Trông Nga, Australia, nền khoa học Việt Nam ngẫm gì?

04/02/2012 11:30:33

- Tạp chí Nature vừa đăng những ý kiến "phàn nàn" của những nhà khoa học Nga về hoạt động khoa học của nước này. Những bất cập ở nước ta cũng như vậy: (a) lương bổng bất hợp lí, (b) hệ thống bình duyệt để cấp tài trợ còn nhiều bất cập và (c) thiếu chuẩn mực trong việc đánh giá và quản lí công trình khoa học".

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa hai nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Australia) và TS Lê Văn Út (ĐH Oulu, Phần Lan) về nền khoa học Nga, Australia và liên hệ sang Việt Nam.

Khoa học Nga hay Australia tốt hơn?

TS. Lê Văn Út: Trong bài viết ngày 14/1/2012 trên Tia sáng, một nhà khoa học Việt Nam đã so sánh nền khoa học Nga và Australia. Tôi cũng có làm bảng thống kê các công trình và sáng chế của hai nền khoa học trên. Còn ông, nhận xét của ông thế nào?

GS. Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy những dữ liệu trên rất thú vị và có ích. Tôi sống ở Australia cũng lâu, nhưng ít khi nào có dịp so sánh khoa học của Australia với các nước khác, và đây là lần đầu tiên tôi thấy những con số phản ảnh một phần nào hoạt động khoa học giữa hai nước Nga và Australia.

Những dữ liệu này cho thấy một cách khách quan rằng nền khoa học Australia tuy còn ”non trẻ” nhưng có phần trội hơn nền khoa học Nga. Tuy dân số nước này chỉ bằng 15% dân số Nga, nhưng số bài báo khoa học trên các tập san ISI cao hơn Nga 42%, trong đó số công trình trên Nature và Science của Australia cao hơn Nga gấp 4 lần. Nên nhớ rằng đây là so sánh trong thời gian 10 năm qua, tức sau khi Nga đã trở thành một nước dân chủ, chủ động hội nhập quốc tế, và đã đầu tư hàng tỉ USD cho nghiên cứu khoa học.

Cố nhiên, cũng không nên so sánh chỉ dưạ vào số ấn phẩm khoa học ISI. Vì vấn đề tiếng Anh nên các nhà khoa học Nga có thể gặp khó khăn trong công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san ISI mà phần lớn viết bằng tiếng Anh. Một chỉ số khác có lẽ khách quan hơn là số bằng sánh chế. Số liệu trên cho thấy số bằng sáng chế của Australia cao hơn Nga gần 6 lần.

Chỉ tiêu Nga Australia
Dân số (triệu) 142,8 21,5
Công trình ISI 307,352 438,955
Công trình Nature, Science 302 1.260
Giải Nobel 3 4
Bằng sáng chế (Mỹ) 1.958 11.350
Xếp hạng cạnh tranh kinh tế 66 20
Thu nhập bình quân (USD) 9.900 43.590

(Dữ liệu được truy xuất vào ngày 16/1/2012 đối với 10 năm gần nhất 2002 - 2011, trừ xếp hạng cạnh tranh toàn cầu về kinh tế. Đối với bằng sáng chế Mỹ, người viết dùng dữ liệu 10 năm 2001 - 2010)

Một cách so sánh khác là dựa vào chỉ số H. Trong bảng xếp hạng về khoa học của SJR (SCImago Journal and Country ranking), tính chung cho tất cả các ngành khoa học, thì Australia đứng hạng 11 (trong số 236 nước trên thế giới) với chỉ số H là 450, và Nga đứng hạng 12 với chỉ số H 285. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong từng lĩnh vực nghiên cứu.

Chẳng hạn như về toán học thì Nga (hạng 10) cao hơn Úc (hạng 13). Về vật lí, Nga đứng hạng 5 với chỉ số H 214, cao hơn Australia (hạng 18, với chỉ số H 146). Nhưng trong lĩnh vực y khoa, Australia đứng hạng 10 (chỉ số H là 325), trong khi đó Nga đứng hạng 38 (chỉ số H 113).

Nói tóm lại, những con số này cho thấy rõ ràng rằng năng suất khoa học của Australia hơn hẳn Nga, và quan trọng hơn là những thành tựu nghiên cứu khoa học của Australia được chuyển giao sang ứng dụng (thể hiện qua bằng sáng chế) hơn thành tự ứng dụng của Nga.

TS. Lê Văn Út: Tạp chí Nature vừa đăng những phàn nàn của các nhà khoa học Nga  về những bất cập trong môi trường khoa học Nga. Úc có đang gặp phải những bất cập trên không, thưa ông?

GS. Nguyễn Văn Tuấn: Những vấn đề các nhà khoa học Nga phàn nàn là vấn đề lương bổng cho giới khoa học quá thấp, tham nhũng trong tài trợ cho nghiên cứu khoa học, thiếu chuẩn mực để đánh giá nghiên cứu khoa học...

Australia không có những vấn đề mà các nhà khoa học Nga phàn nàn. Nhưng các nhà khoa học ở Australia phàn nàn nhiều về vấn đề ngân sách nghiên cứu khoa học.

Khoảng 10 năm trở lại đây, ngân sách dành cho khoa học của Australia càng ngày càng bị cắt giảm, một phần do kinh tế gặp khó khăn nhưng phần khác do ảnh hưởng của chính sách. Hệ quả là nhiều nhà khoa học Australia bỏ nước sang ”đầu quân” cho các nước lớn hơn như Mĩ và Anh.

Bất cập giống Nga, Việt  Nam khắc phục sao?

TS. Lê Văn Út: Là người thường xuyên có các hoạt động khoa học ở Việt Nam, xin ông vui lòng cho biết những bất cập của nền khoa học Việt Nam hiện tại là gì? Những bất cập này có giống với ở Nga không, thưa ông?

GS. Nguyễn Văn Tuấn: Những bất cập về việc tài trợ cho nghiên cứu khoa học ở nước ta rất giống với những gì các nhà khoa học Nga phàn nàn. Những vấn đề nổi cộm ở nước ta là (a) lương bổng bất hợp lí, (b) hệ thống bình duyệt để cấp tài trợ còn nhiều bất cập, và (c) thiếu chuẩn mực trong việc đánh giá và quản lí công trình khoa học.

Nếu ở Nga, lương một giáo sư thực thụ còn kém hơn thu nhập trung bình của người dân Moscow, thì ở Việt Nam, lương của một giáo sư có khi còn thấp hơn lương của một kĩ sư mới ra trường làm cho công ty nước ngoài.

Ở Việt Nam, ít có nhà khoa học nào sống bằng đồng lương, họ phải bươn chãi tìm việc khác chẳng liên quan gì đến chuyên môn để kiếm thêm thu nhập. Ai cũng biết đồng lương cho nhà khoa học là bất hợp lí, nhưng cho đến nay hình như chẳng ai có hành động gì để khắc phục vấn đề. 

a
Việt Nam nên lập ra một vài tập san khoa học bằng tiếng Anh, với chiều hướng đưa các tập san này vào hệ thống ISI. Ảnh sưu tầm từ Internet
 
Hệ thống bình duyệt cấp tài trợ cho nghiên cứu khoa học còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là thiếu chuyên gia có trình độ chuyên môn đủ và có kinh nghiệm tốt để có thể thẩm định đề tài nghiên cứu một cách khách quan. Trong nhiều ”hội đồng phản biện”, có khi các chuyên gia phát biểu sai vì họ không hiểu vấn đề chuyên môn, hoặc chẳng có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.
 
Thật ra, có khi chính họ cũng chẳng hiểu họ nói gì! GS Phạm Duy Hiển có lần tâm sự rằng ông rất sợ phải trình đề cương nghiên cứu của ông cho hội đồng khoa học mà trong đó chẳng ai biết ông làm gì và đưa ra những nhận xét cảm tính và thiếu tính chuyên nghiệp. Đây là vấn đề lớn làm chùn bước rất rất nhiều nhà khoa học trẻ muốn làm nghiên cứu ở Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Có thể nói rằng ở Việt Nam thiếu những chuẩn mực khách quan để đánh giá nghiên cứu khoa học. Nhiều nghiên cứu mà ý tưởng chẳng có gì mới (kiểu ”me too”) hoặc tính khả thi có vấn đề, nhưng vẫn được cấp tài trợ; ngược lại, có những nghiên cứu có khả năng đóng góp vào tri thức khoa học và thiết thực cho Việt Nam thì không được tài trợ. Ngay cả khâu nghiệm thu cũng có vấn đề về chuẩn mực. Người chủ trì đề tài chỉ đơn giản trình bày một báo cáo dài, có khi chẳng có công bố quốc tế nào (hoặc có nhưng chỉ trên một tạp chí địa phương không có bình duyệt) và xem đó là ”thành quả” của nghiên cứu! Đó không phải là chuẩn mực quốc tế.

Ở Việt Nam, các nhà khoa học rất sợ cơ quan quản lí khoa học. Họ sợ thủ tục hành chính mà nói theo dân gian là ”hành” là chính. Những thủ tục rườm rà, mà thoạt đầu tôi nghe qua tưởng như đùa, nhưng hoàn toàn có thật. Những thủ tục và qui định này tạo điều kiện cho các quan chức hành chính có cơ hội làm khó (nếu cần) – chứ không phải giúp đỡ — cho các nhà khoa học.

TS. Lê Văn Út: Theo ông, Việt Nam nên làm gì để khắc phục những bất cập trong nền khoa học mình?

GS. Nguyễn Văn Tuấn: Việt Nam cần làm rất nhiều để khắc phục những bất cập nêu trên. Trước mắt, tôi nghĩ đến 4 việc liên quan đến những vấn đề tôi vừa nêu:

Thứ nhất
là phải cải cách chế độ lương bổng cho nhà khoa học. Nhà khoa học cần phải có thu nhập xứng đáng với trình độ chuyên môn và khả năng thực của họ. Cần phải thiết lập các chế độ khen thưởng cho các nhà khoa học có công trình xuất sắc trên các tập san quốc tế có ảnh hưởng cao. Tôi nghĩ đến việc thiết lập các chương trình fellowship để thu hút và nuôi dưỡng những nhà khoa học có thực tài, những người sẽ đóng vai trò lãnh đạo các nhóm nghiên cứu khoa học.

Thứ hai là phải cải cách hệ thống cung cấp tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Cải cách từ khâu tổ chức, đánh giá đề tài, đến quản lí. Về tổ chức, nên bỏ đi những hệ thống cấp Nhà nước và cấp bộ, và thay vào đó là một cơ chế tài trợ độc lập với các bộ nhưng do các nhà khoa học quản lí và điều hành. Cơ chế này có thể chỉ có 2 hội đồng tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản (basic research) và nghiên cứu chuyển giao công nghệ (translation research). Ngân sách nghiên cứu sẽ do các bộ cung cấp, nhưng quyết định cấp duyệt đề tài sẽ do các nhà khoa học phụ trách. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa hình thức tài trợ. Không chỉ tài trợ cho nghiên cứu, mà còn phải tài trợ cho các cá nhân xuất sắc với định hướng tạo ra một thế hệ tiếp nối trong việc lãnh đạo khoa học.

Thứ ba là phải chấn chỉnh lại các hội đồng khoa học, cách đánh giá và quản lí. Phải dứt khoát loại bỏ những ”chuyên gia” không có trình độ chuyên môn trong các hội đồng khoa học, và thay vào đó những người có khả năng học thuật và kinh nghiệm thực tế được minh chứng qua các công trình đã công bố. Nếu cần, có thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia các hội đồng khoa học. Về đánh giá đề tài nghiên cứu, cần phải dựa vào những chuẩn mực khách quan mà cộng đồng quốc tế công nhận. 

Về quản lí, phải làm cho thủ tục tinh giản hơn, chứ như hiện nay thì thủ tục chỉ ”hành” là chính và tạo cơ hội cho cửa quyền, nhũng nhiễu, hối lộ. Không nên bắt buộc nhà khoa học phải làm nghiệm thu giữa kì, và càng bỏ thủ tục nghiệm thu tốn kém như hiện nay. Thay vào đó là những chuẩn mực như công bố quốc tế, bằng sáng chế, đào tạo nghiên cứu sinh... Chỉ có các chuyên gia trong ngành mới đánh giá được thành tựu của nghiên cứu, và công bố quốc tế là một hình thức ”kiểm định acid” để tất cả đồng nghiệp quốc gia và quốc tế kiểm tra. Điều này đòi hỏi công bố quốc tế như là một chuẩn mực để ”nghiệm thu” đề tài nghiên cứu.

Thứ tư là tôi đề nghị Việt Nam nên lập ra một vài tập san khoa học bằng tiếng Anh, với chiều hướng đưa các tập san này vào hệ thống ISI. Hiện nay, chúng ta chưa có tập san khoa học nào viết bằng tiếng Anh mà được ISI công nhận. Trong thực tế, tôi nghĩ các nhà khoa học Việt Nam có khả năng lập ra vài tập san viết bằng tiếng Anh, có bình duyệt (peer review), với ban biên tập quốc tế, để trong vòng 2-3 năm đưa vào hệ thống ISI.

Tôi tin rằng những nỗ lực đề nghị trên sẽ góp phần phát huy tiềm năng của khoa học nước nhà, và có thể nâng cao khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

TS Lê Văn Út (Phần Lan)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.