Thứ Bẩy, 14/01/2012 - 07:39

"Chúng tôi xem vụ cưỡng chế đầm của ông Vươn là bài học lớn"
(Dân trí) - Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cho rằng, ngôi nhà nằm ngoài diện tích phải cưỡng chế vẫn bị phá hủy là do có đối tượng chống đối ẩn nấp! Cũng theo ông Khánh, UBND huyện đã xem vụ cưỡng chế vừa qua là một bài học lớn...
 >>  Công bố thông tin phía sau vụ 6 chiến sĩ bị xả súng
 >>  Lời khai đối tượng xả súng làm trọng thương 6 chiến sĩ
 >>  Nổ mìn, xả súng trong buổi cưỡng chế, 6 chiến sĩ trọng thương
Phá hủy ngôi nhà không nằm trong diện cưỡng chế

Chiều 13/1, trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Báu, 31 tuổi là vợ của Đoàn Văn Quý (em ông Vươn, đã bị Công an Hải Phòng khởi tố tội danh “giết người” trong vụ gây thương tích cho 6 cán bộ, công an ngày 05/1 vừa qua) cho rằng, ngôi nhà của vợ chồng bà bị lực lượng chức năng huyện Tiên Lãng phá hủy không nằm trong diện tích 19,3ha bị cưỡng chế mà nằm trong phần diện tích 21ha theo Quyết định giao đất số 447/QĐ-UB cho ông Vươn chưa có quyết định cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng.
 
 
Ngôi nhà 2 tầng của vợ chồng Đoàn Văn Quý bị phá hủy vào ngày 05/1
 
Trả lời phóng viên về việc này, ông Ngô Ngọc Khánh - Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận, ngôi nhà ông Quý không nằm trong diện tích bị cưỡng chế vào ngày 05/1, nhưng do ngôi nhà nằm trên đường lực lượng cưỡng chế đi qua và do phát hiện có đối tượng chống đối ẩn nấp nên cán bộ làm nhiệm vụ đã phá hỏng!?.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, ngày 05/1, đích thân ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Chủ tịch huyện và ông Khánh trực tiếp đến hiện trường đầm nuôi trồng thủy sản ông Đoàn Văn Vươn thuê để chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất mà UBND huyện Tiên Lãng giao ông Vươn sử dụng đến nay đã hết hạn.
Chia sẻ với PV về vụ cưỡng chế, ông Khánh nói: “Chúng tôi rất đau lòng về sự việc xảy ra hôm cưỡng chế. Chúng tôi xem đây là bài học lớn. Chúng tôi đã có một phần chủ quan, nghĩ là cưỡng chế dễ dàng nhưng không ngờ lại gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân. Nếu sau này thực hiện các cuộc cưỡng chế, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ càng và chu đáo hơn”.
 
UBND Tiên Lãng bội hứa?
Ông Ngô Văn Khánh: "Chúng tôi xem vụ cưỡng chế là bài học lớn". (Ảnh: QĐ)
 
Trở lại nguồn cơn dẫn đến sự việc ngày 5/1 vừa qua, ông Ngô Ngọc Khánh cho biết, huyện Tiên Lãng có bờ biển dài 21,5 km, với khoảng 100 hộ dân nuôi trồng thủy sản và việc người dân lấn biển, đắp bờ khoanh vùng nuôi trồng thủy sản để phát triển sản xuất được UBND huyện tạo mọi điều kiện. Tuy nhiên, việc ông Vươn quai đê, lấn biển là việc làm tự ý, không được sự đồng ý của địa phương nên huyện đã có quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng vào ngày 09/4/1997.

Cùng ngày 09/4/1997, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Vươn 19,3 ha với thời hạn 14 năm nhưng lại đẩy lùi ngày ký quyết định thành... 04/10/1993. Lý giải về sự việc này, ông Khánh cho rằng: “Do thời điểm giao đất cho ông Vươn ở vào thời điểm giao thời của Luật Đất đai và cũng là giao thời của bộ máy quản lý huyện còn nhiều bất cập!?”.

Nhiều người nhận định ông Vươn có nhiều công trong việc quai đê, khoanh vùng đầm nuôi trồng thủy sản tại Tiên Lãng
 
Đến thời điểm quyết định giao đất hết thời hạn vào năm 2007, UBND huyện Tiên Lãng đã kiên quyết không tiếp tục bàn giao đất cho ông Vươn cùng hàng chục hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Vinh Quang và xã Bắc Hưng.
Về việc này, các chủ đầm cho biết, họ đã đi khiếu nại, nhưng không được UBND huyện giải quyết thỏa đáng. Các chủ đầm nuôi trồng thủy sản đã nộp đơn khởi kiện hành chính ra tòa án và được TAND huyện Tiên Lãng thụ lý, giải quyết.

Sau phiên tòa sơ thẩm, khi tòa án cấp huyện đã xử phần thắng thuộc về UBND huyện Tiên Lãng, ông Vươn và các chủ đầm tiếp tục nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm lên TAND TP Hải Phòng. Trong quá trình thụ lý giải quyết, đại diện TAND TP Hải Phòng đã để các bên đương sự thỏa thuận với nhau, theo đó nếu ông Vươn có đơn xin rút kháng cáo thì UBND huyện sẽ giao đất cho ông Vươn theo các thủ tục và quy định của pháp luật.

Công an viên xã Vinh Quang (thứ 2 từ phải sang) - người bảo vệ khu vực đã cưỡng chế cảnh báo các nhà báo: "Chúng tôi chỉ đảm bảo an toàn ở vùng ngoài còn vào trong có xảy ra chuyện gì thì các nhà báo tự chịu nhé!"
 
Thế nhưng, sau khi ông Vươn rút đơn kháng cáo thì UBND huyện Tiên Lãng lại triển khai lực lượng cưỡng chế diện tích 19,3 ha vào ngày 05/1 vừa qua.
Nói về "lời hứa" trước đây để ông Vươn rút đơn kháng cáo, ông Vũ Văn Sân - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận: “UBND huyện đã bật mí cho ông Vươn, huyện sẽ giao cho UBND xã Vinh Quang cho thuê đất theo hình thức 1 người được thuê 5 ha. Chúng tôi cũng đã bật mí cho ông Vươn nên đăng ký thuê số đất mà UBND huyện đã cho ông sử dụng theo hình thức đứng tên ông Vươn, vợ, con và những người khác liên quan bởi theo quy định 1 người chỉ được thuê 5 ha”.
Như vậy, UBND huyện Tiên Lãng đã không thực hiện lời hứa?
 
Vợ ông Đoàn Văn Vươn: "Chúng tôi đã phải vay nợ nhiều tỷ đồng"
Bà Nguyễn Thị Thương, 42 tuổi (bị Công an Hải Phòng khởi tố tội danh “chống người thi hành công vụ”, được tại ngoại ngày 11/1) - là vợ ông Đoàn Văn Vươn (bị khởi tố tội danh “giết người”) cho biết: “ Từ năm 1993, anh Vươn là người đầu tiên huy động sức người sức của từ gia đình, họ hàng và người dân để lấn biển, quai đê khoanh vùng thành đầm nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Thương: " Giờ 3 mẹ con tôi phải đi xin ở nhờ".

Để có được thành quả như hiện nay, chồng tôi đã phải vay nợ ngân hàng cũng như người thân nhiều tỷ đồng, đặc biệt là sự trả giá cho việc mất đi đứa con gái đầu lòng vào năm 2001 tại khu đầm nơi chồng tôi và những người thân lao động nuôi trồng thủy sản...
 
 
Sau vụ cưỡng chế, hiện cả gia đình tôi ly tán, không nhà không cửa, phải đi ở nhờ bà con anh em. Tôi mong được cơ quan chức năng chính quyền xem xét đến hoàn cảnh gia đình tôi bởi 3 mẹ con chúng tôi đều phụ thuộc vào lao động chính là anh Vươn"
 
GS. TS Đặng Hùng Võ: "Cái gì áp dụng sai thì phải sửa"

Liên quan đến việc thu hồi và cưỡng chế khu đất của ông Vươn, GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT khẳng định: "Quá trình thu hồi, cưỡng chế đất của UBND huyện Tiên Lãng có nhiều sai lầm. Việc sửa chữa những cái sai của cơ quan chức năng bây giờ là muộn, nhưng cái gì áp dụng sai thì phải sửa. Nếu theo luật thì huyện Tiên Lãng phải quyết định lại việc giao đất đối với ông Vươn kéo dài thời hạn đúng 20 năm (huyện giao 14 năm - pv), nhưng diện tích giao đất chỉ tối đa 2ha, còn lại là chuyển sang cho thuê.

Vấn đề ở đây là cả UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều có trách nhiệm. Trách nhiệm của huyện là làm sai, còn trách nhiệm của TP là kiểm tra thực thi pháp luật không trọn vẹn. Cơ quan nhà nước nói với người dân qua các quyết định hành chính thì cơ quan nhà nước phải giữ chữ tín, do vậy sai của cơ quan chức năng đến đâu thì phải sửa đến đó."

Trong một diễn biến khác, ngày 12/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) Đào Trung Chính cho biết, Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng báo cáo toàn bộ việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng liên quan đến vụ việc đáng tiếc vừa qua.
 

Quốc Đô