- “Tết sắp đến rồi, những năm trước con cháu về sum họp đông đủ bên ông bà. Năm ni thì còn chi tết nữa, đau đớn lắm… " - ông Trần Trọng Chỉnh (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thốt lên trong nghẹn ngào khi 9 người thân đã mãi nằm xuống dòng nước lạnh lẽo trong vụ chìm nhà hàng nổi Dìn Ký.
>> Bài 2: Chiếc am nhỏ và vụ cháy xe kinh hoàng
>> Bài 3: 9 "hòn vọng phu" và 14 trẻ mồ côi cha
>> Bài 4: Chuyến xe tử thần trên cao tốc gần 10.000 tỷ
Trở lại ngôi nhà nhỏ của gia đình mất 9 người thân trong vụ tai nạn chìm nhà hàng nổi Dìn Ký ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vào những ngày giáp tết này, nỗi đau mất vợ, 4 đứa con, 4 đứa cháu của người đàn ông 74 tuổi như càng tăng gấp bội khi cái Tết cổ truyền đã đến gần.
Ám ảnh ngày cận Tết
Ông Chỉnh kể lại cái ngày định mệnh mà tai họa ập đến với gia đình mình, khi một lúc ông mất đi 9 người thân.
Khoảng 7 giờ tối ngày 20/5/2011, khi ông đang dở bữa cơm tối thì nhận được tin của con trai đầu Trần Đình Sơn (SN 1968, ở Biên Hòa) gọi điện về nói trong nước mắt: “Bố ơi, mẹ, 4 em và các cháu chết hết cả rồi…”. Nghe xong cú điện thoại, ông Chỉnh chết lặng, nằm ngất lịm.
rong ngôi nhà nhỏ, dãy bàn thờ với 5 di ảnh chật kín cả một gian phòng. |
Vợ chồng ông Chỉnh sinh được 6 người con, 2 trai, 4 gái. Sự việc đau lòng xảy ra khi cô con gái Nguyễn Thị Tương sinh sống ở Bình Dương tổ chức tiệc sinh nhật cho con trai Quách Hồng Đạt (2 tuổi) tại nhà hàng nổi Dìn Ký ở thị xã Thuận An, có sự tham dự của mẹ, anh em, con, cháu.
Cả 9 người trong gia đình ông Chỉnh thiệt mạng gồm vợ ông là bà Đào Thị Luận (68 tuổi), con gái Nguyễn Thị Tương, hai cháu con chị Tương là Quách Lan Anh (4 tuổi), cháu trai Quách Hồng Đạt (2 tuổi), con trai Trần Đình Đồng, vợ Nguyễn Thị Thưởng và cháu gái Trần Phương Linh (4 tuổi, con của anh Đồng, chị Thưởng), con gái Trần Thị Thùy Trang (SN 1985) và cháu Trần Anh Đức (1 tuổi, con chị Trang)
Mất đi một lúc 9 người gồm vợ, 4 người con và 4 đứa cháu, nỗi đau tột cùng khiến ông Chỉnh chết lặng, rồi thẫn thờ như người mất hồn và cho đến bây giờ, kí ức kinh hoàng ngày nhận tin dữ đó vẫn mãi ám ảnh người chồng, người cha, người ông tội nghiệp này.
Ngồi kể lại nỗi đau mất người thân, đã không ít lần ông Chỉnh khóc sướt mướt. Câu chuyện phải gián đoạn mấy lần rồi lại tiếp tục.
Cô con gái tên Nguyễn Thị Tương lấy chồng là người Trung Quốc mở công ty TMDV Lan Anh. Kinh tế của vợ chồng chị rất khá, có nhà 3 gác, xe ô tô ở thị xã Thuận An.
Chị Tương làm ăn được nên đưa anh trai Trần Đình Đồng vào làm ở công ty của mình. Rồi anh Đồng đưa vợ và chuyển trường cho con gái 4 tuổi cùng vào Bình Dương với bố mẹ.
Chị Trang thì lấy chồng về Quảng Bình, chồng chị đi Anh nên kinh tế cũng khá. Tai nạn xảy ra khi chị đưa con gái vào thăm nhà chị gái.
Em Quang cùng ông nội đang thắp hương cho cha, mẹ, em gái tại ngôi nhà mà trước đây em sống vui vẻ khi mọi người còn sống. |
“Bà nó bị bệnh, nên con gái gọi vào để đưa đi chữa bệnh, chăm sóc mẹ. Ai ngờ bữa tiệc sinh nhật đã cướp đi một lúc 9 mạng người. Đau đớn lắm chú ạ... ” - ông Chỉnh lại sụt sùi.
Trong vụ tai nạn thương tâm hôm đó, phía thông gia (người Trung Quốc) của ông Chỉnh cũng đã có 4 người bị thiệt mạng. Chỉ có chồng chị Tương may mắn thoát chết.
Sống để nuôi cháu, hương khói cho vợ, con
Trong ngôi nhà nhỏ, ông Chỉnh đã lập hẳn 1 dãy bàn thờ với 5 di ảnh kéo dài hết cả một gian nhà. Ở đó gồm di ảnh vợ ông, 3 mẹ con chị Tương, mẹ con chị Trang (chung 1 ảnh).
Cúi đầu vái lạy trước di ảnh vợ, con, và những đứa cháu với đôi mắt ngây thơ, trong sáng, ông Chỉnh lẩm nhẩm rồi đỏ hoe mắt, mếu máo.
ết nay, vắng cảnh gia đình đoàn tụ nên hai ông cháu chẳng lo mua sắp gì nhiều. Với ông, cái quan trọng nhất là lo hương vàng, giấy áo cho người đã khuất. |
Ông Chỉnh cho biết, trước đây, hai vợ chồng già có làm 3 sào ruộng, nhưng kể từ khi bà mất, ông không làm ruộng nữa mà chỉ ở nhà giặt giũ, lo cơm nước cho đứa cháu mồ côi là Trần Đình Quang 14 tuổi, học lớp 8, con của anh Trần Đình Đồng.
Vụ tai nạn đó, em vĩnh viễn mất đi cả cha, mẹ và đứa em gái 4 tuổi.
“Tội nghiệp, cháu nó đang dại lắm chú ạ. Từ khi bố mẹ nó chết, nó buồn, ít nói hơn. Đêm đêm trong giấc ngủ thỉnh thoảng nó vẫn gọi tên bố, mẹ. Những lúc đó tui lại chảy nước mắt, ôm chặt lấy cháu mà trằn trọc cho đến sáng” - ông Chỉnh kể.
Trong ngôi nhà lạnh lẽo, những lúc cháu đi học, một mình ông Chỉnh hết nằm lại ra cửa ngồi thẫn thờ trông cháu về.
Từ sau đại họa giáng xuống, ông chẳng muốn ra khỏi nhà. Để vơi đi nỗi đau buồn, ông Chỉnh đã làm bạn với mấy lồng chim, đàn bồ câu, rồi chăm mấy luống rau trong vườn…
Trước đây, những ngày sắp tết như thế này, hai ông bà đã chuẩn bị mọi thứ. Rồi con, cháu bắt đầu tụ họp, vui vẻ. Còn năm nay, nỗi đau chất ngất khiến ông Chỉnh chẳng tha thiết gì tết.
“Tui cũng không muốn sắm sửa chi cả. Sáng ni có đi chợ mua mấy chục bộ hương vàng, giấy gió để tết cho người đã khuất thôi. Còn hai ông cháu thì ăn không hết mấy, tết thì mua cặp bánh chưng, vài cân thịt, vài thứ lặt vặt nữa là được thôi” - ông Chỉnh nói.
Hai ông cháu đang thắp hương trên những ngôi mộ của người thân đã mất. |
Ông chở đứa cháu về ngôi nhà đang thờ bố mẹ và em gái của Quang ở thôn Tân Giang. Ngôi nhà lạnh ngắt không bóng người, không gian buồn thảm.
Trên bàn thờ với 3 di ảnh người đã khuất vẫn còn để sẵn những búp hương từ lúc nào. Hai ông cháu lò mò thắp hương. Ông lại khóc.
“Nhìn người ta con cháu về xum họp đông đủ, tiếng nói cười, ăn uống rôm rả mà tui đau đớn vô cùng chú ạ. Mới tết năm trước, gia đình tui cũng đông đủ, vui vẻ lắm. Rứa mà năm ni thì như ri đó…
Nhiều khi tui muốn chết đi cho khỏe, để không phải đau đớn, buồn phiền, nhưng vì đứa cháu nên phải cố mà sống. Rồi còn lo hương khói, giỗ tết cho vợ, con, cháu nữa. Người ta thì con, cháu làm giỗ ông, cha. Còn tui thì…” - ông nghẹn lời.
Trần Văn – Duy Tuấn