Bộ trưởng Huệ sẽ sử dụng Facebook để tiếp thu ý kiến dân

Thứ tư 18/01/2012 06:08
(GDVN) - Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với bà vợ yêu quý của tôi, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu cho gia đình...

Chiều qua (17/1), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã dành gần 2 giờ đồng hồ giao lưu cùng độc giả cả nước, trả lời về những vấn đề nóng bỏng mà người dân đang rất quan tâm, đó là giá hàng hóa thường tăng bất thường vào mỗi dịp Nhà nước tăng lương cho công chức, viên chức; điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84; lần đầu tiên Bộ trưởng Huệ đã có những chia riêng tư.

Trăn trở của Chính phủ

Đối với vấn đề giá hàng hóa thường bị thổi lên trước và sau khi có quyết định tăng lương cho công chức, viên chức nhà nước diễn ra nhiều năm qua, Bộ trưởng Huệ thừa nhận, đây là một vấn đề trăn trở của các cơ quan quản lý, của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Lương tăng 1 mà giá tăng 2 thì không có ý nghĩa gì

Theo Bộ trưởng Huệ: “Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì. Tôi rất chia sẻ với độc giả cũng như những người làm công ăn lương. Theo tôi, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chính sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý ‘té nước theo mưa’. Trong tháng 10/2011, chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông.

Từ ngày 1/5 này, mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng lên 1.000.050 đồng. Phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%. Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy rằng việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát. Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương”.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định, nguồn tăng lương hàng năm của chúng ta hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Thí dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ. Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát.

Bộ trưởng Huệ lý giải: “Lạm phát do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công… Chính phủ và các cơ quan hữu quan đang xây dựng đề án tiền lương để trình Hội nghị Trung ương 5, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn thu từ đâu. Chúng ta đang nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu ngân sách, tăng thu ngân sách để tăng lương.

Tôi khẳng định lại việc tăng tiền lương không liên quan đến cung tiền, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề này có hai ý, một là đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí đẩy sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên. Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát… Tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi và chúng ta phải nỗ lực đi theo hướng này”.

Doanh nghiệp được định giá xăng dầu nhưng...

Một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng liên quan tới giá xăng dầu đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ trong chiều qua. “Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu Chính phủ ban hành năm 2009, theo đó, quyền định giá thuộc doanh nghiệp. Tôi nói quyền định giá ở đây là trong khuôn khổ, tức là xăng dầu vẫn là mặt hàng Nhà nước quản lý về giá, cho nên Nhà nước cho doanh nghiệp định giá, nhưng định giá trong khung giá mà Nhà nước quy định, chứ không phải định tự do như chúng ta lầm tưởng”, Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lật lại vấn đề điều hành giá xăng dầu, vào quý I/2011, Nhà nước điều hành tỷ giá với mức 9,3% và doanh nghiệp định giá, nâng giá xăng dầu lên 2 lần vào tháng 2 với mức rất cao. Trong trường hợp đó, Nhà nước phải thực hiện biện pháp bình ổn giá trong khuôn khổ Nghị định 84. Nghị định này cho phép trong điều kiện bất thường, Nhà nước vẫn có quyền kiểm soát và quyết định về giá. Do đó, đến cuối tháng 8, giá xăng dầu đã được chỉnh giảm lần thứ nhất trong năm, đến tháng 10 điều chỉnh thêm 1 lần nữa.

“Cuối năm nay, tình hình lạm phát vẫn đang phức tạp, tại thời điểm này, giá xăng đã biến động phức tạp, có tăng, nhưng Nhà nước không tăng giá mà sử dụng các công cụ về thuế và Quỹ bình ổn giá để làm sao giữ được mức giá ổn định, không tác động lớn đến đời sống, tiêu dùng, sản xuất, nhất là trong điều kiện cận kề Tết.

Định hướng điều hành chính sách, như tôi đã trình bày, kể cả giá xăng dầu, chúng ta phải tiếp cận giá thế giới. Nếu có trợ cấp thì dành cho người nghèo và người thu nhập thấp. Còn nguyên tắc, chúng ta phải bám sát theo giá thế giới, theo đúng Nghị quyết giám sát và chất vấn của Quốc hội vừa qua, là đến năm 2013, giá điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công cơ bản điều hành theo cơ chế thị trường. Tôi nghĩ rằng, chính sách và Nghị định 84 cũng như việc điều hành giá như vậy là hoàn toàn minh bạch, Bộ trưởng Huệ cho hay.

"Ở nhà, tôi chỉ là phó"

Không chỉ trả lời rất sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lần đầu tiên trả lời những vấn đề riêng tư. Trong cuộc giao lưu chiều qua, một độc giả đã đặt câu hỏi: Làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi hiểu nôm na là quản lý chi tiêu của một đất nước. Vậy xin hỏi vui Bộ trưởng là ở nhà Bộ trưởng có quản lý chi tiêu luôn không?

Sau khi nghe câu hỏi, Bộ trưởng Huệ cười rất tươi và trả lời một cách dí dỏm rằng: “Về vấn đề này, tôi nghĩ thích hợp hơn với phụ nữ. Ở cơ quan thì anh em chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì là “Phó” hết. Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với bà vợ yêu quý của tôi, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu cho gia đình như thế nào, lo chuyện học hành cho các cháu ra sao, tốt hơn cánh đàn ông, một là có thời gian nhiều hơn, hai là chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Có lẽ, tôi cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, Internet là một công cụ mà tất cả mọi người dân và lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đều sử dụng phổ biến. “Tôi cũng sử dụng máy tính bảng Ipad và truy nhập Internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ô tô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ vào khoảng 12h đêm, 6h sáng… Về kỹ năng sử dụng mạng xã hội facebook thì chắc là tôi không thạo bằng con gái của tôi, nhưng tiếp thu ý kiến độc giả, tôi sẽ sử dụng công cụ này để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân”, Bộ trưởng Huệ chia sẻ.

Để minh chứng cho tác dụng của việc theo dõi thông tin qua Internet, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra thí dụ về việc các vận động viên đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng hiện chưa nhận được tiền thưởng trong khi đã sắp tới Tết âm lịch.

“Nhờ có thông tin đó mà vào 9h sáng nay, chúng tôi đã xử lý vấn đề này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị 47,3 tỷ đồng, chúng tôi tạm ứng ngay 30 tỷ đồng để Bộ này và Tổng cục Thể dục thể thao thưởng cho các vận động viên. Sáng nay, đọc thông tin đó, tôi cũng rất tâm tư và cũng nhờ thông tin qua mạng mà xử lý nhanh được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các Vụ, Cục. Cũng mong các đồng chí thông cảm vì SEA Games kết thúc vào cuối năm, các thủ tục hành chính cũng phụ thuộc vào các văn bản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao chuyển sang. Tôi đã kiểm tra lại và thấy các văn bản này cũng mới được chuyển tới vào mùng 10 tháng này”, Bộ trưởng Huệ nói.

Ngọc Quang