Vụ sáu CA, bội đội bị bắn: Khởi tố vụ án giết người

Thứ bảy 07/01/2012 07:33
Yêu cầu thẩm phán giải trình về biên bản thỏa thuận. Huyện: Nếu rút đơn kháng cáo sẽ cho thuê đất.
Chánh án: “Biên bản không có giá trị, có thể gây hiểu lầm!”.

Như đã thông tin, sáng 5-1, trong khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đầm nuôi trồng thủy sản tại khu cống Rộc (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), bốn công an, hai bộ đội công binh đã bị bắn bằng súng hoa cải.

Tìm hiểu hồ sơ vụ việc, chúng tôi phát hiện nhiều tình tiết đáng quan tâm trong quá trình xử lý, thu hồi khu đầm này.

Huyện: Nếu rút đơn kháng cáo sẽ cho thuê đất

Vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng này xảy ra khi UBND huyện tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định thu hồi trước đó đã bị các hộ dân kiện. Tuy nhiên, theo chánh án TP Hải Phòng, quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán cấp phúc thẩm đã ban hành một văn bản gây hiểu lầm.

Tìm hiểu vụ việc trên, được biết sau khi UBND huyện Tiên Lãng ra các quyết định thu hồi đất đầm thủy sản tại xã Vinh Quang, một số hộ dân đã khởi kiện quyết định này ra TAND huyện Tiên Lãng. Năm 2009, TAND huyện Tiên Lãng đã ra phán quyết bác đơn khởi kiện của các hộ dân, giữ nguyên quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Tuy nhiên, các hộ dân đã kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng.

Ngày 9-4, Thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP Hải Phòng, đã tổ chức cho đại diện UBND huyện Tiên Lãng và một số hộ dân, trong đó có ông Đoàn Văn Vươn và ông Vũ Văn Luân gặp gỡ. Thẩm phán Ngô Văn Anh lập Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trong đó ghi nhận: Các hộ dân trình bày UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho các hộ dân chứ không phải cho thuê. Căn cứ theo Điều 37 Luật Đất đai, đất nuôi trồng thủy sản người dân được giao 20 năm, tính theo mốc từ năm 1993. Vì vậy quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng không tuân thủ theo quy định của luật. Ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT, đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tiên Lãng, nói nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Biên bản và văn bản trả lời thể hiện “nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật”. Ảnh: KIM LINH

Sau đó các hộ dân đã rút đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng. Ngày 20-4-2010, Thẩm phán Ngô Văn Anh ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng có hiệu lực từ ngày ra quyết định này. Khi ông Đoàn Văn Vươn có đơn kiến nghị gửi TAND TP Hải Phòng, ngày 25-6-2010, Thẩm phán Ngô Văn Anh đã có văn bản trả lời nêu: “Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án… Để được thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi UBND huyện Tiên Lãng”.

Chánh án: “Biên bản không có giá trị, có thể gây hiểu lầm!”

Tháng 11-2011, ông Lê Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đầm tại Vinh Quang.

Trả lời câu hỏi vì sao không giải quyết vụ việc theo quy trình thi hành biên bản nêu trên hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND huyện Tiên Lãng, bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng, cho biết biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính. Biên bản chỉ là căn cứ để sau đó tòa ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Về việc thi hành án, cơ quan thi hành án chỉ thi hành phần liên quan đến tài sản trong vụ án. Còn quyết định hành chính thì cơ quan nào ra quyết định, cơ quan đó thực hiện. Trong trường hợp thu hồi đất thì cơ quan nào giao đất, cơ quan đó ra quyết định thu hồi.

Tuy nhiên, bà Mai thừa nhận biên bản thỏa thuận này có thể gây hiểu lầm cho người dân khiến họ coi đó là căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc. TAND TP Hải Phòng sẽ phải rút kinh nghiệm về việc này. TAND TP cũng sẽ yêu cầu Thẩm phán Ngô Văn Anh báo cáo vụ việc, xem xét trách nhiệm của tòa tới đâu. Nếu phát sinh tình tiết mới sẽ đề xuất hướng xử lý. Bà Mai nói cũng sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, nếu phán quyết của TAND huyện Tiên Lãng có vấn đề thì sẽ đề nghị tòa cấp trên ra kháng nghị theo trình tự pháp luật nếu còn thời hạn.

Tạm giữ sáu nghi can

Truy bắt đối tượng trực tiếp nổ súng.

Trong số sáu cán bộ, chiến sĩ bị thương, Đại úy Vũ Anh Tuấn và Trung sĩ Đỗ Xuân Trường (Công an huyện Tiên Lãng) bị nặng nhất nên đã được đưa lên Hà Nội điều trị. Đại úy Tuấn được đưa đến BV Việt Đức và Trung sĩ Trường được chuyển đến BV Mắt Trung ương.

Ngày 6-1-2012, Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người và tạm giữ hình sự ba nghi can liên quan là Đoàn Văn Vươn (49 tuổi, ngụ xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng), Đoàn Văn Vệ (em trai Vươn) và Đoàn Xuân Quỳnh (con ruột Vươn). Cả ba người này bị bắt tại một bờ đê cách khu đầm nuôi trồng thủy sản vài trăm mét. Công an cũng tạm giữ Đoàn Văn Tịnh (em trai Vươn), Nguyễn Thị Thương (vợ  Vươn), Phạm Thị Hiền (em dâu Vươn) để phục vụ điều tra. Được biết, ông Vươn khai nhận đã chỉ đạo người sử dụng vũ khí nóng tấn công lực lượng cưỡng chế. Công an xác định nghi can trực tiếp nổ súng bắn sáu cán bộ trong đoàn cưỡng chế bị thương là Đoàn Văn Quý, em trai Vươn. Sau khi nổ súng, Quý đã bỏ trốn.

Trước đó, ông Đoàn Văn Vươn không chấp thuận ký biên bản cưỡng chế thu hồi diện tích 38 ha đầm nuôi thủy sản và bỏ ra về. Khi lực lượng cưỡng chế đến khu đầm, bất ngờ một quả mìn tự tạo phát nổ. Bốn cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tiên Lãng cùng hai bộ đội công binh tiếp cận khu đầm để tháo dỡ mìn tự tạo liền bị bắn nhiều phát súng hoa cải vào người khiến cả sáu người bị thương.

HUY HOÀNG/Pháp luật TPHCM