Ai đó đã cho rằng, trong cuộc đời nhiều vị tướng, nhất là tướng của những trận quyết chiến chiến lược, thường không có ước mắt, hay nói đúng hơn là không để rơi nước mắt. Một phút mềm yếu của họ rất có thể làm thay đổi cục diện chiến trường.
Thế nhưng, có một vị "tư lệnh của các tư lệnh”- người đã đạt kỳ tích có một không hai: đánh bại 10 danh tướng thế giới (bảy Pháp, ba Mỹ), lại có nhiều phen rơi lệ trong đời. Những giọt nước mắt ấy đã góp phần làm nên một vị thống soái không bao giờ lạnh lùng với sinh mạng của mỗi người lính, không vô cảm trước những nỗi đau của đồng bào, đồng đội. Ông là Võ Nguyên Giáp.
Chiến cuộc không phải ván cờ, càng không có nước “thí tốt”
Trong dịp sinh nhật lần thứ 100 của vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp, khi ông đang nằm trên giường bệnh, chính tại căn nhà thân thương của ông, một vị đại tá 84 tuổi đã khiến mọi người rơi nước mắt. Ông là Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói: "Riêng với các chiến sĩ Điện Biên Phủ, ân tình với Đại tướng lại càng sâu nặng. Nếu không có quyết định sáng suốt, đêm trắng suy tư để thay đổi cách đánh, từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc của Tổng tư lệnh thì hậu quả không biết đến thế nào. Có lẽ chúng ta ngồi đây đã hy sinh hết cả".
Câu nói hôm ấy của Đại tá Phương khiến tôi giật mình nhớ đến câu chuyện xúc động của một ngày hè năm 2004. Năm đó cả nước rộn rã kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Ngày 20-4-2004, Điện Biên vui hơn rất nhiều các địa phương khác vì được đón một cố nhân đặc biệt trở lại chiến trường xưa.
Tướng Giáp gặp lại đồng đội cũ (2006). Ảnh: Nhà báo - đại tá Trần Hồng
Đại tướng và người lái xe lâu nhất của mình (2001). Ảnh: Nhà báo - đại tá Trần Hồng
Vị tướng già 94 tuổi xuất hiện trong hội trường lớn của tỉnh Điện Biên trong tiếng vỗ tay vang dậy không ngớt. Ông bước đi chậm rãi giữa hai hàng danh dự của hơn 300 người lính Điện Biên năm xưa. Nhiều cựu chiến binh thua ông tới vài chục tuổi, nhưng mái tóc thì cũng đã bạc trắng như vị thống soái. Vị tướng già không đeo một tấm huân chương nào, nhưng mỗi tiếng vỗ tay của hàng trăm người đã vào sinh ra tử kia chẳng khác gì một tấm huân chương cao quý dành tặng Đại tướng. Tôi đồ rằng, chắc họ cũng nghĩ như Đại tá Phương: Nếu vị Tổng tư lệnh ấy không vật vã cân não để thay đổi cách đánh, thì chắc là phần đông số họ đã không còn được đứng ở đây ngày gặp lại.
Ông bước lên bục, nói ngắn gọn, chậm rãi và đột nhiên cái đầu uyên bác của ông bật ra một câu thật giản dị mà thấm thía: "Chúng ta được gặp nhau đây là quý lắm rồi!". Nghe xong câu ấy, tất cả hơn 300 mái đầu bạc trong hội trường lặng phắc. Vị đại tá già quê Nghệ An ngồi bên cạnh tôi bất giác đưa cánh tay cụt đến gần khuỷu tay lên lau nước mắt. Đúng, những người ở hội trường này chỉ bằng một phần nhỏ chiến sĩ đã vĩnh viễn gửi thân mình vào đất mẹ. Thế thì được gặp nhau đây hẳn là quý lắm rồi.
Trong lịch sử nhân loại, không ít vị tướng chấp nhận nướng quân, chấp nhận nhiều lần thí tốt trên bàn cờ chiến cuộc, nhưng Tướng Giáp không - nằm - trong - số - ấy. “Đại tướng không bao giờ coi một trận chiến đấu như một trận đánh cờ. Và chiến sĩ không phải là những con tốt trên bàn cờ. Đại tướng luôn cân nhắc để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất" - Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý có hơn 30 năm gắn bó với Tướng Giáp, khẳng định. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đã thốt lên: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy... Ông là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.
Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ năm 1954, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: "Một vị Tổng tư lệnh, đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết nhiều thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”.
Một vị tướng nhân bản, yêu thương binh sĩ như anh em như thế, thì không khó để hiểu: Tại sao trong đời, ông lại có nhiều lần rơi nước mắt.
Chuyện kể về những giọt nước mắt
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hôm đó là ngày 13-4-2004. Chắc chắn không có nhiều lễ mít tinh nghiêm trang nào mà lại có nhiều người khóc đến như vậy. Phát biểu đến đoạn phải nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, Tướng Giáp tay run run lấy khăn lau nước mắt. Bàn tay nhăn nheo. Những giọt nước mắt chảy chậm trên gò má cũng đã nhăn nheo. Hình ảnh ấy khiến cho ngay cả những kẻ hậu sinh chưa từng có kỷ niệm, chưa từng mất mát bởi trận mạc như tôi còn phải nghẹn ngào chứ nói gì đến những người lính năm xưa đã từng vào sinh ra tử cùng Đại tướng.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Sau này, tôi có nhiều dịp qua lại với các vị tướng, tá đã từng gắn bó với ông, họ đều khẳng định Tướng Giáp đã nhiều lần rơi lệ.
Đại tá nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Hồng có một gia tài tới hơn 2.000 bức ảnh quý về Tướng Giáp. Một gia tài đủ để ông thanh thản và tự hào. 2.000 bức hình, tấm nào cũng quý, nhưng ông vẫn tâm đắc nhất hai khoảnh khắc chụp được phút rơi lệ của Đại tướng.
Kể về giây phút đã trôi qua nhiều năm ấy, Đại tá Hồng vẫn còn rưng rưng giọng: “Đó là bức ảnh tôi chụp Đại tướng đứng bên cạnh tượng Bác Hồ. Buổi trưa hôm ấy, tôi bất chợt đi ngang qua văn phòng thì thấy Đại tướng đang đứng cạnh tượng Bác, mắt đỏ hoe. Tôi vội lấy máy, chụp được ba kiểu thì nước mắt Đại tướng tuôn rơi. Tôi cũng bỏ máy khóc theo. Bức ảnh được đặt tên là "Nhớ Bác" và chính anh Văn đặc biệt thích tác phẩm này”.
Nhà văn Sơn Tùng, tác giả của cả một kho tàng về Bác Hồ, cũng được Đại tướng coi là một trong những người tri kỷ. Ông thực sự bất ngờ khi thấy vị Đại tướng bách chiến bách thắng ứa nước mắt. Nhà văn kể: “Trong dịp Tết Mậu Dần 1998, sau khi đến thăm trại thương binh nặng ở Thuận Thành (Bắc Ninh), gặp lại những chiến binh đã để lại một phần thân thể trên nhiều chiến trường khác nhau của đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không cầm được nước mắt. Ông bùi ngùi xúc động bắt tay thăm hỏi từng người và đứng lặng hồi lâu trước những đồng đội thương binh nặng, tàn mà không phế”.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị Tư lệnh Binh đoàn 559 huyền thoại của Trường Sơn năm xưa, cũng không thể nào quên được những giọt nước mắt của Tướng Giáp. Trong chuyến công tác về lại Trường Sơn, Đại Tướng đi thăm con đường 20 huyền thoại tại Quảng Bình, nơi đã phải hứng hàng ngàn vạn tấn bom đạn quân thù, nơi có đèo Phu La Nhích nổi tiếng quật cường, nơi có tám cô gái thanh niên xung phong bị bom vùi chôn sống trong hang đá. Đứng giữa khói hương, trong cái gió lồng lộng đại ngàn, Đại tướng không kìm được nước mát. Khoảnh khắc ấy được lưu lại vô cùng lay động trong những trang hồi ký của Tướng Nguyên: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên được!”.
Tướng Giáp và bạn đời trong bữa cơm đời thường (1994). Ảnh: Nhà báo - đại tá Trần Hồng
Một tác giả người nước ngoài, TS Virginia Louise Morris, tác giả cuốn sách Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường dẫn tới tự do, cũng không thể nào quên được cuộc trò chuyện với Đại tướng. Bà kể rằng Tướng Giáp không ngại ngùng khi nói mình thường khóc khi nhớ đến những gian khổ và mất mát của chiến sĩ Trường Sơn. “Tướng Giáp nói: Ngay bây giờ chúng ta có thể ngồi nghe với nhau những bài hát đó về Trường Sơn và cuộc kháng chiến gian khổ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong những dịp như vậy, tôi đã khóc... và tôi nghĩ rằng nếu chị là một cô gái Việt Nam vào lúc đó, chị cũng sẽ đi Trường Sơn".
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến tâm sự rất thật của nhà văn Nguyễn Quang Lập, một đồng hương Quảng Bình của Đại tướng. Anh Lập chưa từng gặp Đại tướng nhưng đã khóc òa khi đến xem đoạn kết vở kịch Bài ca Điện Biên năm 1984.
Hôm ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem kịch. Đoạn kết vở kịch đó, diễn viên sắm vai chính ủy, thay vì đứng trên sân khấu điện về cho chỉ huy sở báo cáo chiến thắng, thì đột nhiên chạy vụt xuống hàng ghế khán giả, nơi Đại tướng ngồi, giơ tay chào, dõng dạc: "Báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh mặt trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Cát đang ở trước mặt chúng ta".
Cả hội trường đứng lên vỗ tay như sấm rền trong 10 phút, còn anh Lập chạy ra ngoài khóc nức nở vì quá đã, vì hạnh phúc bởi cái kết sáng tạo đã nói hộ bao người: Võ Nguyên Giáp là Đại tướng vĩnh viễn, Đại tướng của nhân dân.
Đại tướng để rơi nước mắt vì bao người, thì chẳng có gì khó hiểu nếu bao người rơi nước mắt vì Đại tướng.
Xin được kết bài viết bằng đôi câu đối trác tuyệt của GS Vũ Khiêu viết tặng Đại tướng:
Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm.