Thứ Năm, 19/01/2012, 06:34 [GMT+7]
.
.

Thưởng Tết bao nhiêu, cảm xúc bấy nhiêu

(Phunutoday)- Thưởng Tết ở Việt Nam có hàng trăm mức khác nhau. Ứng với nó sẽ có hàng trăm cảm xúc khác nhau…

Những ngày Tết đang cận kề, đi đâu cũng nghe người ta bàn nhau, kháo nhau về chuyện thưởng Tết. Về nhà, mở trang báo mạng ra cũng thấy người ta nói đến chuyện thưởng Tết. Người nhiều tính bằng tỷ đồng, người vừa phải thì tính bằng trăm triệu, người ít thì tính bằng chục hay vài ba triệu đồng …

Tôi lại nghĩ đến câu chuyện của một giáo viên vùng cao. Chị công tác tại huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Chị kể, dù đã có kinh nghiệm đứng trên bục giảng hơn 10 năm, đã trải qua đủ mọi cảm xúc buồn, vui với nghề giáo.

Không quản vất vả, cực nhọc và thiếu thốn, chị luôn cố gắng đưa cái chữ đến với những em học sinh nghèo.

Vất vả là thế, nhưng chuyện thưởng Tết luôn là một điều xa xỉ mà không bao giờ chị và những giáo viên dám mơ tới. Vì nó xa xỉ tới mức vượt ngoài khả năng của chị, nó giống như mơ ước của cô “Cô bé bán diêm” trong câu chuyện của Andecxen là được ăn món ngỗng quay vậy.

Mô tả ảnh.
Thưởng Tết bằng căn hộ 8 tỷ của Tập đoàn CT Group- Ảnh Tuổi Trẻ

“Tủi thân, nhiều khi giáo viên chúng tôi cứ nghĩ, giá như không có Tết, và không có thưởng Tết. Và báo chí đừng đưa tin về những số tiền thưởng Tết ở đâu đó lên đến gần tỷ đồng/ người, thì có lẽ những người giáo viên của chúng tôi sẽ không phải tủi thân, không phải buồn như thế”. Chị tâm sự với tôi mà đôi mắt cứ rưng rưng nước.

Tôi chẳng giúp gì được cho chị để làm thay đổi thực tế này. Vì theo quy định của ngành giáo dục thì không có khái niệm thưởng Tết, bởi không có nguồn nào chi cho khoản này. Và bởi tôi cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng sao nghe chị kể, tôi vẫn thấy đau đáu một điều gì đó không thể giải thích nổi.

Thưởng Tết, người ăn không hết, kẻ nần không ra
Thưởng Tết, người ăn không hết, kẻ lần không ra

Nhất là khi, tôi biết được rằng đâu đó ở trong xã hội này, có nhiều nơi thưởng Tết bằng số tiền “khủng” mà cả đời một người bình thường có làm quần quật quật không ăn, không tiêu cũng không có được như trường hợp hai cá nhân của Tập đoàn CT Group là bà Trần Thị Mỹ Hòa và bà Đinh thị Bích Thảo, với mức thưởng là một căn hộ trị giá 8 tỷ đồng và 200 triệu đồng tiền mặt.

Bên cạnh đó, lại có nhiều người vẫn trông vào Tết để hưởng lợi. Có thể là từ tiền thưởng chính thống của cơ quan, có thể là từ tiền quà biếu xén của thuộc cấp, hay đủ các loại tiền khác mà chỉ họ mới biết được là được bao nhiêu và nó từ đâu mà ra?!.

Nghe thiên hạ đồn, lãnh đạo một tập đoàn (xin giấu tên) mỗi năm Tết về “thu hoạch” về hơn chục tỷ đồng. Số tiền ấy chính là quà biếu của nhân viên, đối tác,... Còn tại sao họ được biếu thì chả ai biết.

“Người ăn không hết, kẻ lần không ra”- đó là một thực tế đang diễn ra trong xã hội này. Và đó là nguyên nhân của sự phân chia giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc ở Việt Nam.

Đó cũng là nguyên nhân làm cho nhập siêu của Việt Nam luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Và trong số những mặt hàng nhập siêu ấy, có một lượng không nhỏ là hàng xa xỉ như bánh kẹo, mỹ phẩm, ô tô, điện thoại xịn,… để phục vụ cho những khách hàng nhiều tiền.

Tôi lại nghĩ rằng, giá như nhà nước có một cái quy chế rõ ràng cho việc thưởng Tết đối với tất cả người lao động, thì có lẽ Tết và chuyện thưởng Tết sẽ không chỉ còn là niềm vui riêng của một số người và là nỗi buồn của nhiều người như hiện nay. Và mỗi dịp cuối năm, chuyện thưởng Tết sẽ không còn tốn giấy mực của báo chí.

Chu Hằng

;
.
.