Thứ bảy, 14/01/2012, 08:00(GMT+7)

Phi Thanh Vân: "Tôi được báo chí khen là chủ yếu"

'Cũng có những bài báo chê, như mấy bài báo viết về da nâu chẳng hạn, nhưng vì nhà báo viết đúng nên tôi đành phải chịu'

‘Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ đóng cửa với báo chí. Mà tôi được báo chí khen là chủ yếu. Cũng có những bài báo chê, như mấy bài báo viết về da nâu chẳng hạn, nhưng vì nhà báo viết đúng nên tôi đành phải chịu’, diễn viên Phi Thanh Vân chia sẻ.

Nếu một ngày được làm nhà báo…
 
- Đang tham dự “Dạ tiệc Xuân - nhà báo và nghệ sĩ”, vậy chị nghĩ gì về những người làm báo?

Nói chung nhà báo với nghệ sĩ cứ như thuyền và biển, giống cây cau với dây trầu, lúc nào cả hai cũng quấn quýt vào nhau, sống chung với nhau. Nếu không có nghệ sĩ, nhà báo sẽ chẳng có gì để viết. Ngược lại, nếu nghệ sĩ không có nhà báo thì chẳng ai viết bài cho mình. Đó là mối quan hệ cùng sống, làm việc và có lợi cho đôi bên. Thế nên việc làm sao giữ được mối quan hệ này trở nên tốt đẹp mới là điều quan trọng. Lúc đó ai cũng vui vẻ và cảm thấy tuyệt vời nhất.

- Riêng trong sự nổi tiếng của chị, nhà báo có vai trò thế nào?

Nhìn lại, đã có không biết bao nhiêu bài báo viết về tôi, khen chê đều có. Tôi nghĩ đó là nền tảng để mình tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Dù có chuyện gì chăng nữa, tôi không thể chối bỏ được sự nổ lực mà nhà báo dành cho mình. Đó là lí do giải thích vì sao tôi luôn gắn bó thân thiết với nhà báo.
 
- Nếu được một ngày làm nhà báo, chị sẽ làm gì?
 
Thì tôi sẽ làm việc bình thường. Với kinh nghiệm nghiệm làm nghệ thuật, tôi nghĩ mình sẽ không gặp khó khăn trong việc viết bài đâu. Nhưng chỉ cho tôi làm trong một ngày thôi nhé! (Cười).

- Thế chị nghĩ mình có kỹ năng hay tố chất nào để trở thành nhà báo?

Tôi biết viết báo. Thật ra có rất nhiều bài báo tôi đã viết.

Không ác cảm với báo mạng!

- Báo giấy hay báo mạng sẽ được chị quan tâm nhiều hơn?

Mỗi thể loại đều có thế mạnh khác nhau, nếu biết khai thác thì nó sẽ tốt cho mình.

- Chị có “ác cảm” với báo mạng?

Tất nhiên đã là báo mạng thì cần phải có cái gì đó thu hút độc giả. Thử nghĩ xem, một trang báo mạng có biết bao nhiêu mục tin bài, bao nhiêu câu chuyện được đăng tải, bao nhiêu trang báo cạnh tranh nhau thì người làm báo mạng phải có cách để thu hút độc giả, để độc giả click chuột vào xem. Tôi nghĩ việc làm thế nào để bài báo trở nên hấp dẫn, câu khách, hút người xem nhưng vẫn có chất lượng là nhiệm vụ của cả nhà báo và nghệ sĩ. Họ phải cùng hỗ trợ cho nhau để tạo ra sản phẩm, đánh vào tâm lí người đọc. Đó là việc mà cả hai cần phải thương lượng và thống nhất.

- Dường như chị đang ủng hộ xu hướng đặt ra những tít báo giật gân, gây sốc?

Làm báo cũng là kinh doanh thôi, tòa soạn cũng cần phải có lời chứ. Một trang báo bị lâm vào cảnh không ai thèm đọc thì chỉ có đường dẹp sớm. Bản thân tôi là người làm kinh doanh nên tôi hiểu điều đó. Đồng ý làm báo hay làm kinh doanh đều phải đề cao tính đạo đức, nhưng mục đích phục vụ khách hàng, độc giả vẫn quan trọng hơn.

Chưa hối hận về những gì phát biểu trên báo!

- Một ngày chị dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc báo?

Nhiều lắm, nếu rảnh là tôi lên mạng đọc bài. Tôi đọc tất cả mọi thứ trong cuộc sống được đăng tải trên báo.

- Chị nhớ gì về bài báo đầu tiên viết về mình?

Gần như tất cả những bài báo viết về mình, tôi đều nhớ rất rõ. Nhà tôi có một bức tường bất hủ. Nó được dựng cạnh cầu thang. Đó là nơi tôi dán tất cả những bài báo viết về mình. Lâu lâu đọc lại, tôi thấy vui lắm. Thật ra, tôi chưa bao giờ hối hận về những gì mình đã phát biểu trên báo chí. Đôi khi nhìn lại những tấm hình của mình được đăng tải trên báo năm 16, 17 tuổi, tôi giật mình vì nhan sắc sao thay đổi chóng mặt quá (Cười lớn).

- Thế còn bài báo gần đây nhất đã viết gì về chị?

Bài báo mới nhất có thể chưa ra đâu. Trung bình một tuần sẽ có 2 bài viết về tôi được đăng tải. Nếu ế lắm thì một tuần một bài (Cười).

- Nếu nguyên một tuần, thậm chí hai tuần không có bài báo nào viết về chị, khi đó chị nghĩ lí do là vì mình bị báo chí “thất sủng” hay bởi vì chị cố ý không xuất hiện?

Chắc do công viêc bận nên tôi không trả lời báo chí. Sang năm tôi sẽ làm phim truyền hình, làm chương trình truyền hình thực tế nên thời gian rảnh cũng không nhiều. Cũng may tôi có thói quen thích viết những bài tự sự về mình để dành cho báo. Tôi sẽ lưu giữ, khi nào báo cần thì có bài. Từ bài những bài tự sự đó, nhà báo có thể giữ nguyên hoặc biên tập lại để đăng tải.

“Cãi lộn trên báo không phải là việc quan trọng”

- Chị từng gặp nhiều sự cố bất lợi với báo chí chưa?

Có cứ sao không, nhưng quan trọng là mình có đặt nặng vấn đề đó hay xem nhẹ nó. Nếu mình coi nhẹ thì nó dễ lướt qua nhanh. Hơn nữa, đôi khi do loại hình báo giấy hay báo mạng mà độc giả sẽ nhanh chóng quên đi những rắc rối được đăng tải. Cuộc sống này còn có bao nhiêu thứ cần quan tâm. Bởi thế tôi chỉ giữ những cái gì cần thiết, cái gì nhỏ nhỏ thì đọc rồi cho qua và quên luôn. Tôi cũng không đặt nặng nhiều vấn đề. Tôi nghĩ mình nên sống trải lòng hơn. Tôi sống giản dị nên mọi thứ đều nhẹ nhàng trôi qua. Trừ cái gì quá khủng khiếp thôi chứ bình thường là tôi dễ cho qua lắm. Dù thế nào thì cũng nên sống thoải mái, thư giãn và vui vẻ. Việc quan trọng với tôi là kiếm tiền chứ không phải suốt ngày đi cãi lộn nhau trên báo.

- Vậy đã có một lúc nào chị mang suy nghĩ thôi thì mình tạm thời “đóng cửa” với báo chí?

Chưa bao giờ tôi có suy nghĩ đó. Mà tôi được báo chí khen là chủ yếu. Cũng có những bài báo chê đó chứ, như mấy bài báo viết về Da nâu chẳng hạn, nhưng vì nhà báo viết đúng nên tôi phải chịu.

- Thường xuyên làm việc với phóng viên, chị nhận xét gì về họ?

Với các phóng viên trẻ tuổi hơn mình, đôi khi mình cần góp ý chứ mấy anh chị phóng viên lớn tuổi, tôi hay được họ góp ý để chỉnh sửa. Có như thế, tôi cũng hoàn thiện mình hơn trong thời gian vừa qua.

- Vậy có điều gì mà chị không bao giờ tiết lộ với báo chí?

Những chuyện riêng tư trong gia đình hoặc cá nhân, tôi không bao giờ tiết lộ. Tôi kể trên báo nhiều chuyện lắm, nhưng có những chuyện dù mình nói bao nhiêu cũng cũng không giải quyết được gì thì đâu cần nói nữa.
 
Theo Xzone

Xem ý kiến bạn đọc

Danh sách comment