Cùng một hành động biếu quà, nhưng nếu người biếu muốn người nhận nhớ đến mình và món quà của mình, điều đó không phải đơn giản. Nhất là nếu người nhận là sếp lớn… thậm chí rất lớn và lại kỹ tính, người đi biếu sẽ phải nát óc mà nghĩ sao cho hợp.
Biếu sao để sếp hài lòng? Đối với đa phần các sếp lớn, rượu sếp có cả hầm, bánh kẹo thậm chí còn không biết ăn thế nào là ngon vì đồ ngon nhất nhì đã ăn cả rồi. Có nhiều nhà sếp còn có cả người làm chuyên phụ ghi tên, kiểm phong bì, quà biếu cho phu nhân sếp. Tất cả quà biều kiểu rượu, bia, thuốc lá được cho vào một cái phòng không và sau đó người nhà, người quen các sếp cứ thể đến mà xách về dùng hoặc đi … biếu lại người khác.
Có rất nhiều giỏ quà thậm chí chỉ được móc phong bì ra để biết tên người biếu và sau đó giữ nguyên để chia lại.
Vậy làm sao để biết đối tượng của mình thích cái gì? Cũng giống như tiếp cận và làm đẹp lòng người mình yêu, người đi biếu cần phải có nhiều cách. Con đường thứ nhất, có thể thông qua thư ký của sếp hoặc qua quá trình làm việc cùng, nếu tinh ý cũng có thể sẽ biết sếp thích cái gì.
Thứ hai, nhưng nếu tất cả những người làm việc của sếp đều thông qua thư ký, hãy tìm cách bắt thân với cháu hoặc một họ hàng của sếp. Con đường thứ ba, gian nan hơn, hãy tiếp cận trực tiếp với người giúp việc của nhà sếp…Còn rất nhiều cách khác tinh vi khéo léo hơn mà người viết có thể chưa khảo sát được, người đọc có thể giúp người viết bổ sung thêm.
Câu chuyện biếu quà tại các công ty lớn khi một sếp lớn được quá nhiều đối tượng để ý cũng thực sự bi hài. Tại một công ty xây dựng lớn nọ, nhân viên tên Quang, dù đã rất giỏi chuyên môn, nhưng dường như chưa được sếp để ý nhiều và anh cảm thấy mình không có cơ hội thăng tiến mấy. Tết đầu tiên anh quyết làm cho sếp vui lòng và phải nhớ mình.
Cũng may cho anh, qua mối này mối khác, anh quen được với người giúp việc nhà sếp và biết phu nhân của sếp thích ăn gà ngon và lựa chọn đồ ăn Tết rất kỹ tính vì lo về vệ sinh. Ngày 20 Tết, buổi tối, anh xách đến nhà sếp một bu gà với 6 con gà Đông Cảo, một giỏ quà bánh kẹo khá xịn kèm một người làm. Ra mở cửa cho anh không phải sếp mà là con gái sếp. Con gái sếp thấy có người đến kèm với gà thấy kinh hãi quá chạy vào báo ngay với bố.
Sếp thấy vậy lập tức phải xuống xem tại sao có tiếng gà ở nhà mình. Anh gãi đầu gãi tai: “Em biết sếp cũng chả thiếu gì, thôi có vài con gà quê mang sếp nhắm rượu.” Sếp kêu ca: “Nhưng nhà tao lấy đâu người làm gà, nuôi để nó gầy đét à?” Quang lập tức đẩy người làm mà mình đã mang theo: “Có đây anh, làm tý là xong, đảm bảo vệ sinh cho nhà sếp, gà vừa sạch, đàm bảo vệ sinh sếp ạ. Em biếu sếp 6 con gà quê, số 6 lộc lắm sếp ạ.” Lập tức, người làm và bu gà được triệu tập vào trong bếp.
Gà Đông Cảo vốn nổi tiếng ngon, lạ và đắt đỏ. Một con gà giá tận gốc cũng lên đến hơn 1 triệu/con. Với bu gà 6 con và giỏ quà, anh Quang mất đến chục triệu cho vụ biếu Tết, nhưng sau đó sếp không thể quên được anh chàng nhân viên mang bu gà đến nhà mình.
Còn ở một công ty cầu đường nọ, có anh nhân viên tên Hoàng cũng rất đau đầu đau óc mới nghĩ được cách biếu quà “không đụng hàng” dù bình thường anh cũng vốn được sếp để ý. Bắt quen với cháu ruột sếp, anh biết nhà sếp chưa có đào, quất.
Chiều 23 Tết, sau nhiều ngày tìm kiếm, chọn lựa, anh đánh hẳn 1 xe gồm 1 cây đào thế, quất thế, tổng tiền riêng cho đào, quất đã lên tới gần 20 triệu chưa tính công vận chuyển, kèm theo xe và khoảng 7 người khiêng dong thẳng xe đến nhà Sếp. Đến khu nhà sếp ở Linh Lang, bởi nhà sếp ở mặt phố và hôm đó 23 Tết nên khu rất đông người, ngay khi chiếc xe vừa vào đến khu, dân phố đã trầm trồ vì độ hoánh tráng của hai cây đào quất và chiếc xe với 7 nhân viên ngồi chễm chệ.
Đến nhà sếp, sếp còn chưa nhìn ra nhân viên của mình đang trong xe tải, vừa chỉ ra ngoài bảo: “Đào quất nhà nào đẹp thế kia nhỉ, còn có cả người khiêng nữa.” Người trong nhà cũng nhao nhao lên.
Anh nhân viên đường hoàng bước xuống khỏi xe tải vào bấm chuông, sếp chạy ra mở cửa. Anh nhân viên lớn giọng: “Em xin sếp vài phút chúc Tết sếp ạ”. Trẻ con cả khu chạy đến xem đào quất và tập trung vào hai người với xe đào quất phía sau. Nhà sếp rộng, một bên cây đào, một bên cây quất rất đẹp, người khênh lễ mễ. Sếp cũng không khỏi “mát lòng mát dạ”. Vợ sếp buông một câu: “Thằng này đến là khéo cơ”.
Dẫn chứng hai câu chuyện trên để thấy cùng một số tiền, nhưng nếu để biếu làm sao cho người nhận quà cảm thấy vui và nhớ mình không phải chuyện dễ dàng. Người đi biếu sẽ phải cất công tìm hiểu, tận dụng các mối quan hệ đến mức tối đa, chọn thời điểm phù hợp để tránh đụng mặt đồng nghiệp, giữ thể diện cho sếp nhưng lại khiến sếp tự hào và nhớ đến mình.
Độc – Hiếm – Đắt – Lạ
Câu chuyện tìm kiếm món quà độc, hiếm, đắt không dừng lại ở đây. Những năm gần đây khi đời sống ngày một có chất lượng cao hơn, người ta càng trở về chuộng những món “quà quê”. Giá trị của nó có thể không quá cao nhưng để tìm được đúng nguồn mua tốt, cần rất nhiều thời gian tìm hiểu chọn lựa.
Có thể kể đến một số loại đặc sản được giới sành ăn, chơi tìm mua làm quà biếu ví như rượu Làng Vân; gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn; dưa hấu hình thỏi vàng có thêm chữ Phúc trên quả dưa giá từ 2 đến 5 triệu đồng/cặp; bưởi Năm Roi; bưởi Diễn; chè Thái Nguyên loại ngon; chè Tuyết Sapa đặc sản vùng Tây Bắc, cây chè được trồng trên những đỉnh núi cao nhất, hứng giọt sương đầu tiên khoảng 200 nghìn cân; chè cung đình Huế.
Gạo nếp cái hoa vàng chỉ được trồng vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Sở dĩ có tên nếp cái hoa vàng bởi khi lúa trổ đòng, phấn hoa màu vàng. Nếp cái hoa vàng còn được coi như mẹ của các loại lúa. Gạo được chế biến thành xôi, bánh chưng, rượu…
Những món quà kể trên có thể không thực sự có giá quá cao nhưng có giá trị về độ khác biệt mà người sành mới có thể cảm nhận được. Tìm mua được loại trà này rất khó, người có nhu cầu cần phải có quan hệ riêng với chủ quán trà nổi tiếng ở Hà Nội hoặc mua theo nguồn quen biết và phải gọi đặt hàng trước khá lâu.
Người miền Bắc không ít người biết đến “danh tửu” xứ Bắc Hà. Làng Vân Hà – Việt Yên – Bắc Giang nổi tiếng với nền tảng văn hóa cổ và nghề nấu rượu. Bất kỳ ai sành đặc sản vùng Kinh Bắc cũng đều muốn mua rượu Làng Vân vè làm quà. Rượu Làng Vân từng là lễ vật dâng lên vua, chúa dùng trong các buổi yến tiệc tại cung đình.
Rượu được nấu qua nhiều công đoạn khác nhau. Gạo nếp cái hoa vàng loại ngon nhất được dùng để nấu rượu, gạo được nấu chín thành cơm rồi trộn cùng men riêng biệt của làng Vân. Cơm được ủ trong 72 tiếng sau đó đổ nước ngâm thêm 72 giờ để chưng cất thành rượu.
Người ta đồn rằng rượu làng Vân được làm từ thứ men có 35 vị thuốc Bắc và nước tinh khiết chỉ ở làng Vân mới có. Rượu hiện được bán với giá rất đắt, lên tới 50 nghìn đồng/lít và không phải muốn mua là có. Người làng Vân cho biết mỗi đợt gần Tết, hàng chục xe ô tô đi từ các tỉnh phía Bắc lên làng mua rượu, trong đó không ít xe từ Hà Nội. Nếu mua ở Hà Nội, người mua có thể tìm đến đường Tôn Thất Tùng có một hàng chuyên kinh doanh loại rượu này khá nổi tiếng.
Về độ đắt của quà biếu Tết, có thể nói đến mức giá vô cùng, từ vài chục triệu đến cả vài trăm triệu. Yến sào cũng được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm quà biếu. Với yến nuôi, giá chỉ khoảng 10 đến 20 triệu đồng/cân; bạch yến (120 triệu đồng/cân) và yến huyết (150 – 180 triệu đồng/cân).
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, yến bị làm giả rất nhiều, người mua bằng mắt thường khó có thể phân biệt được yến thật, giả. Đối với yến huyết, loại đắt nhất, khi nhúng vào trà xanh, yến giả sẽ bị đen. Hoặc khi ngâm vào nước sạch, tổ yến giả nhuộm phẩm sẽ bị mất màu và tan màu trong nước. Tổ yến thật vẫn giữ được màu sắc dù có được nấu chín trong nước sôi.
Giới tiêu dùng hiện còn đang đồn đại nhau về loại đặc sản hiếm gặp là ngẩu pín nai, ngựa, giá từ 400 đến 700 nghìn/cái tùy loại, mục đích tặng để cho sếp thấy mình mong sếp khỏe mạnh. Hiện mặt hàng đang được bán tại phố Lãn Ông, tất nhiên giá cao và người tiêu dùng bình thường khó mà chọn được loại chuẩn.
Những món quà phong thủy như tranh hàng Trống, cầu phong thủy, tranh đồng, tranh đá quý, tì hưu… được người tiêu dùng lựa chọn rất nhiều. Cầu phong thủy giá cao nhất đến 200 triệu đồng, tì hưu đá đen giá trên dưới 1 nghìn USD…
Với mặt hàng tranh đá quý, một số bức tranh nổi tiếng được mua nhiều có thể kể đến tranh Bát Mã, Đào Hạc Trường Xuân, Tùng Hạc Trường Xuân, tùy kích cỡ, giá niêm yết tại một số cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học phổ biến khoảng từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Tranh đá quý Lục Yên được mua khá phổ biến.
Dù vậy, nếu muốn tặng được món quà này mà không phí tiền và được người nhận yêu thích, sử dụng cũng không phải dễ dàng. Bởi treo được nó phài căn cứ vào mệnh, tuổi của gia chủ.
Ví dụ, nếu sếp tuổi Thân (sinh năm 1944 – 1956 – 1968), tranh treo có thể mang hình đàn dơi, tùng, hạc… và tranh phải treo ở gian chính, phía Bắc theo hướng nhà…
Nếu sếp tuổi Dậu (1945 – 1957 – 1969), có thể chọn tranh Phượng Hoàng, Bách điểu triều phụng, hoặc tranh thuyền chở châu báu. Tranh phải treo ở phòng khách, vị trí trung tâm phòng. Tuy nhiên người tặng tranh cũng phải tìm hiểu trước nhà người nhận để xem tranh của mình tặng có phù hợp với diện tích và không gian căn phòng không. Nếu không phù hợp về phong thủy, tuổi tác, dù tranh có đắt đến mấy, người nhận cũng sẽ không vui và có thể mang cho người khác bởi nếu tranh treo không hợp có thể còn gây hại cho gia chủ.
Theo
TTVN