Thứ hai, 06/02/2012 10:53
06/02/2012 | 09:26

Dự án tỷ đô làm dân khổ

(Dân Việt) - Sau 2 năm khởi công, Dự án Cảng biển Quốc tế Long An với số vốn đầu tư 1 tỷ USD vẫn là cánh đồng hoang. Quy hoạch nhưng chưa đền bù, người dân sống khổ vì đi cũng dở mà ở cũng không xong...

“Siêu dự án” trên vùng đất khó

Ngày 8.8.2010, cụm cảng biển quốc tế do Tập đoàn Đồng Tâm và Tập đoàn VinaCapital liên doanh xây dựng đã được khởi công tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án có diện tích 1.935ha trải dài qua 2 xã Tân Tập và Phước Vĩnh Đông (Cần Giuộc), với tổng vốn lên đến 1 tỷ USD.

Chiều dài của khu cảng là 2,6 km được chia làm 3 giai đoạn đầu tư từ 2010 - 2020, gồm có 7 bến cảng quốc tế có khả năng tiếp nhận được các tàu biển trọng tải 30.000 – 70.000 tấn, công suất bốc dỡ dự kiến vào năm 2013 là 2,5 triệu tấn/năm, đến năm 2020 là 15 triệu tấn/năm. Ngoài cảng biển, liên doanh này còn xây dựng khu công nghiệp, khu dịch vụ và đô thị.

Ngày khởi công, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm đã mời hầu hết lãnh đạo các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam cùng vào Long An chung vui. Hàng trăm người dân cũng được nhà đầu tư mời dự tiệc…

Với vùng đất nhiễm mặn tại đây, người dân hy vọng dự án sẽ làm thay đổi cuộc sống vốn đã khó khăn suốt nhiều năm qua. “Ai cũng hy vọng dự án sẽ ưu tiên cho lao động tại địa phương, sẽ giúp bộ mặt nông thôn thay đổi” – ông Lâm Quang Lúa, Trưởng ấp Đông Bình, xã Phước Vĩnh Đông nhớ lại…

Khốn khổ vì dự án “trùm mền”

Tuy nhiên, sau màn khởi công hoành tráng thì dự án rơi vào giai đoạn… trùm mền. Do dự án “xí” diện tích đất quá lớn nhưng lại thi công cầm chừng nên ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân. Ông Nguyễn Khắc Lộc – Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Vĩnh Đông cho biết, sau khi giải tỏa xong 78ha ở xã này thì nhà đầu tư để... cỏ mọc gần 2 năm nay.

Trong khi đó, nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án do chưa nhận đền bù nên không thể di dời đi nơi khác và cũng không làm ăn gì được. Thậm chí, nhà cửa xuống cấp muốn sửa chữa cũng phải làm đơn xin. Với nhiều hộ dân thuộc diện khó khăn, gia đình chính sách, địa phương xin được tiền xây nhà tình nghĩa, tình thương cũng không thể triển khai vì dự án chưa có khu tái định cư, trong khi xây dựng ở nơi cũ thì không được…

Hiện nhà đầu tư đã liên doanh với một số đối tác là ngân hàng để tăng vốn, dự kiến tháng 3 tới sẽ tiếp tục thi công công trình.

Dẫn chúng tôi đi thăm những ngôi nhà chuẩn bị sập của các hộ chính sách nhưng không thể dựng mới vì “vướng dự án”, ông Lâm Quang Lúa bức xúc: “Cứ ngỡ dân sẽ đổi đời vì có dự án, không ngờ lại càng khổ hơn vì họ xí đất cho nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Nếu kéo dài kiểu này, tôi sợ rằng có người sẽ chết trước khi được ở trong ngôi nhà lành lặn”.

Nhiều người như ông Trần Văn Kềm, 62 tuổi, cựu chiến binh; bà Đoàn Thị Giao gần 70 tuổi, là vợ liệt sĩ nay ốm mai đau; thương binh Phạm Văn Tím, tuổi gần 70… đều ở trong những ngôi nhà chờ sập nhưng địa phương đành bó tay không thể cất nhà dù tiền có sẵn…

Ông Nguyễn Văn Thiệp – Bí thư huyện Cần Giuộc cho biết, dự án này hiện mới san lấp mặt bằng được 30ha rồi ngưng luôn cho đến nay. UBND tỉnh Long An đã nhiều lần mời nhà đầu tư lên làm việc để đốc thúc tiến độ thi công nhưng nhà đầu tư đang thiếu vốn nên tiến độ vẫn chậm.

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất