(GDVN) -Cách dạy dỗ quá dễ dãi và sự thiếu quan tâm phải chăng đã vô tình tạo nên tính cách của những người con bất hiếu trong vụ vợ chồng già bị con đuổi?
Trong những ngày qua, rất nhiều độc giả thương cảm cho đôi vợ chồng già ở Đồng Dư, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội khi sinh ra 7 người con mà cuối đời phải sống cuộc đời cô quạnh nơi cửa đình. Nhiều người kết luận con cái của ông bà là những kẻ bất hiếu, vô lương tâm; nhưng cũng không ít người cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà cả 7 người con đều thờ ơ với cuộc sống của bố mẹ. Mà sở dĩ hoàn cảnh này xảy ra là do ông bà Quý Chén đã không biết cách dạy dỗ, giáo dục con cái.
Về gặp “gia đình bất hạnh” này để nghe họ trần tình về hoàn cảnh, phóng viên báo giáo dục Việt Nam không quên hỏi lại những câu chuyện về tuổi thơ của những người con và cách họ được dạy dỗ trong quá khứ như thế nào để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề.
|
Vợ chồng ông bà Qúy Chén |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ trong khuôn viên đình Đồng Lư mà dân làng cho mượn, bà Nguyễn Thị Chén kể rằng, ông và bà đều là trẻ mồ côi, cùng lớn lên trong một làng. Lớn lên, họ yêu thương rồi lấy nhau, sinh được tất cả 7 người con. Cuộc sống tự lập thân, lập nghiệp lại đông con, đông cái khiến cho cuộc sống của gia đình bà trở nên chật vật, khó khăn vô cùng. Tuy nhiên ông bà vẫn cố gắng làm lụng để nuôi và dạy các con nên người, bà Chén nói.
Bà kể thêm, hàng ngày, ông Quý ra đồng bắt cua cá, làm thuê làm mướn để có tiền, có gạo nuôi vợ con. Còn bà Chén được ưu tiên làm những việc nhẹ và ở nhà thường xuyên hơn chồng. Do đó, việc học hành của con cái, bà là người nắm rõ hơn cả.
Bà nói, hồi ấy, hiếm nhà cho con đi học, nhưng hai vợ chồng tôi vẫn cho “chúng nó” đi học đầy đủ, dàng hoàng. Trong số những người con, anh con cả Nguyễn Văn Trượng là người vừa học kém, vừa hay nói dối bố mẹ. Có những khi đi học cùng các bạn nhưng không đến lớp mà bỏ đi chơi. Đến khi thầy giáo nói chuyện, bà mới biết.
Khi được hỏi, biết chuyện con trốn học, bà Chén thường phạt như thế nào? Bà trả lời, tôi chỉ nhắc con cái rằng: “Bố mẹ cho đi học mà trốn, không học, sau này không biết chữ thì đừng bao giờ trách bố mẹ nhé!”
Xác nhận về điều này, chị Nguyễn Thị Thoa, con gái út của ông bà chia sẻ những câu chuyện về tuổi thơ của mình. Chị kể, từ nhỏ tới lớn, dù con cái mắc lỗi gì, chưa bao giờ bố mẹ chị cầm roi đánh con, thậm chí những hình phạt cũng không. Thông thường, ông bà chỉ mắng nhẹ mấy câu rồi cho qua.
|
Chị Thoa, con gái út của ông bà (bên phải) |
Nói về sự gắn kết giữa anh với bố mẹ và các anh em, anh Nguyễn Văn Đại, con trai nhỏ tuổi nhất trong nhà cũng kể, lúc anh học hết cấp 1, do nhà nghèo quá, bố mẹ anh bỏ các con ở lại làng để đi khai hoang đất, làm kinh tế mới ở Hòa Bình. Rồi anh cũng bỏ học.
|
Anh Nguyễn Văn Đại, người con trai nhỏ tuổi nhất của ông bà Qúy Chén |
Ở nhà với anh cả thì thường xuyên bị anh này đánh đập khi mắc lỗi. Sau này, khi đã lớn hơn 1 chút anh Đại tự ý bỏ lên Thái Nguyên làm thuê, kiếm tiền. Theo nhiều người, ông Nguyễn Văn Trượng vốn là mắt xích quan trọng nhất để kết nối các thành viên trong nhà thì là người cục mịch, kém hiểu biết. Do đó, anh em trong nhà không đoàn kết, không thân thiết với nhau.
Tuy nhiên, ông bà chưa bao giờ làm điều gì để kết nối các con.