Thứ năm, 26/1/2012, 07:00 GMT+7

Thượng tá cảnh sát chuyên cứu người tự tử

Gõ cụm từ "thượng tá Lê Đức Đoàn" trên google cho ra hàng nghìn kết quả. Nhân vật này chia sẻ, đến nay không còn nhớ đã ngăn được bao nhiêu vụ có ý định nhảy cầu, bắt cướp.
> Cảnh sát cứu một người định nhảy cầu tự tử/ Thanh niên 'dọa' nhảy cầu Chương Dương/ Truy đuổi tên cướp trên cầu Chương Dương

Một ngày trung tuần tháng 11/2011, trời lạnh buốt. Khi đang đứng trực ở chốt giao thông phía nam cầu Chương Dương, nhận được tin báo có nam thanh niên định nhảy cầu tự tử, thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội cảnh sát giao thông số 1, Công an Hà Nội) nhanh chóng xuất hiện.

Tại trụ số 7 của cây cầu, mặc dù được nhiều người khuyên can nhưng nam thanh niên với dáng vẻ sành điệu vẫn kiên quyết buông tay khỏi lan can để gieo mình xuống dòng nước đang chảy xiết. Thấy vậy, thượng tá Đoàn đã hét lớn kêu chiếc thuyền chài tiến lại cứu người.

Trong chốc lát, nạn nhân từ dưới sông Hồng được vớt lên bờ để hô hấp nhân tạo. Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, nam thanh niên tên Quyên (27 tuổi ở huyện Thanh Oai) cảm động khi biết người sinh ra mình lần thứ hai là một viên cảnh sát đã bước sang tuổi ngũ tuần.

Người dân chứng kiến cho biết, nể thượng tá Đoàn lắm những người có mặt trên chiếc thuyền nan mới ra tay cứu người. Bởi với họ, nếu cứu người tự tử, chết trên sông cũng có nghĩa cả gia đình phải treo niêu vì đã bước qua lời nguyền của những người làm ăn trên sông nước.

Thượng tá Đoàn kể lại sự việc khi tham gia giải cứu người nhảy cầu tự tử. Ảnh: Dương Hà.
Thượng tá Đoàn kể lại sự việc khi tham gia giải cứu người nhảy cầu tự tử. Ảnh: Dương Hà.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên thượng tá Đoàn tham gia giải cứu người nhảy cầu tự tử. Ít tháng trước đó, viên cảnh sát này cũng đã cứu một người phụ nữ có ý định nhảy cầu vì chuyện gia đình khiến nhiều người đi trên cầu Chương Dương cảm kích.

Viên thượng tá tâm sự, hơn chục năm đứng làm việc ở chiếc cầu này, ông phải chứng kiến bao cảnh đáng thương. "Có phụ nữ trung niên giận chồng, có người không tìm ra lối thoát trong cuộc sống nhưng cũng có người chỉ vì giận với người yêu mà tìm cái chết... Tôi không nhớ mình ngăn được bao vụ có ý định nhảy cầu", thượng tá Đoàn chia sẻ.

Cười để lộ hàm răng ám khói, ông Đoàn tự hào bảo công việc chính đứng ở cầu này để phân luồng giao thông. Thế nhưng không ít lần ông còn tham gia bắt cướp. Chứng kiến cảnh người dân xúc động nhận lại tang vật vụ án càng khiến ông hăng say với nghề.

Và ông kể một lần bắt cướp. Hôm đó dịp nghỉ 30/4, đang làm ở chốt phía nam cây cầu, thượng tá Đoàn nghe tiếng hô "cướp, cướp" của một phụ nữ. Cùng lúc đó một thanh niên đi xe máy SCR màu bạc lạng lách nhanh trong dòng người đông đúc hòng tẩu thoát sang phía quận Hoàn Kiếm.

Ông Đoàn mưu trí dùng hiệu lệnh giao thông chặn dòng xe máy đang lưu thông từ phía đầu cầu, đồng thời chạy ngược chiều tiếp cận kẻ khả nghi. Nam thanh niên hung hãn lôi trong người ra bình xịt hơi cay chống trả quyết liệt, nhưng vẫn bị ông Đoàn quật ngã. Trong người tên này, cảnh sát lôi ra nhiều vam phá khóa. Chiếc xe bị đánh cắp nhanh chóng trả lại cho người mất.

Cây cầu Chương Dương gần 30 tuổi, viên thượng tá 53 tuổi tự hào bảo mình cũng có thâm niên đứng làm việc ở đây đến gần 15 năm. Ngày nắng cũng như mưa, với khuôn mặt sạm đen cùng bộ quân phục màu vàng, nhiều người đi qua cầu vào giờ tan tầm vẫn thấy ông tất bật với công việc.

Đứng đảm bảo giao thông ở một điểm quan trọng, trung bình một ngày có hàng chục nghìn lượt người và phương tiện đi qua, nhưng ông Đoàn bảo đã gắng hết mình để tránh ùn tắc. Ông tự hào cho biết đến nay đã nắm rõ lịch trình các tuyến xe buýt, sự thay đổi về lưu lượng phương tiện trong từng thời gian, thậm chí là cả tâm lý của những người ra vào thủ đô ở mỗi thời điểm khác nhau.

Chỉ tay về phía các phương tiện giao thông đang nối tiếp vào trung tâm thành phố dịp gần Tết, ông ví giao thông cũng như dòng nước chảy. Chỗ hẹp thì nước chảy ít nhưng gầm gào ghê gớm. Còn chỗ rộng thì hiền hòa, dịu dàng. "Là cảnh sát giao thông phải biết điều tiết, dung hòa giữa đoạn hẹp và đoạn rộng để cân bằng lưu lượng phương tiện. Có như vậy mới phòng ngừa không để xảy ra sự cố và tai nạn", ông nói.

Thượng tá Đoàn cho biết thêm, điều khiển giao thông ở các đầu cầu rất khác so với tuyến phố nội đô. Nếu không mềm dẻo trong khi xử lý cũng có thể ảnh hưởng gây ùn tắc tới giao thông ở 2 đầu cầu. Và ông dẫn chứng, nếu một người nông dân đèo con bằng xe máy ra Hà Nội để thi đại học có lỡ không biết đường mà vi phạm thì phải chỉ dẫn tận tình chứ không thể chăm chăm xử phạt. Nhưng với đám thanh niên ngổ ngáo vi phạm luật thì nhất quyết xử phạt để răn đe.

Năm nào cũng phải đón giao thừa ở ngoài đường mà hiếm khi sum vầy với vợ con, thượng tá Đoàn tâm sự: "Năm Nhâm Thìn có lẽ cũng không ngoại lệ với tôi. Cũng may bà xã hiểu và thông cảm cho công việc của người cảnh sát giao thông...".

Thái Thịnh

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Lien he quang cao