Cập nhật 08/02/2012 06:05:00 AM (GMT+7)
Go.vn

Ai là Tập Cận Bình?

Bất kỳ ai quan tâm tới các vấn đề thế giới, ngoại giao và tương lai của Trung Quốc nên tìm hiểu nhiều hơn về Tập Cận Bình.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ trong tháng này. Ảnh: Forbes

Ông Tập Cận Bình - phó Chủ tịch Trung Quốc - sẽ thăm Mỹ trong tháng này, tham gia các cuộc gặp tại Nhà Trắng ở Washington và sẽ thăm những thành phố khác.

"Chuyến công du này là rất quan trọng để thúc đẩy vị thế của ông ở trong nước - người được nước Mỹ coi trọng và ông có thể giải quyết các vấn đề”, Anthony Saich, một chuyên gia Trung Quốc tại trường Kennedy Harvard nói. “Với nước Mỹ, động thái này cung cấp cơ hội để giới thiệu ông Tập với các chính khách chủ chốt và công chúng Mỹ. Một cách tiếp cận tương tự từng được ông Hồ Cẩm Đào thực hiện”.

Ông Tập Cận Bình, 58 tuổi, được coi là người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi nhiệm kỳ hai của ông Hồ Cẩm Đào kết thúc vào mùa thu này và có thể dẫn dắt Trung Quốc trong 10 năm tới.

Nhưng ai là Tập Cận Bình? Sau đây là một số thông tin chính về ông:

• Ông xuất thân từ một nhóm gọi là “thái tử” - gồm con cái của những nhân vật cách mạng kỳ cựu. Cha ông là Tập Trọng Huân, một nhà anh hùng cách mạng nhưng bị bắt giam vào thời kỳ Cách mạng Văn hoá.

• Khi cha ở chốn ngục tù, ông Tập Cận Bình, lúc đó chưa đầy 16 tuổi, đã bị ép buộc về vùng nông thôn Diên An, tỉnh Thiểm Tây giống như các thành phần trí thức khác. Do làm việc chăm chỉ, tích cực, ông Bình đã được bầu làm bí thư đoàn của đại đội sản xuất gồm khoảng 29.000 thanh niên trí thức Bắc Kinh bị đưa xuống Diên An. Tháng 1/1974, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

• Ông tốt nghiệp khoa hoá và có bằng luật từ đại học danh tiếng Thanh Hoa - ngôi trường cũ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và những nhà lãnh đạo cấp cao khác.

• Sau khi tốt nghiệp vào năm 1979, ông đảm nhiệm chức vụ thư ký Văn phòng Quân uỷ Trung ương Trung Quốc và trợ lý cho người phụ trách hoạch định chính sách của quân uỷ.

• Ông đảm nhận các vị trí từ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ đến chủ tịch tỉnh ba tỉnh thành phố: Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải.

• Ông trở thành bí thư thành uỷ Thượng Hải năm 2007 thay thế vị trí của Trần Lương Vũ, người bị sa thải vì một vụ bê bối tham nhũng.

• Ông là người liên hệ chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 và những sự kiện quan trọng khác gần đây.

• Ngoài cương vị phó Chủ tịch, ông còn là thành viên trong ban bí thư của đảng cộng sản Trung Quốc và đứng đầu trường đảng.

• Vợ ông Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện - một ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc. Con gái họ là Tập Minh Trạch hiện đang học tại Harvard.

Điều gì làm nên thành công của ông Tập?

Giới phân tích nói rằng, Tập Cận Bình là người theo chủ nghĩa thực dụng, có năng lực và kế thừa di sản chính trị đáng tin cậy.

"Ông tránh được những tranh cãi trong sự nghiệp của mình và làm việc tại các tỉnh được đánh giá là thành công”, Saich nói. Còn Yawei Liu - nhà quan sát Trung Quốc tại trung tâm Carter ở Atlanta thì chú ý rằng, ông Tập nói chung là “khiêm tốn và không tự phụ”.

Lãnh đạo nghỉ hưu của Singapore - ông Lý Quang Diệu - nhớ lại cuộc gặp kéo dài một giờ vào cuối năm 2007 và thấy rằng, ông Tập là người sâu sắc, người có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Ông Lý Quang Diệu nói: “Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela. Một người đàn ông với sự tiết chế cảm xúc đến kinh ngạc, một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định đưa ra. Nói một cách khác, ông ấy rất ấn tượng”.

Chính sách đối ngoại Trung Quốc sẽ thế nào dưới sự dẫn dắt của một vị lãnh đạo như Tập Cận Bình? Ôn hoà hay gây hấn?

“Những người biết ông nói rằng ông thận trọng và mong muốn mối quan hệ tốt với Mỹ. Con gái ông đang ở đây, người nhà ông thì ở Canada”, Saich nói.

Tuy nhiên, Saich nghĩ rằng, khi chủ nghĩa dân tộc gia tăng mạnh mẽ trong quân đội và tầng lớp trẻ Trung Quốc “nó có thể khiến ông cảm thấy ông cần cứng rắn, ít nhất vào lúc khởi đầu, để củng cố vị trí của mình”.

Trong một chuyến công du tới Mexico năm 2009, ông đã có một phát biểu gây sốc khi trực tiếp buộc tội những người "nước ngoài" đang cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc - một chủ đề luôn rất nhạy cảm trong giới chính trị. Ông bình luận: "Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào chúng tôi [Trung Quốc]. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo; và thứ ba, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?".

Bình luận này của ông tạo nên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ. Và cũng từ "dấu vết" nhỏ bé của một lần thể hiện chính kiến từ chính trị gia thận trọng này, một số người nhận định, nếu trở thành "tân vương", hẳn ông cũng sẽ cứng rắn trong các vấn đề quan hệ quốc tế không kém gì người tiền nhiệm.

Không biết chính xác nhiều về các quan điểm chính trị của Tập Cận Bình, nhưng giới phân tích nói rằng, ông chia sẻ những mối quan tâm trong việc duy trì sự lãnh đạo của đảng và ổn định xã hội.

Có nhiều thách thức và cơ hội đặt ra trên đường đi của nhà lãnh đạo tương lai Trung Quốc Tập Cận Bình. Và ông có thể nhận được những bình luận cả tốt lẫn xấu khi tới thăm nước Mỹ.

Thái An
(theo CNN)
Gửi ý kiến phản hồi

Miễn nhiệm Chủ tịch EVN vì nhiều vấn đề

Một trong những nguyên nhân để Thủ tướng miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐTV EVN của ông Đào Văn Hưng là do trong điều hành, ông Hưng đã để xảy ra nhiều vấn đề.


Bộ trưởng Ngoại giao sắp thăm Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Trung Quốc ngày 13 - 15/2 theo lời mời của người đồng nhiệm Dương Khiết Trì.


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.