Thứ Năm, 19/01/2012, 06:36 [GMT+7]
.
.

Những chuyện ít biết về chị Sứ của tiểu thuyết “Hòn Đất”

(Phunutoday) - Từ năm 1954-1958, cô Tư Ràng bôn ba khắp nơi: Khi ở Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu), lúc Rạch Sỏi, ngược lên Vàm Rầy rồi về lại Lương Phi. Nơi nào cô Tư Ràng cũng được giao làm giao liên, móc nối liên lạc giữa bộ đội với bà con địa phương hoặc vận động bọn ác ôn bớt hà khắc với dân lành.

Trong suốt khoảng thời gian đó, đến đâu, cô Tư Ràng cũng mang theo máy may và Sáu Mỳ. Máy may để cô Tư che mắt bọn địch, còn Sáu Mỳ là sợi dây liên lạc duy nhất giữa cô với gia đình. Đột nhiên, cô Tư nhét vội bức thư cho Sáu Mỳ mang về đưa mẹ.

“Tôi không nhớ từng câu chữ trong thư nhưng đại ý chị Tư cho biết chị đang bị bọn Việt gian “nhắm đến”, bảo mẹ xuống chở máy may về. Còn chị sẽ thoát ly gia đình”.

Hàng ngày, nhiều người dân vẫn đến thắp hương trước ngôi mộ chị Sứ
Hàng ngày, nhiều người dân vẫn đến thắp hương trước ngôi mộ chị Sứ

Cô Bùi Thị Ngần, Nguyên Bí thư Huyện ủy Hòn Đất, từng là thủ trưởng cô Tư Ràng, vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian hai người cùng sống và chiến đấu ở Hòn Đất.

Cô Ngần tâm sự: “Năm 1958, Ban lãnh đạo huyện thấy Tư Phùng (bí danh của Tư Ràng) có trình độ, năng lực, ngoại hình, khả năng tập hợp và nhiều năng khiếu nổi trội nên quyết định rút đồng chí ấy về bổ sung vào Ban Chấp hành phụ nữ huyện, phụ trách tuyên huấn và làm liên lạc cho Ban đấu tranh trực diện huyện.

Ở cương vị nào, đồng chí ấy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài công việc, chúng tôi xem nhau như chị em ruột thịt, đứa nào đi cơ sở về được dân cho quả xoài, trái ớt đều xúm lại chia năm xẻ bảy.

Công việc bếp núc chị em tự động xắn tay vô làm, không ai nạnh ai. Cuộc sống chúng tôi trôi đi trong vui buồn lẫn lộn nhưng đến một ngày hay tin đồng chí Phùng hy sinh, tôi thấy cơ thể mình cũng đau như cắt”. Dù mới gặp cô Tư Phùng một lần duy nhất, nhưng cô Nguyễn Việt Nhân, Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, vẫn xem người chị ấy là tấm gương cho mình học tập suốt đời.

“Năm 1961, tôi được tháp tùng cùng đoàn Dân công tỉnh lên Hòn Đất diễn ca kịch chào mừng ngày 22/12. Lúc này tôi được tận mắt thấy chị Tư Phùng, cảm mến sự quan tâm lo lắng của chị dành cho từng người trong đoàn. Sau đó, khi tôi đi học ở Cà Mau biết, chị hy sinh quá anh dũng mà lòng vô cùng cảm phục. Bởi vậy, sau này khi công tác, công việc dù khó khăn đến đâu tôi cũng lấy tấm gương chị Tư mà phấn đấu”, cô Nguyễn Việt Nhân bộc bạch.

Vẻ vang nối tiếp vẻ vang

Đêm 8 rạng 9/1/1962, chị Ràng bị địch bắt khi trên đường đi công tác. Khi không chiêu dụ được chị Tư Phùng, bọn địch điên cuồng dùng những đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhất: Đổ nước xà bông vào miệng, mũi; dùng báng súng, cọc tre, dao găm để đánh, đập, đâm khắp người và lóc cả thịt chị.

Thế nhưng, người chiến sĩ Cách mạng ấy không hề run sợ, thét dõng dạc vào mặt bọn bán nước và cướp nước: “Tao chết thì tụi bây cũng chết!”. Như tất yếu của lịch sử, ngày đại thắng cũng đến, cuộc đời người dân Ba Hòn sang trang sử mới.

Trưa ngày 30/4/1975, sự kiện Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn tay sai Mỹ đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện tạo nước cờ cho quân, dân xã Thổ Sơn giành ngay độc lập trong đêm đó.

Hòa bình lập lại, người dân Thổ Sơn bắt tay xây dựng cuộc sống mới, nhà nhà tăng gia, người người hăng say lao động sản xuất để thực hiện mong muốn tột bậc “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hơn 30 năm sau, Đảng bộ và nhân dân Thổ Sơn lại lập nên kỳ tích, biến mảnh đất khô cằn từng đắm chìm trong đau thương, tang tóc thành một vùng có đầy đủ các yếu tố, tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng chí Nguyễn Hữu Trung -  Bí thư Đảng ủy xã Thổ Sơn không giấu được sự phấn khởi:

“Dù hiện nay đời sống người dân Thổ Sơn không theo kịp các xã trong huyện nhưng so với những năm trước thì  được nâng lên thấy rõ.

Điển hình, năm 2011, phần lớn người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên gieo sạ thành công hai vụ lúa, nâng năng suất bình quân mỗi vụ đạt 5,3 tấn/ha/năm (tăng 1,3 tấn so các năm trước); tổng số học sinh thi đậu, lên lớp xã đạt  93,23%, trong đó, học sinh THCS và THPT thi tốt nghiệp đều đạt 100%; 6/6 ấp đạt chuẩn văn hóa.

Chế độ chính sách đối với gia đình cách mạng, đồng bào dân tộc được thực hiện đúng, đủ; điện lưới quốc gia đã về đến xã phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đường giao thông đi lại thuận tiện, nối liền trong xóm ấp; người dân có thu nhập khá hơn, mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt vui chơi, giải trí tại gia đình; nhiều căn nhà mới, khang trang mọc lên rất nhanh…”

Ở Ba Hòn có một điều đặc biệt, cuộc sống người dân dù hối hả, tất bật do những mưu sinh cơm áo nhưng chưa bao giờ họ quên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; cũng như họ chưa bao giờ thôi yêu lịch sử và những người đã ngã xuống đổi lấy độc lập cho họ.

Đảng bộ và nhân dân Thổ Sơn luôn tự hào về điều đó, nên duy trì các hoạt động giáo dục truyền thống trong nhà trường, cán bộ công chức và người dân. “Hệ thống giáo dục xã rất quan tâm đến các buổi sinh hoạt truyền thống.

Cụ thể, vào ngày 9/1 hàng năm, trường THPT mang tên Phan Thị Ràng đều tổ chức lễ nhớ ơn cô; các trường Tiểu học và THCS ngoài việc tổ chức lồng ghép các buổi sinh hoạt dưới cờ nội dung vấn đáp tìm hiểu về khu di tích Ba Hòn còn thường xuyên tổ chức quét dọn khu mộ cô Phan Thị Ràng vào những ngày nghỉ.

Để hiểu thêm lịch sử địa phương, các đơn vị, đoàn thể trong xã hay chọn khu di tích Ba Hòn làm nơi về nguồn, kết nạp đoàn viên mới”, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn – Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn tâm đắc việc làm ý nghĩa này.

Ngày 20/12/1994, nhận được tin liệt sĩ  Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người dân Kiên Giang vui mừng như chính các con mình được nhận phần thưởng cao quý đó.

Anh hùng tiếp nối… anh hùng

Trở về Lương Phi, chúng tôi không tìm được vết tích gì về cô Tư Ràng, có chăng chỉ thấp thoáng những ngôi mộ dòng tộc bên nội, ba, mẹ anh, chị của cô đã ngủ yên từ nhiều năm trước. Người dân nơi đây bảo, một số anh chị em con cô, chú cô Tư Ràng vẫn bám đất Lương Phi, nhưng họ quá bận rộn, chúng tôi không có cơ hội gặp.

Chúng tôi vội vã ngược về Tri Tôn, nơi đây, người em út tên Nguyễn Bình Sơn (con ông Nguyễn Văn Hổ, cùng mẹ khác cha với Tư Ràng) chịu trách nhiệm lo hương khói cho mẹ và chị Tư.  Út Sơn và Sáu Mỳ là hai em mồ côi cha khi chưa lọt lòng mẹ nên Tư Ràng chăm sóc và thương hai em nhiều hơn các anh chị khác.

Do vậy, khi trưởng thành và lập gia đình, hai anh em bàn nhau: anh Sáu thờ nội và cha, còn mẹ và chị Tư Ràng để Út Sơn lo liệu. Chú Sáu Mỳ ấn tượng nhất cách dạy em nghiêm khắc và khoa học chị. Chú kể:

“Một lần chị Tư kêu ăn cơm nhưng tôi mê đọc tiểu thuyết chần chừ mãi không ăn, chị giận bắn người dùng thước may quất tôi thật đau mà mắt rưng rưng căn dặn: “Chị muốn môn nào em cũng biết nhưng không được đam mê mà xao lãng việc học và ảnh hưởng đến sức khỏe”. Chú Sáu Mỳ khắc ghi lời chị, đồng thời dùng nó để răn dạy con mình.

Riêng chú Bình Sơn không quên sự tận tâm, yêu thương hết mực chị Tư dành cho các em, nhất là chị Tư một thân một mình lặn lội lên Sài Gòn tìm bà nội ruột cho Sơn. Sau này, khi dạy con, Út Sơn thường bảo chúng phải biết đoàn kết thương yêu nhau, sống đàng hoàng để xứng đáng với người đã khuất.

Nhưng điều đáng tiếc là hiện nay Út Sơn không giữ lại được kỷ vật nào của cô Tư vì khi mẹ chú còn sống ai đến hỏi bà đều lấy đưa, sau đó thất lạc hết.

Hôm chúng tôi đến tìm chú Út Sơn đúng dịp các con cô Ba Rõ tụ họp về  tổ chức giỗ cho mẹ. Cô Tư Ràng có mấy chục người cháu, đa số họ đều có công ăn việc làm ổn định. Trong đó, chị Hà Thị Như Thủy (sinh năm 1965, con cô Ba Rõ) là một trong ít cháu gái có nhiều nét hao giống cô Tư nên được bà ngoại quý, đi đâu cũng dắt theo.

Chị Thủy được theo xuống Hòn Đất giếng mộ dì Tư nhiều nhất, mấy chục  năm nay, gia đình cô Tư với mấy anh em ở Hòn Đất gắn bó như ruột thịt trong nhà. “Khi thấy mọi người đối xử tốt với gia đình, tôi nghĩ ngày xưa dì Tư sống tốt nên mới được mọi người yêu quý đến vậy. Từ đó, tôi luôn tự khuyên mình phải sống, làm việc xứng đáng với hình ảnh dì Tư”, chị Thủy hứa với lòng.

Anh hùng trong thời chiến là người gan góc, thủy chung đánh giặc bảo vệ đồng bào. Trong thời bình, những người hay làm việc thiện nguyện, sống có bản lĩnh, kiên cường, luôn đứng vững trước mọi khó khăn, cám dỗ… cũng có thể xem là anh hùng. Chính vì thế, thế hệ các chắt cháu nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Phan Thị Ràng luôn muốn mỗi một ngày làm được một việc có ích cho gia đình, xã hội.

Thực ra, trong suốt mấy mươi năm đấu tranh gian khổ đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, đã có biết bao người anh hùng ngã xuống như chị Phan Thị Ràng. Có biết bao cô, dì, chị cũng đã chấp nhận sự hi sinh vì miền Nam giải phóng, vì đất nước độc lập, thống nhất.

Số phận đã run rủi cho nhà văn Anh Đức biết được câu chuyện chiến đấu oai hùng ở Hòn Đất và sự hi sinh bất khuất của chị Ràng. Chính câu chuyện bi hùng này đã chắp cánh cho ngòi bút của nhà văn trẻ Anh Đức bay cao.

Ngước lại, cũng chính nhà văn Anh Đức với tác phẩm “Hòn Đất” đã làm cho cuộc chiến đấu ở vùng biển này thêm sống động và sự hi sinh của chị Ràng trở thành bất tử với nhân vật chị Sứ. Thế nhưng, giữa chị Sứ trong tiểu thuyết và chị Ràng ở ngoài đời có sự khác biệt, những nhân vật trong tiểu thuyết và những người thật ngoài đời cũng có nhiều dị biệt, vì vậy mà không ít người đã hiểu lầm.
 

  • Lam Sơn



 

;
.
.