Báo GDVN xin được là cầu nối gửi đi thông điệp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa (trường THPT Thường Tín) muốn gửi gắm đến những ai đã đi, sắp đi đến những vùng đất mới.
|
Thày Đỗ Việt Khoa |
Tôi đã lên Hà Giang 1 lần rồi. Đó là cách đây 2 năm. Và tôi lại lên Hà Giang lần nữa với các bạn. Không phải lên thành phố, mà đi tận Pả Vi, Mèo Vạc. Không phải đi chơi bạn bè, mà đi làm từ thiện. Đường đèo cheo leo, vực sâu hun hút thót tim. Xe khởi hành từ 21h hôm trước mà tận trưa hôm sau mới tới nơi.
Trước khi đi, tôi chỉ có 6 ngày để vận động các thầy cô giáo và các em học sinh quê tôi tham gia ủng hộ. Tuy gấp gáp, nhưng lòng nhiệt tình của các nhà giáo có thừa. Chúng tôi thu được đầy1 xe ô tô nào là áo quần, đồ dùng, mì tôm, bánh kẹo và tiền lên tặng cho học sinh vùng cao.
Điểm đến là cụm trường xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc – nằm ở cực bắc tổ quốc, sát biên giới Việt Trung. Điểm trường gồm nhiều điểm nhỏ lẻ. Hầu hết là học sinh nghèo, rách rưới, mũi thò lò, suy dinh dưỡng. Ngân sách đã cố xây được cho 2 điểm trường phòng học cấp 4. Nhưng không điện, không đèn.
Còn 2 điểm nữa thì vẫn nhà tranh vách liếp trống hoác, cheo leo trên sườn núi dốc đứng, gió lạnh thấu xương. Chúng tôi trao quà, trao tiền cho thầy trò để lo cho các cháu.
|
Món quà bé thôi, nhưng các em sẽ được ấm áp hơn |
Sau đó chúng tôi thăm một loạt gia đình dưới xóm Mã Pì Lèng. Thật là xót xa vì cái nghèo nơi đây. Nghèo quá. Nghèo mạt rệp. Không thể nghèo hơn. Cả xóm 86 nóc nhà mà có mỗi 1 con bò. Nhà dựng trên mấy cây tre trúc, đan thành liếp mỏng, hở toang hoang mặc cho gió lạnh tràn vào. Cái ăn chỉ là ngô và ít đỗ tương, mà cũng chỉ đủ 6 tháng.
Tôi đi qua mấy nhà, tặng mỗi gia đình 1 trăm ngàn. Một anh cán bộ cho tôi biết: trường xã Tả Lủng cách đó 7 cây số, các cô giáo bảo là không có chăn chiếu, xoong nồi cho các cháu. Làm thế nào xin cho các cháu 24 cái chăn, 24 cái chiếu và mấy bộ nồi xoong.?
|
"Chúng tôi muốn tận tay trao cho đồng bào mình hơi ấm" |
Tôi bèn dốc túi đồng cuối cùng, tìm gặp các cô giáo và trao cho họ chút tiền, nhờ các cô mua ngay mấy cái chăn ấm về cho các cháu.
Pả Vi, Tả Lủng là nơi chỉ có đá và đá. Hễ nắng là hạn, hễ mưa là trôi. Con người muốn sống cũng thật là khó. Có người bảo: Sao không bảo bà con dời xuống dưới thấp hơn mà sống. Tôi chỉ tay về phía đỉnh núi phía trước và bảo: Biên giới Việt Trung đó, dời được không? Phải sống, phải bám đất, bám làng. Bỏ thì ai giữ hộ?
Tôi thầm cảm phục sức chống chịu gian nan của người dân, cảm phục tấm lòng của các thầy cô nơi đây. Chuyến đi cho tôi được vỡ thêm nhiều điều thú vị về miền đất địa đầu Tổ quốc.
Kết thúc chuyến đi về nhà đọc thấy tin quan chức đánh cờ cả tỉ đồng mỗi ván mà tôi thất kinh. Giá mà họ chứng kiến cuộc sống gian khó của người dân nơi đó thì… Giá mà… giá mà… Vâng, tôi chỉ mong giá mà như thế. Còn tôi, tôi sẽ tiếp tục những chuyến đi như vậy.
Sẽ bớt mua sắm hoang phí
Đường đi tuy có mệt, có xa, có giá lạnh đã dạy cho đoàn từ thiện thật nhiều điều ý nghĩa. Lưu Thúy Hạnh chia sẻ về chuyến đi Pả Vi của mình.
|
Lưu Thúy Hạnh tự hứa rằng sẽ bớt tiêu hoang phí |
Đây là lần đầu tiên mình đi từ thiện và được cảm nhận những khó khăn, vất vả của các cô cậu học trò nhỏ, của các cô giáo thầy giáo trên vùng cao này mình thấy cảm động vô cùng. Trước đây xem ti vi nhiều nhưng không nghĩ cuộc sống của các em lại vất vả, khó khăn đến như vậy.
Giữa trời lạnh giá thế này, người lớn chúng tôi còn mặc áo khoác nọ, áo len kia, đội mũ, đeo găng đủ thứ, thế mà vẫn co ro. Nhìn những đứa bé gầy nhom, chân tay nứt nẻ, lấm lem, mong manh một tấm áo rách sờn, chắc hẳn ai cũng chạnh lòng xót thương. Chân tay các em phù nề, tứa cả máu ra, tôi thương các em vô cùng.
Nên giờ nhiều khi muốn mua cái gì tôi cũng đắn đo xem có cần thiết thật sự với mình hay không. Cứ nghĩ mình được mặc áo ấm, đi giày đẹp còn các em thì đang gồng mình chống chọi với cái giá lạnh thấu xương thịt, là tôi lại không dám hoang phí nữa. Các em, chính các em học sinh nhỏ bé ấy đã làm cho tôi hiểu hơn, trân trọng đồng tiền và biết tiết kiệm hơn.
Tôi sẽ bớt không mua một cái áo điệu đà, bớt mua một thỏi son không mấy khi cần đến, bớt ăn ngô nướng để có thể dành lại chút ít. Rồi một ngày nào đó tôi sẽ lên với các em, tận tay đưa cho các em những đôi tất, đôi găng tay. Món quà ấy nhỏ bé thôi nhưng có thể làm cho các em vui rồi.