"Nếu Vươn cố thủ trong Keangnam thì cũng san phẳng hay sao?"

Thứ hai 16/01/2012 06:02
(GDVN) - "Nếu anh Đoàn Văn Vươn cố thủ trong tòa nhà Keangnam và dùng súng bắn ra ngoài thì chính quyền cũng cho san phẳng tòa nhà hay sao?"

Sự việc ông Đoàn Văn Vươn nổ mìn và bắn súng vào lực lượng cưỡng chế thu hồi đất thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh hành vi trái pháp luật của ông Vươn thì UBND huyện Tiên Lãng cũng có trách nhiệm trong vụ việc này. Từ đó, đặt ra vấn đề cần xem xét lại một số quy định của pháp luật về cưỡng chế thu hồi đất.

Luật sư Ngô Ngọc Trai – Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích một số quy định bất cập trong hệ thống các quy định về thu hồi đất hiện nay và khẳng định: "Chính quyền huyện Tiên Lãng đang cố tính bao biện khi lý giải hành vi san phẳng nhà anh Đoan Văn Vươn. Nếu xác định căn nhà đó nằm ngoài diện tích đất thu hồi thì đó là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của công dân, được bảo vệ chống lại mọi sự xâm phạm".

Về việc giao quyết định thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi

Trước khi nghị định 69/2009/NĐ-CP của chính phủ được ban hành thì năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng) đã khiến 6 chiến sĩ CA, quân đội bị thương. (ảnh LĐ online)

Khoản 3 Điều 53 Nghị định 84/2007 quy định rằng: Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi.

Được biết cơ quan nào thu hồi, lý do thu hồi là gì người dân có quyền khiếu nại nếu việc thu hồi đất là không đúng pháp luật về thẩm quyền hoặc về căn cứ thu hồi. Qua đó người dân thực hiện vai trò giám sát đối với cán bộ chính quyền trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Đây là quy định tích cực của chính phủ bảo vệ quyền của người sử dụng đất.

Nhưng quy định tích cực trên đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 69/2009 do Bộ tài nguyên môi trường là cơ quan soạn thảo. Nghị định 69/2009 không còn quy định buộc cơ quan thu hồi đất phải giao quyết định thu hồi đất cho người dân nữa. Do vậy người dân không còn được quyền khiếu nại về quyết định thu hồi đất.

Điểm c khoản 2 Điều 31 nghị định 69/2009 quy định cơ quan thu hồi phải gửi quyết định bồi thường cho người dân. Như vậy trong việc thu hồi đất, theo quy định mới người dân không được có ý kiến (khiếu nại) về việc thu hồi đất nữa mà chỉ được quyền có ý kiến (khiếu nại) về phương án, mức giá đền bù mà thôi. Đây là điểm tối của Nghị định 69/2009 do bộ tài nguyên môi trường là cơ quan soạn thảo trình chính phủ ban hành.

Về việc bàn giao đất bị thu hồi

Việc cưỡng chế, thu hồi đất đối với hộ gia đình Đoàn Văn Vương đã cho thấy sự yếu kém của chính quyền địa phương. (Ảnh: Internets)

 

 Nghị định 84/2007 (khoản 2 Điều 54) và nghị định 69/2009 (khoản 2 Điều 40) đều quy định: Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất.

Nghị định 84/2007 (khoản 2 Điều 54) và nghị định 69/2009 (khoản 2 Điều 40) đều quy định: Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất.

Theo đó, khi người dân khiếu nại về việc thu hồi đất hoặc về phương án bồi thường thì đều phải bàn giao đất cho cơ quan thu hồi, nếu không bàn giao sẽ bị cưỡng chế. Ý nghĩa của quy định này là nhằm đảm bảo tiến độ cho việc triển khai thực hiện dự án. Xem qua thì tích cực nhưng xét kỹ thì quy định như vậy chính là tạo ra sự bất bình đẳng và sự thiệt thòi thuộc về phía người bị thu hồi đất.

Quy định như hiện tại là mặc nhiên cho rằng việc thu hồi đất trong mọi trường hợp đều đúng. Như vậy thì không cần phải quy định rằng quyết định thu hồi đất là quyết định hành chính thuộc đối tượng được khiếu nại hay khởi kiện ra tòa nữa.

Cần phải rạch ròi và rõ ràng để tránh sự mâu thuẫn và cần quy định sao cho có sự bình đẳng giữa ba chủ thể người thu hồi, người bị thu hồi và chủ đầu tư. Ra đến tòa án là phải bình đẳng, nếu quy định chứa đựng sự bất bình đẳng thì tòa án nào có ý nghĩa gì?

Quay trở lại vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn

Thực chất của sự việc này chính là việc chính quyền huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trong khi ông Vươn đang chờ đợi quyết định giải quyết công tâm khách quan của cơ quan thứ ba là tòa án. Có thông tin cho thấy phía chính quyền địa phương đã tiến hành thương lượng với gia đình anh Vươn để anh Vươn rút đơn kiện thì sẽ tiếp tục cho thuê đất nhưng sau đó lại tiến hành cưỡng chế, thu hồi diện tích hồ ao chưa hết hợp đồng. Đây chính là sự cộng hưởng của việc áp dụng các quy định chứa đựng sự bất bình đẳng giữa người bị thu hồi đất và cơ quan thu hồi và sự thiếu công tâm trách nhiệm của cán bộ chính quyền. 

Việc san phẳng ngôi nhà của anh Vương trong khi quá trình điều tra chưa kết thúc lại một lần nữa cho thấy sai phạm của chính quyền địa phương. (Ảnh Thảo Lăng)

Có thông tin cho rằng căn nhà hai tầng của ông Vươn bị cưỡng chế nằm ngoài diện tích đất thu hồi, nhưng vẫn bị san phẳng với lý do là nơi ẩn nấp của người chống đối. Đây là luận điểm bao biện của chính quyền huyện Tiên Lãng bởi nếu xác định căn nhà đó nằm ngoài diện tích đất thu hồi thì đó là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của công dân, được bảo vệ chống lại mọi sự xâm phạm.

Trong trường hợp khác, nếu anh Đoàn Văn Vươn cố thủ trong tòa nhà Keangnam và dùng súng bắn ra ngoài thì chính quyền cũng cho san phẳng tòa nhà hay sao?

Từ những nội dung trên thấy rằng Bộ tài nguyên môi trường cần có trách nhiệm hơn nữa đối với các văn bản soạn thảo trình chính phủ ban hành. Cần soạn thảo ra những văn bản đảm bảo yếu tố khoa học, khách quan, chuẩn xác để giữ được sự công minh, nghiêm minh của luật pháp. Nội dung văn bản soạn thảo cần lường trước điều kiện thực tế áp dụng, nếu thấy cuộc sống phản ánh không phù hợp thì cần tiếp thu sửa đổi ngay. Từ đó các cấp chính quyền như UBND huyện Tiên Lãng sẽ thấy rõ được phạm vi quyền hạn của mình để hành xử có trách nhiệm hơn. 

Những sai sót đến cẩu thả trong một văn bản pháp luật

Văn bản mới nhất và có giá trị thực thi cao nhất trong việc thu hồi đất là Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngày 13/8/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 69 thì đến ngày 23/10/2009 Bộ tài nguyên môi trường có văn bản đính chính số 181/ĐC-CP đính chính Nghị định số 69. Nội dung cụ thể như sau, trích nguyên văn: Do sơ suất trong khâu đọc soát, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, xin đính chính một số sai sót trong Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như sau:1. Tại trang 5 dòng thứ 7 từ trên xuống (khoản 5 Điều 9), viết là: “các khoản 1, 2 và 3”. Nay xin sửa lại là: “các khoản 2, 3 và 4”.

2. Tại trang 21 dòng thứ 13 từ trên xuống (điểm a khoản 1 Điều 32), viết là: “các Điều 27, 28, 29 và 38”. Nay xin sửa lại là: “các Điều 29, 30 và 31”.

3. Tại trang 21 dòng thứ 15 từ trên xuống (điểm b khoản 1 Điều 32), viết là: “ khoản 6 Điều 29”. Nay xin sửa lại là: “khoản 4 Điều 31”.

4. Tại trang 22 dòng thứ 8 từ dưới lên (điểm e khoản 1 Điều 34), viết là: “khoản 1 Điều 22”. Nay xin sửa lại là: “khoản 1 Điều 19”.

5. Tại trang 28 dòng thứ 13, 14 và 15 từ trên xuống (điểm a khoản 2 Điều 41), viết là: “Điều 10, Điều 12, bỏ nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại các Điều 14, 30, 52, 125, 126, 127 và 141 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

Nay xin sửa lại là: “Điều 10, Điều 12; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại Điều 14; Điều 30; khoản 2 Điều 31; các Điều 52, 125, 126, 127 và 141 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

6. Tại trang 28 dòng thứ 16 và 17 từ trên xuống (điểm b khoản 2 Điều 41), viết là: “các Điều 3, 6, 10, 19 và 27, khoản 1 Điều 28, 32, 36, 39 và 48 Nghị định số 197/2004/NĐ -CP”.

Nay xin sửa lại là: “các Điều 3, 6, 10, 19 và 27; khoản 1 và khoản 2 Điều 28; các Điều 32, 36 và 39; điểm b khoản 1 Điều 44; Điều 48 Nghị định số 197/2004/NĐ -CP”.

7. Tại trang 28 dòng thứ 14 từ dưới lên (điểm d khoản 2 Điều 41), viết là: “khoản 1 Điều 2, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP”.

 Nay xin sửa lại là: “khoản 1 Điều 2; các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP”.

8. Tại trang 29 dòng thứ nhất từ trên xuống (khoản 4 của Điều 41), viết số thứ tự khoản là: “4”. Nay xin sửa lại số thứ tự của khoản này là: “3”./.

Nghị định 69/2009 có 41 điều thì có sai sót ở 8 điều và phải đính chính sửa đổi.

Văn bản này do Bộ tài nguyên môi trường soạn thảo trình chính phủ ban hành, Bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên ký ban hành văn bản đính chính.

Một nghị định của chính phủ được ban hành mà có từng ấy lỗi sai sót thì cho thấy sự cẩu thả, vô trách nhiệm của cơ quan soạn thảo ban hành đến chừng nào? Khoan chưa phân tích làm rõ xem nội dung đính chính của Bộ tài nguyên môi trường sẽ khiến cho văn bản chính thức của chính phủ có lợi hay bất lợi hơn cho người dân trong việc thu hồi đất, thì với ngần ấy sai phạm sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các cấp chính quyền trong việc áp dụng chính sách pháp luật. Và điều này rõ ràng là làm mất đi sự uy nghiêm của văn bản do chính phủ ban hành.

Luật sư Ngô Ngọc Trai 

Nam Phong