những cái đẹp mình mang về được và có những cái chỉ để ngắm thôi. Tôi cố gắng đeo kính râm khi nhìn các cô gái đẹp (cười).
Ngoài phụ nữ, tôi yêu nhiều thứ lắm. Đam mê họa mi, 500 nghìn đồng người ta không chịu bán tôi sẵn sàng trả ngay một triệu đồng. Chó béc-giê nuôi vài con, lợn mán một đàn thả rông ngoài vườn. Họa mi, chào mào đầy đủ. Nhà tôi ở ngoại thành Hà Nội nên đất rộng. May là vợ cũng yêu động vật lắm. Nhiều người đến nhà tôi bảo: ông này nghệ sĩ mà cứ như nông dân vậy.
Theo VnExpress