Vụ cùng quẫn, cuồng sát trong thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng:
Thu hồi đất: Phải chú ý đến công sức của người dân
(Dân Việt) - “Khi làm việc gì, kể cả thu hồi đất, cũng phải chú ý đến công sức của người dân đã bỏ ra”- ông Phạm Xuân Lương - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hải Phòng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (thời kỳ 2001-2007) nói.
|
Ông Phạm Xuân Lương. |
Quan điểm của ông về sự kiện này như thế nào?
- Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Bản thân tôi không bao giờ nghĩ trên địa bàn huyện Tiên Lãng- một huyện có truyền thống anh hùng lại xảy ra một chuyện động trời đến như vậy. Sự kiện không đáng có này còn để lại những hệ lụy sau này, tác động tiêu cực tới công tác tư tưởng, tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Theo ông, trách nhiệm của lãnh đạo huyện trong vụ việc này thế nào?
- Theo tôi được biết, trước khi tiến hành tổ chức cưỡng chế, UBND huyện đã tham khảo ý kiến các ngành chức năng của thành phố và nhận được các ý kiến tham gia tư vấn. Như thế chứng tỏ huyện không tự ý làm việc này. Để đánh giá sự việc, cần quan tâm đến một số vấn đề cụ thể của địa phương.
Thứ nhất, về vị trí, diện tích đất của các hộ được giao nuôi trồng thủy sản nằm ngoài đê biển, việc giao đất thời kỳ đó là nhằm khai thác bãi triều ven biển, khác với việc giao đất theo Nghị định 64, nên chưa bị hạn chế về hạn mức giao đất, các hộ được giao với diện tích lớn.
|
Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở đầm nuôi thuỷ sản đã bị san bằng. |
Thứ hai, tại thời điểm đó, trong các quyết định giao đất thể hiện khi hết thời hạn giao đất, người sử dụng đất sẽ bàn giao lại cho Nhà nước quản lý mà không được bồi thường. Tuy nhiên, đó là thời điểm trước khi Luật Đất đai có hiệu lực. Còn bây giờ, khi đã có Luật Đất đai, huyện muốn thu hồi đất thì phải căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành. Làm gì thì làm cũng phải chú ý tới công sức của người dân đã bỏ ra.
Ông đã từng làm Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng khá lâu. Ông có thể cho biết, công tác quản lý đất đai ở khu vực này thời kỳ đó diễn ra như thế nào?
- Vào đầu những năm 90 (của thế kỷ trước), huyện giao cho một số hộ nuôi trồng thủy sản tự khai hoang, nuôi trồng theo phương pháp quảng canh. Sau này, do thấy không hiệu quả nên đã có kế hoạch đầu tư thêm, chia nhỏ cho các hộ để nâng cao sản lượng trên đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Trong – Phó Chủ tịch Liên chi Hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết, đến thời điểm này, Liên chi hội, một số bà con trong huyện đã quyên góp ủng hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý trên 20 triệu đồng để giúp họ ổn định cuộc sống.
Khi làm việc này, chúng tôi có tính đến hỗ trợ công lao đóng góp đầu tư của bà con trước đó bằng cách ưu tiên cho bản thân họ và người thân trong gia đình được giao lại diện tích đã sử dụng. Vì lúc này đã có Luật Đất đai, mỗi hộ chỉ được giao không quá 5ha, nên chúng tôi phải tạo điều kiện để anh em, con cháu trong gia đình họ được đứng tên.
Khi tính toán tiền thuê đất hàng năm, chúng tôi cũng đã xem xét để giảm mức đóng góp cho bà con. Chính vì vậy, toàn bộ khu vực đầm phía bắc Cống Rộc (đầm nhà ông Vươn ở phía nam Cống Rộc) đã được quy hoạch lại mà không bị người dân phản ứng gì.
Quan điểm chỉ đạo của tôi là phải cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân và lợi ích của Nhà nước. Những người như ông Vươn khi đó là những người đi trước, họ phải chấp nhận khó khăn, sóng gió để tạo ra sản phẩm, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương nên càng phải được quan tâm tới công lao của họ mà có chính sách hỗ trợ thỏa đáng.
Vũ Hải (thực hiện)