Hậu trường bản tin thời tiết: Vừa nhìn, vừa nói, vừa... ấn

10/01/2012 11:16:46
- Không ít người nghĩ làm bản tin thời tiết dễ như ăn kẹo vì thông tin đã có Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư (TTDBKTTVTƯ) cung cấp. Bản tin lại chỉ phát sóng có vài phút. Người dẫn chương trình (MC) chỉ cần mặc đẹp “chỉ trỏ” vài cái là xong nhưng thực tế không phải vậy… 
TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi có mặt tại “đại bản doanh” sản xuất các bản tin thời tiết phát trên Đài Truyền hình Việt Nam đúng lúc các biên tâp viên đang họp để thực hiện bản tin phát sóng lúc 19h45 phút. Những thông tin mới nhất về đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông được đưa ra thảo luận chớp nhoáng. Sau đó, ai vào việc người ấy. Người viết kịch bản, người thiết kế đồ họa... với những thao tác hết sức khẩn trương đến mức vội vã.
 
a
Các biên tập viên sẽ đảm nhiệm công việc này từ viết kịch bản, giải thích các hiện tượng như mưa bắt nguồn từ đâu, tại sao khi giông thì lại có sét...

3 - 4 giờ = vài phút

Thuộc Đài Truyền hình Việt Nam nhưng phòng sản xuất bản tin thời tiết lại không đóng đô tại trụ sở của Đài mà “an tọa” tại tầng 2 của một tòa nhà cao tầng nằm trên đường Đê La Thành, Hà Nội. Chị Phạm Thanh Thư, trưởng phòng cho hay có khoảng 20 nhân lực làm việc ở đây. Mỗi ngày họ sản xuất 5 bản tin có người dẫn (lúc 5h30, 6h20, 11h45, 19h45 và 21h20) và 10 bản tin không người dẫn.

Khâu đầu tiên trong quá trình sản xuất bản tin thời tiết là xử lý số liệu. Vào khoảng 15h các ngày, TTDBKTTVTƯ sẽ gửi sang 2 loại bản tin. Một ở dạng số là các ảnh mây vệ tinh. Bản tin còn lại ở dạng chữ. Có bản tin là họp. Mọi người cùng nhau phân tích các thông số và cách thức truyền tải thông tin. Các biên tập viên ở đây hầu hết đều tốt nghiệp chuyên ngành khí tượng tại các trường đại học nên ai cũng có chuyên môn sâu về thời tiết và khí hậu. Nhiệm vụ của các biên tập viên là phải phân tích để làm sao cho ra được một bản tin “chuẩn”. Hơn thế, các bản tin thường là các con số khô khan và các thuật ngữ chuyên ngành. Yêu cầu đặt ra là phải  mềm hóa số liệu và thuật ngữ chuyên ngành nặng tính khoa học để người dân có dễ dàng hiểu và tiếp nhận thông tin.

Các biên tập viên sẽ đảm nhiệm công việc này từ viết kịch bản, giải thích các hiện tượng như mưa bắt nguồn từ đâu, tại sao khi giông thì lại có sét... Cùng lúc đó các thông tin sẽ được xử lý đồ họa cho phù hợp từ việc mô phỏng bằng đồ họa lại diễn biến của các hình thế thời tiết, cho tới việc chuẩn bị từng con số, bảng biểu đẹp, có ý nghĩa, ấn tượng.

Chị Mai Ngọc Lan, phụ trách đồ họa kể: Trước đây, để minh họa, các biên tập viên phải cắt từng hình nhỏ rồi dán lên phông. Việc này vừa mất thời gian, hình lại đơn điệu, đôi khi chỉ là những ký hiệu “chết”. Hiện, tất cả đã được cải thiện nhờ một hệ thống công nghệ dự báo thời tiết nhập khẩu từ Mỹ về. Hệ thống này bao gồm các phần mềm chuyên ngành, các thiết bị cung cấp hình ảnh mây vệ tinh, số liệu...
“Không bao giờ xảy ra chuyện đến giờ lên hình mà vẫn chưa làm xong bản tin. Chúng tôi phải căn để làm sao, ít nhất các bản tin phải được hoàn thành trước khi lên sóng khoảng nửa tiếng. Đối với ngày có bão, lũ chúng tôi có thể lên sóng trực tiếp”.

BTV Phạm Thanh Thư
Tuy nhiên, các phần mềm, mô hình cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Lý do là vì các mô hình chỉ cung cấp  ảnh mây vệ tinh trong khi tiêu chí của các bản tin là phải phổ thông và “đời”. Người làm đồ họa phải tạo ra các bảng biểu, hình ảnh để minh họa. Ví dụ, khu vực Hà Nội có mưa, thì phải có hình ảnh đặc trưng của Hà Nội như Tháp Rùa, Hồ Gươm cùng vài hạt mưa rơi rơi... “Thông tin thời tiết biển đổi liên tục các hình ảnh cũng phải thay đổi theo. Hình ảnh bản tin này không được lặp lại ở các bản tin khác. Công việc luôn luôn đổi mới là một thách thức”, Mai Ngọc Lan, họa sĩ thiết kế của bản tin kể.

Nói đến đâu hình khớp đến đó

Dẫn chúng tôi vào xem phòng thu hình, chị Thanh Thư cho hay: Thông thường, khi xem truyền hình, mọi người sẽ thấy MC đứng trước bản đồ hình chữ S với các ảnh vệ  tinh cùng hình ảnh, bảng biểu minh họa. Tuy nhiên, thực tế khi dẫn, đằng sau MC chỉ có duy nhất  tấm phông lớn màu xanh.

MC Hoàng Ngọc Bích giải thích: Khi dẫn, không bắt buộc MC phải thuộc làu toàn bộ kịch bản nhưng phải hiểu rõ nội dung của bản tin cũng như từng hình ảnh thể hiện. Mỗi kịch bản có khoảng 20 hình, nói đến đâu hình phải ra khớp đến đó.

Để đổi hình khi miệng nói người dẫn phải sử dụng đến một công cụ đặc biệt. Ai tinh mắt sẽ thấy khi dẫn trong tay MC thường cầm một vật nhỏ màu đen. Vật này giống với vật mà các MC thời tiết của các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như CNN hay BBC vẫn thể hiện. “Vật màu đen” bí hiểm này là một công nghệ hiện đại được nhập từ Mỹ. Đó là điều khiển từ xa. Trên điều khiển có 4 nút ấn giúp MC điều chỉnh các hình ảnh trên màn hình.

 

a
Việc chỉnh hình thực tế vẫn chưa “đáng sợ” bằng việc chỉ được dẫn với tấm phông màu xanh. Tay của MC không có một điểm đặt cố định để xác định vị trí chỉ.

“Nói là chỉ có 4 nút nhưng việc sử dụng không hề đơn giản vì vừa phải nói, phải nhìn rồi phải ấn. Nhiều động tác làm cùng một lúc nên nhiều khi lời thì qua rồi mà tay thì chưa điều chỉnh hình kịp. Vậy là lại ghi hình lại”, Ngọc Bích kể. Nhưng việc chỉnh hình thực tế vẫn chưa “đáng sợ” bằng việc chỉ được dẫn với tấm phông màu xanh. Tay của MC không có một điểm đặt cố định để xác định vị trí chỉ.

Cô MC có khuôn mặt xinh xắn này còn bật mí thêm, để làm được toàn bộ những điều này, khi được chọn dẫn, các MC đều phải trải qua 6 - 12 tháng tập huấn liên tục.

Vừa làm vừa nín thở

Khi chúng tôi hỏi có cảm thấy vất vả không, chị Thanh Thư tâm sự: Mọi thứ đã vào guồng, cứ thế mà làm. Trong số 5 bản tin phát có người dẫn, có tới 2 bản tin phát vào lúc đầu giờ sáng và 1 bản tin vào cuối ngày (21h20). Như vậy, một bộ phận trong ê kíp phải làm rất muộn và hoặc rất sớm. Việc phải đi làm từ lúc 3 - 4h sáng là chuyện thường. Vào những ngày mưa gió bất thường, nhất là vào thời điểm có bão mới gọi là vất vả. Khi đó, 2 tiếng/bản tin. Các kịch bản ra lò liên tục, chưa xong cái này cái khác đã ập đến.

Thông thường, với các bản tin hằng ngày, các biên tập viên có thể “điều chỉnh” đôi chút. Nhưng đối với bão thì phải tuyệt đối tuân thủ theo các bản tin do bên TTKTTVTƯ gửi sang. Lúc đó, các biên tập viên chỉ cố làm sao để đưa các thông tin mới nhất, vừa đưa ra được những cảnh báo giúp cho bà con vùng có khả năng bị ảnh hưởng.

Nói đến đây, chị Thư cười bảo: "Ở đây không chỉ dự báo thời tiết đâu nhé. Để minh chứng, chị chỉ cho chúng tôi xem một kịch bản trong đó ngoài thông tin về thời tiết như nhiệt độ bao nhiêu, độ ẩm ra sao còn cả một đoạn dài hướng dẫn bà con cách chăm sóc hoa lan, hoa ly. Giải thích mối quan hệ giữa bản tin thời tiết với hoa lan, hoa ly, chị Thư giải thích, trong các bản tin, ngoài thông tin thời tiết còn đưa ra các thông tin cảnh báo ví dụ, khi có bão thì ngư dân ngoài biển phải làm gì, người dân ở trong vùng ảnh hưởng của bão phải thực hiện gia cố nhà cửa thế nào."

Để có đầy đủ các thông tin đó, các biên tập viên phải sử dụng rất nhiều các nguồn khác nhau từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Ủy ban Phòng chống Lụt bão Trung ương, thông tin từ các địa phương... “Giờ bảo trồng lan thế nào khi thời tiết ấm bất thường, hay cách thức gia cố nhà cửa khi có gió to, bão lớn, chúng tôi đọc vanh vách”, chị Thư cười nói với chúng tôi trước khi tạm biệt. 
Trước thắc mắc về trang phục lúc nào cũng đẹp và “diện” của các người dẫn chương trình, MC Ngọc Bích cười: “Trang phục được tài trợ. Có điều, nhiều lúc, áo thì vừa, váy thì rộng. Việc lấy kim băng, dập kim để túm áo, buộc váy là chuyện thường. Tất nhiên, khi lên hình thì người xem sẽ không bao giờ thấy hình ảnh lôi thôi ấy”.

Sơn Hà

 

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.