Những chuyện phải lưu ý của ngành công nghiệp quốc phòng TQ
(Phunutoday) - Năm 2011, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có nhiều thành tựu vượt bậc đáng phải chú ý trong nhiều lĩnh vực. Trong số đó phải kể đến là việc chạy thử chiếc tàu sân bay đầu tiên, thử nghiệm thành công tàu thăm dò đáy biển “Giao Long”, kết nối thành công ngoài không gian giữa tàu vũ trụ Thần Châu-8 và Thiên Cung-1…
Tính theo thời gian, sự kiện nổi bật đầu tiên trong năm 2011 của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là việc nước này tạo bước đột phá về công nghệ thăm dò đáy biển. Cuối tháng 5/2011, quốc gia tỷ dân này đã chính thức chạy thử nghiệm giàn khoan khổng lồ có khả năng khoan thăm dò đáy biển ở độ sâu 3.000m. Đặc biệt, giàn khoan này do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo.
Dàn khoan Dầu khí Hải dương 981 của Trung Quốc cao 140m, nặng 31.000 tấn. Tổng chi phí cho giàn khoan này là 900 triệu USD. Độ sâu giếng khoan tối đa mà giàn khoan này có thể đạt tới là 12.000m. |
Sự kiện đáng chú ý tiếp theo là việc Trung Quốc chạy thử nghiệm thành công tàu ngầm mini có người lái đầu tiên do nước này tự nghiên cứu chế tạo.
Tháng 7/2011, chiếc tàu ngầm mini mang tên “Giao Long” mang theo 3 thợ lặn đã xuống tới độ sâu 5.038m dưới mực nước biển trên vùng biển quốc tế thuộc Thái Bình Dương. Ủy ban Hải dương học Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết sang năm 2012, “Giao Long” sẽ thực hiện lặn thử nghiệm xuống độ sâu 7.000m.
Tàu ngầm “Giao Long” dài 8,2m, nặng 22 tấn. Lớp vỏ được làm bằng titanium có khả năng chịu áp lực cực tốt. Trung Quốc cho rằng con tàu của họ có khả năng tiếp cận 99,8% vùng đáy biển trên Trái Đất. |
Tháng 8/2011, một trong những sự kiện được đồn đoán nhiều năm qua đã chính thức trở thành hiện thực. Trung Quốc lần đầu tiên cho chạy thử nghiệm chiếc tàu sân bay của mình. Chiếc Varyag được Trung Quốc mua lại của Ucraina 1998.
Sau thời gian dài cải tạo, Varyag đã được tái trang bị nhằm mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Tháng 11 vừa rồi, Trung Quốc đã cho chạy thử nghiệm lần 2 con tàu này.
Ngày 21/12, con tàu đã được lai dắt từ cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ra Hoàng Hải để bắt đầu cuộc chạy thử nghiệm 9 ngày.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc nguyên bản là tàu sân bay Varyag của Liên Xô đóng tại Ucraina. Một số nguồn tin cho rằng con tàu này đã được “thay tên đổi họ” thành Thi Lang. Tàu có trọng tải 67.000 tấn. |
Cũng trong tháng 8/2011, tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga-2 của Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh.
Sau khi hết tuổi thọ thiết kế, Hằng Nga-2 đã được “tận dụng” để tiến hành 3 thực nghiệm mở rộng gồm chụp ảnh toàn bộ hai cực Nam và Bắc của Mặt Trăng, chụp ảnh Vịnh Cầu Vồng trên Mặt Trăng và bay vào quỹ đạo L2 cách Trái Đất 1,5 triệu km để thám trắc.
Tàu thăm dò Hằng Nga-2 được Trung Quốc phóng thành công ngày 1/10/2010. Trung Quốc hiện là 1 trong 3 quốc gia (sau Nga và Mỹ) có khả năng tự đưa người vào vũ trụ. |
Đầu tháng 11/2011, Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện thành công vụ kết nối ngoài không gian giữa tàu vũ trụ Thần Châu-8 với mô-đun nghiên cứu không gian Thiên Cung-1 ở độ cao 343km so với bề mặt Trái Đất.
Sau 17 ngày lưu lại trong vũ trụ cùng Thiên Cung-1, Thần Châu-8 đã trở về Trái Đất an toàn và hạ cánh xuống sa mạc Gobi.
Với thành công này, Trung Quốc tiến gần hơn tới kế hoạch thiết lập một trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2020.
Tàu vũ trụ Thần Châu-8 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Cửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc lúc 5h58 sáng 1/10/2011. Trung Quốc hiện là quốc gia thứ ba trên thế giới độc lập nắm vững công nghệ kết nối không gian. |
Đầu tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu thứ mười. Với vụ phóng vệ tinh thành công này, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành hệ thống định vị dẫn đường toàn cầu Bắc Đẩu-2.
Hệ thống này sẽ giúp Trung Quốc không bị phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ.
Khi hoàn thiện vào năm 2020, hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu-2 của Trung Quốc sẽ có tổng cộng 35 vệ tinh. |
- Đông Triều