Vào ngày hôm qua (10/1) đã xảy ra một chuyện khá hy hữu, đó là nhóm thanh niên tụ tập bên ngoài phòng xử án đã vỗ tay cổ vũ “sát thủ” Lê Văn Luyện. Ngay tối qua, Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) để tìm sự lý giải về hành động “kỳ dị” này.
Kết thúc ngày xử đầu tiên vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tiệm vàng, nhiều thanh niên trẻ đứng ngoài nhìn Luyện đi qua đã vỗ tay tán thưởng. Theo ông thì tại sao những thanh niên kia lại có hành động kỳ lạ như vậy?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đó là những hành động kỳ quái mà nhiều người cho rằng rất khó lý giải, nhưng thực chất thì nó là sự phản ánh suy nghĩ và hành vi lệch lạc của một nhóm thanh niên “dị biệt” đang muốn “phủ định” những giá trị đạo đức truyền thống, để khẳng định mình đã thoát khỏi cái vỏ bọc cũ. Thực ra thì những hành động của họ chỉ là do thiếu suy nghĩ thôi (nói cách khác là suy nghĩ nông cạn) chứ không phải sự tán thưởng ấy là ủng hộ hành vi giết người, cũng không phải họ sẵn sàng hành động như Lê Văn Luyện, mà đơn thuần chỉ là một hành động muốn tách khỏi xu thế chung, tức là khi có đa số người đi theo một hướng là ghê tởm hành động của kẻ sát nhân thì một số thanh niên cố ý làm một cái gì đó ngược lại.
|
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Hành động vỗ tay cổ vũ cho Lê Văn Luyện của đám thanh niên cho thấy đang có nhiều gia đình bất ổn |
Nhiều người cho rằng, cổ vũ cho một kẻ gây ra tội tày đình như vậy cho thấy đạo đức của một bộ phận giới trẻ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng và suy rộng ra thì đang có rất nhiêu gia đình bất ổn, bởi hành động của những thanh niên kia phản ánh sự giáo dục của gia đình. Ông thấy điều đó có đúng không?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ rằng nói như vậy là chính xác. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, hành động của một số người vỗ tay tán thưởng Lê Văn Luyện không có nghĩa là họ sẵng sàng làm việc gì đó xấu xa, mà đơn giản đó chỉ là cổ vũ cho một hành động khác thường, đi ngược với những giá trị đạo đức truyền thống mà chính họ không dám làm.
BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO NHÓM THANH NIÊN VỖ TAY "TÁN THƯỞNG" LÊ VĂN LUYỆN
Cuộc sống bây giờ có rất nhiều vấn đề bất cập, nhiều người cung cấp dịch vụ thì không đàng hoàng, nhà chức trách xử lý công việc nhiều khi không công bằng… đời sống thì xô bồ, nó tác động không tốt tới con trẻ ngay từ lúc chúng còn bé. Chúng chưa hiểu được bản chất của vấn đề là gì mà chỉ biết cảm nhận thôi và thổi bùng lên thành một vài hành động “dị biệt”.
Chúng ta có thể thấy ngay trong thế giới của người trưởng thành cũng còn nhiều chuyện khá hài hước, thí dụ như khi công an làm nhiệm vụ bắn tốc độ hoặc kiểm soát giao thông là để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ấy vậy mà người ta cũng cố tìm ra vài chuyện gì đó để đả kích; hoặc khi có sự đôi co giữa công an và dân thường thì tâm lý của đa số đám đông là phải tìm ra được một cái gì đó để chê bai, chế giễu những người thi hành nhiệm vụ. Người lớn mà còn có những hành động “không bình thường” thì tất nhiên sẽ tác động tiêu cực tới con trẻ, làm ảnh hưởng xấu tới chúng trong quá trình hình thành nhân cách, và rồi chúng thể hiện ra bằng những hành động “phủ định” giá trị truyền thống.
Cổ vũ cho một kẻ giết người như vậy thì có khác gì sát muối vào nỗi đau của gia đình người bị hại, và nhìn ở góc độ nhân văn thì “hành vi vỗ tay” cũng là xấu xa…
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cần phải khẳng định rằng đó là suy nghĩ lệch lạc, nhưng vấn đề là cái người vỗ tay không nhận ra rằng đấy là hành vi tàn nhẫn với ai đó, vì thế họ hành động để tự thỏa mãn mà không cần biết người khác sẽ đánh giá thế nào.
Dù sao đi chăng nữa, việc tán dương một kẻ giết người, thậm chí giết cả đứa trẻ mới 18 tháng tuổi thì rất đáng lên án… trong khi đó lại có người cười cợt, điều đó cho thấy hệ giá trị đạo đức xã hội của chúng ta đang bị méo mó. Theo ông thì hệ lụy từ những suy nghĩ lệch lạc ấy là gì?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Rất may là những hành động “dị biệt” ấy chỉ xuất hiện ở một bộ phận nhỏ, còn đa số vẫn là người tốt, được giáo dục bài bản. Tuy nhiên, cũng không thể xem thường những cá thể ấy, vì lâu dần nó sẽ giống như vết dầu loang và ảnh hưởng xấu đến nhiều trẻ khác. Chúng sẽ không lên án cái xấu, không loại trừ cái xấu (loại trừ ngay từ trong suy nghĩ), khiến cho cái xấu luôn tồn tại song hành cùng những nhân tố tích cực, nhiều người đã gọi những hành động ấy là “sự vô cảm”.
BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO NHÓM THANH NIÊN VỖ TAY "TÁN THƯỞNG" LÊ VĂN LUYỆN
Nếu chúng ta không tìm cách tôn vinh cái tốt nhiều hơn nữa, nếu chúng ta không có nhiều hơn nữa những chương trình giáo dục cho thanh thiếu niên thì sẽ rất nguy hiểm. Đa phần các cá thể có hành động “dị biệt” xuất hiện ở những vùng nông thôn, vì người ta ít được tiếp cận với những gì tinh túy nhất, còn ở thành phố thì cách xử sự khôn ngoan hơn, không tìm cách đối đầu với dư luận theo kiểu “vỗ tay tán thưởng Lê Văn Luyện”, nhưng như thế cũng không có nghĩa là mọi chuyện đều tốt đẹp cả, vẫn có những con sóng ngầm đấy.
|
"Sát thủ" Lê Văn Luyện tại phiên tòa ngày 10/1/2012 |
Cổ vũ cho một kẻ gây tội ác như vậy ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu là đồng tình với kẻ gây ra tội ác đó… điều đó cho thấy nhiều thanh niên đã ngấm thói hư tật xấu. Vì sao những sự việc như vậy ngày càng xảy ra nhiều hơn, thưa ông?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đó là một sự lây lan giống như dịch bệnh, thói đời con người ta học cái tốt thì chậm mà học cái xấu lại nhanh; nhìn vào cái tốt của nhau thì rất khó, nhưng bới móc cái xấu lại rất rành; ngay cả khi đánh giá về một cá nhân nào đó khó ưa thì dư luận thường chạy theo xu hướng “tìm cách buộc tội” hơn là “suy đoán vô tội”.
Môi trường tạo nên tính cách của con người, vì thế nếu chẳng may đứa trẻ sống trong một môi trường xấu thì theo logic là chúng sẽ ngấm cái xấu nhiều hơn. Đời sống của chúng ta bây giờ đang phải chịu quá nhiều áp lực, các chân giá trị bị đảo lộn, chính vì thế mà con trẻ cũng bị lệch lạc trong cách nhìn nhận vấn đề, mà như tôi đã nói là hành động vỗ tay tán thưởng Lê Văn Luyện không nhằm cổ súy cho hành vi giết người, mà là có ý tung hộ một hành vi khác đời như một kiểu “iêng hùng”.
Tôi cho rằng, trong vụ việc của Lê Văn Luyện, một số thiếu niên trẻ tuổi bị ảnh hưỏng xấu là vì xã hội bàn về nó quá nhiều, những cái giá trị nhân văn – nhân bản đã trôi tuột đi mất rồi, chỉ còn trơ lại cái hình ảnh mang tính chất vật lý thôi; nhiều người ăn theo hình ảnh của Lê Văn Luyện, vô hình chung hình ảnh của kẻ giết người được “khu trú” trong tiềm thức của nhiều bộ não.
Theo ông thì cần làm thế nào để không còn những chuyện buồn như thế này?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Bây giờ, xã hội của ta nhiều chuyện thị phi quá, điều này thì có cả yếu tố từ bên trong và ảnh hưởng từ “văn hóa ngoại lai”. Giá trị nhân văn đang bị bóp méo trong nền kinh tế thị trường, người người giành giật địa vị, tiền bạc một cách không đàng hoàng. Họ cười nói, bắt tay nhau một cách giả dối. Tôi nhớ lại khi mình còn trẻ, hệ thống xã hội luôn ấm nóng tình người, dù vật chất thì khó khăn nhưng con người ta không tìm mọi cách tranh đoạt, còn bây giờ vì sự tranh giành nên chủ nghĩa vị kỷ đã lên ngôi mất rồi.
BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO NHÓM THANH NIÊN VỖ TAY "TÁN THƯỞNG" LÊ VĂN LUYỆN
Điều cần thiết nhất là phải có sự kết hợp chặt chẽ trong giáo dục con trẻ ngay từ tấm bé giữa gia đình và nhà trường. Nếu gia đình bất ổn thì hệ lụy kéo theo là những đứa con dễ hư hỏng; thầy cô không nghiêm túc và không tâm huyết với nghề thì dễ khiến cho tiêu cực nảy sinh. Bên cạnh đó, phải tìm cách giúp cho những người trẻ tuổi thấm nhuần những lý tưởng sống tốt đẹp, để biết yêu thương cộng đồng. Tôi thấy ở Hàn Quốc có một điều rất thú vị là tất cả thanh niên đều phải trải qua thời kỳ huấn luyện trong quân ngũ, tuy thời gian không dài nhưng cũng đủ giúp cho họ hiểu được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, nuôi dưỡng lòng yêu thương – đó chính là điều quan trọng nhất.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!