Đường phạm tội của một giáo viên ôm mộng thoát nghèo
"Chán nản, thất vọng, tôi lao vào kinh doanh như một con thiêu thân. Tôi tham gia các phi vụ mua bán công trình, dự án xây dựng, đưa người đi xuất khẩu lao động bất chấp mọi thủ đoạn", phạm nhân Đặng Lan Giang kể.
Tốt nghiệp đại học, Đặng Lan Giang không về quê mà ở lại Hà Nội lập nghiệp, mong tìm được chỗ đứng giữa chốn thị thành. Giang lấy chồng, sinh con, đồng lương giáo viên hợp đồng không đủ trang trải cuộc sống. Dù phải làm thêm rất nhiều việc nhưng đồng tiền kiếm được không đủ để cô thuê nhà, chi tiêu và đóng học cho con khiến cuộc sống ngày càng tù túng, chật vật.
Ôm mộng thoát nghèo, Giang bỏ nghề dạy học, từ bỏ niềm đam mê thể dục thể thao mà cô theo đuổi từ khi còn rất nhỏ để đi buôn. "Thương trường khốc liệt, một con bé khờ khạo, non nớt như tôi đâu dễ gì bám trụ. Thất bại nối tiếp thất bại, vốn liếng bố mẹ cho và vay mượn người thân đều tiêu tan hết", Giang tâm sự.
Không nản lòng cô lại dấn thân vào lĩnh vực bất động sản. Ban đầu không có vốn, cô chỉ đi tư vấn và môi giới. Do trong thời điểm sốt đất, vốn nhanh nhẹn, chịu khó và có duyên trong đàm phán, Giang khá thành công. Thu nhập của cô ngày càng nhiều lên. Khi đã có chút vốn và kinh nghiệm, cô mạnh dạn mở công ty riêng.
|
Các phạm nhân nữ ở trại giam số 5 được đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu. Ảnh: Anh Thư |
Giang nhớ lại, lúc đó vận may đến với cô rất nhanh, công ty làm ăn phát đạt, uy tín, dần dần cô có cuộc sống đầy đủ, nhà đẹp, xe hơi và những vật dụng đắt tiền. Khi đã ở guồng quay của đồng tiền, cô càng cố lao vào, dốc sức kiếm tiền nên không còn nhiều thời gian dành cho gia đình nữa.
Cô bảo có lẽ do thành đạt quá nhanh, quá tự tin vào bản thân mà cô sinh ra chủ quan, dám đầu tư và tham gia sang các lĩnh vực không hề hiểu biết. Công ty không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng bằng nhiều cách cô đã móc nối và đưa người lao động nghèo ở một số miền quê đi xuất khẩu. Thời điểm đó, cô thu được khá nhiều tiền.
Cũng trong thời điểm đó, cô phát hiện chồng ngoại tình, vợ chồng sống ly thân. "Chán nản, thất vọng, tôi lao vào kinh doanh như một con thiêu thân. Tôi tham gia các phi vụ mua bán công trình, dự án xây dựng, đưa người đi xuất khẩu lao động bất chấp mọi thủ đoạn", Giang kể.
Và cô ngã vào vòng tay của một người đàn ông từng trải, thành đạt, đã có gia đình. Cô chung tiền cùng người tình mua nhà, mua ôtô... Nhưng cuộc sống có ai biết được chữ ngờ. Công việc làm ăn của Giang gặp thất bại, công ty đi vào bế tắc, các công trình xây dựng bị đổ bể, thua lỗ... Cô không còn khả năng chi trả cho lao động nước ngoài, họ đã làm đơn kiện công ty mà cô là người chịu trách nhiệm chính. Hậu quả, Giang bị kết án chung thân.
"Trong hơn một năm tôi bị giam giữ, chỉ có bố mẹ và em trai gửi đồ tiếp tế. Chồng tôi và người tình đều biệt vô âm tín. Đó là chuỗi thời gian tôi sống trong tuyệt vọng và mất hết niềm tin vào con người, cuộc sống. Đã không ít lần tôi tìm đến cái chết để mong được giải thoát", nữ phạm nhân mang án chung thân tâm sự.
Giang lên thụ án ở trại giam số 5, Thanh Hóa. Cô bảo những năm tháng đầu cô bi quan thực sự. Từ một vận động viên thể thao khỏe mạnh, cô bị suy sụp về tinh thần, ăn ngủ thất thường dẫn đến suy nhược cơ thế và hàng loạt bệnh kéo theo.
|
Phạm nhân nữ ở trại giam số 5 trong giờ lao động. Ảnh: Anh Thư |
Một lần bố cô ra thăm, nhìn con gái tàn tạ trên chiếc xe lăn, ông đã khóc. Giang bảo cô chợt thấy mình có lỗi rất nhiều. Vì cô mà bố mẹ chưa một ngày sống bình yên. Lẽ ra giờ này bố mẹ đã được an nhàn, vậy mà vẫn phải còng lưng để nuôi con, nuôi cháu.
"Tôi tự nhủ ngày về dẫu còn xa nhưng nhất định phải trở về khỏe mạnh, tôi sẽ phải làm lại cuộc đời sau bao tháng năm dài đánh mất. Quanh tôi còn rất nhiều chị em án dài như tôi, hoàn cảnh còn éo le hơn tôi nhiều, vậy mà họ vẫn kiên cường sống tốt", Giang nói đầy hy vọng.
Trải qua bao thăng trầm, cô mới thấu hiểu được tiền tài, địa vị chỉ là phù du, nếu con người không biết bằng lòng với bản thân, bằng lòng với những gì đã có để chạy theo đồng tiền thì nó sẽ dẫn xuống vực sâu, không cách nào thoát ra được.
Anh Thư