GS Hồ Ngọc Đại: Tại sao vào trường trẻ lại nói dối?

08/01/2012 14:14:18
- Cách học máy móc, thụ động, quá mô phạm… dẫn đến những hệ quả là học sinh bị kìm hãm tư duy và khả năng sáng tạo. Bản thân giáo viên cũng biết rõ điều này, nhưng để thay đổi lại chưa thể. Những phân tích của GS Hồ Ngọc Đại sẽ cho bạn đọc thấy rõ hơn thực trạng này.
TIN LIÊN QUAN
  
Trẻ em luôn đúng

GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập phương pháp giáo dục thực nghiệm than thở về thực trạng phương pháp dạy học quá mô phạm trong nhà trường hiện nay. Theo ông, trẻ em học mà không cần được cho điểm đánh giá bởi người khác, trẻ em không cần ganh đua hơn kém nhau một phần tư điểm mà chỉ cần từng em thi đua với chính bản thân mình, từng em vượt lên những khả năng của chính bản thân mình.
a
Hãy để các em tự do sáng tạo, phát biểu ý kiến riêng của mình.
 
Điều đầu tiên người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển. Trước hết phải tôn trọng trẻ: Trẻ giỏi cái gì phải tôn trọng cái đó, thích cái gì ta tôn trọng cái tự nhiên đó. Đấy là nguyên lý căn bản của giáo dục.

Thầy chính là người phục vụ học sinh. Nói thế không phải không đề cao vai trò người thầy. Thầy vẫn thiêng liêng, vĩ đại nếu làm đúng chức năng đó. Anh phục vụ cho học sinh, chứ không phải học sinh phục vụ cho anh. Như thế là đổi mới căn bản.

Cốt lõi là học để làm gì. Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để thành người. Nhưng biết để làm gì? Làm để làm gì? Trước đây 95% dân số không đi học thì không thành người ư? Ngày trước, 95% dân số không đi học vẫn cứ sống bình thường, bây giờ chỉ để sống bình thường thì cả 100% dân số phải đi học. Như vậy, học là để sống bình thường, để xứng đáng với chính mình, là trở thành chính mình.

Nếu 5% người dân trước đây đi học là để thoát ly cuộc sống thì giờ đây, 100% người dân đi học là để được sống cuộc sống của một người bình thường. Học không phải để hơn người khác, học không phải để thành ai đó, mà học để mỗi người được trở thành chính mình. Đó là nguyên lý căn bản của giáo dục cần phải đạt đến.

Học để sống

Học để sống khác với học để thi. Học để sống bình thường sao cho tự nhiên, vui vẻ, hạnh phúc. Các em tham gia hoạt động giáo dục một cách náo nức, không phải nơm nớp lo lắng về những bảng đánh giá, xếp loại. Xếp loại làm sao được con người khi mỗi người hiện đại là một cá thể có giá trị riêng biệt. Em này có thể học toán giỏi, văn giỏi nhưng không biết làm gì khác; em khác có thể là một người bạn rất tốt của mọi người, biết quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giúp đỡ gia đình...

Ai cũng nói phải bảo vệ, yêu thương yêu trẻ, tôi đề nghị thêm "phải tôn trọng trẻ". Tức là yêu thương và tôn trọng. Xã hội hiện đại, trẻ cần được tôn trọng, đối xử công bằng. Tôn trọng trẻ là phải dạy trẻ những cái gì đúng đắn, chững chạc. Không phải nhồi nhét đủ thứ, ép buộc trẻ tin những gì người lớn cho là đúng.

Trẻ con vốn là chân thành, hồn nhiên, nhưng sao vào nhà trường nó lại nói dối, có phải vì anh dạy nó thế? Trẻ không thích sẽ bảo là không thích, nhưng anh lại bảo thế là hư!? Anh bắt trẻ phải tin điều anh nói là đúng. Trái ý người lớn là hư. Vì thế, nếu chương trình học buộc các em phải giống như những cái máy thì cha mẹ hãy "cải thiện" tình hình bằng cách để cho trẻ tự nhiên phát triển mong muốn của mình. Đừng quá kỳ vọng, quá áp đặt, khiến trẻ thành những nạn nhân của chính mình.   

Dạy con đối phó với chương trình học

"Dạy con học, nhất là môn tập làm văn, nhiều khi cũng phải làm theo cách đối phó. Mong sao các nhà giáo dục có thể cải tiến chương trình học để trẻ con đừng bị bắt phải làm những gì chúng không biết hoặc không hiểu rõ. Tại sao khi dạy trẻ viết về đồng quê lại không kết hợp với một chuyến dã ngoại về một vùng quê ven đô nào đó? Trẻ có thể làm bài thu hoạch chuyến đi bằng một bài văn hoặc một bức vẽ về cảnh đồng quê. Tôi cho rằng cách làm đó vừa giúp trẻ có trải nghiệm thực tế, vừa kích thích sự sáng tạo của con trẻ theo khả năng sở trường của chúng, hơn là bắt trẻ làm theo những áp đặt của người lớn".

Anh Nguyễn Trung Hiếu (34 Trần Phú, Hà Nội)


Châu An
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.