Kinh tế 24h

Google, Facebook có thực sự "trốn thuế" tại Việt Nam?

Trách nhiệm nộp thuế không phải của Facebook hay Google nên nếu ... không ai nộp thuế, thì người thực sự trốn thuế chẳng phải Google hay Facebook.

Gần đây trên báo Thanh niên đăng tải 1 số bài báo trong đó nêu ý kiến cho rằng Google, Facebook đang thu lợi lớn từ thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhưng hoàn toàn không phải nộp "thuế nhà thầu". 1 công ty trong nước là VNG lên tiếng rằng như vậy là bất bình đẳng trong khi các DN trong nước phải đóng thuế thì DN nước ngoài vô tư hoạt động mà không phải nộp thuế. Vậy thực hư sự việc này như thế nào?

Thuế nhà thầu là gì?

Thuế nhà thầu là loại thuế đánh trên thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Về bản chất, thuế nhà thầu gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Google, Facebook bán quảng cáo tại Việt Nam, họ đương nhiên có nghĩa vụ về thuế cho phần thu nhập này.

Có ba cách để doanh nghiệp kê khai, nộp thuế nhà thầu.

Cách thứ nhất là dùng phương pháp khấu trừ thuế VAT và kê khai doanh thu chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Nói đơn giản là kê khai và nộp thuế gần tương tự như một doanh nghiệp trong nước.

Cách thứ hai là vẫn dùng phương pháp khấu trừ khi kê khai nộp thuế VAT nhưng lại tính thuế TNDN trên tỷ lệ phần trăm doanh thu.

Muốn áp dụng một trong hai cách trên, doanh nghiệp nước ngoài phải có cơ sở thường trú (ví dụ như văn phòng đại diện hay chi nhánh) tại Việt Nam và phải áp dụng chế độ kế toán Việt Nam.

Cả Facebook lẫn Google đều chưa có chi nhánh tại Việt Nam và có thể hiểu rằng họ cũng chẳng áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam, vì thế, chắc chắn khi kê khai nộp thuế, họ sẽ phải dùng cách thứ ba: tính trực tiếp thuế VAT trên giá trị gia tăng và tính thuế TNDN theo tỷ lệ % doanh thu quy định tại mục III, phần B, TT 134/2008/TT-BTC. (Bạn đọc nào muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể tham khảo thông tư dành riêng cho thuế nhà thầu này).

Facebook, Google có "nghĩa vụ thuế" nhưng họ có thực sự trốn thuế?


Thực tế, các nhà thầu nước ngoài do không thông thạo luật pháp trong nước nên khi hoạt động tại Việt Nam thường yêu cầu phía Việt Nam đảm trách toàn bộ các vấn đề về thuế và điểm này cũng được quy định rõ trong hợp đồng giữa hai bên. Thường thì hợp đồng sẽ quy định phần thu nhập "ròng" mà phía nước ngoài sẽ nhận được (ví dụ: 10 tỷ). Việc Việt Nam đánh thuế bao nhiêu trên số 10 tỷ ấy họ không quan tâm, dù có bao nhiêu thì đó vẫn là trách nhiệm của đối tác Việt Nam.

Về phía cơ quan thuế, cũng không thể chạy theo bên nước ngoài để truy thu thuế vì họ có ở Việt Nam đâu. Thế nên cơ quan thuế chỉ còn cách "tóm" lấy phía Việt Nam mà "truy".

Các quy định hiện hành về thuế nhà thầu thể hiện rõ tư duy này.

Theo điểm 1, mục III, phần B, TT 134 quy định về phương pháp kê khai nộp thuế áp dụng cho Facebook và Google như đã nói ở trên, trong vòng 20 ngày kể từ khi các đại lý này ký hợp đồng với Google, họ có trách nhiệm đăng ký với cơ quan thuế để nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài.

Theo điểm 2.2, mục I, phần A, TT 134, bên Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ số thuế nhà thầu trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, có nghĩa là phía các đại lý của Google tại Việt Nam phải khấu trừ số thuế nhà thầu trước khi thanh toán cho Google.

Nói tóm lại, trách nhiệm nộp thuế không phải của Facebook hay Google nên nếu ... không ai nộp thuế, thì người thực sự trốn thuế chẳng phải Google hay Facebook.

Cũng phải nói thêm rằng, không có chuyện Google, Facebook "đẩy trách nhiệm chịu thuế cho các DN trong nước". Nếu trách nhiệm nộp thuế thuộc về phía Việt Nam, doanh thu "ròng" từ quảng cáo kể trên còn phải qua một bước quy đổi thành doanh thu tính thuế, trước khi áp thuế suất theo quy định. Bước quy đổi này thường làm doanh thu tính thuế cao hơn so với số tiền Google thực nhận. Vì thế tỷ lệ giữa số tiền Google thực nhận trên số tiền phía Việt Nam phải trả vẫn vậy, bất kể trách nhiệm nộp thuế có là của ai.

Nói cách khác, ý kiến của đại diện công ty VNG cho rằng Google, Facebook "không phải nộp thuế" là không chính xác, phải chăng là đang muốn "định hướng" dư luận...?

Ở góc độ chi phí, một chuyên gia trong ngành phân tích thêm: "Khi doanh nghiệp mua quảng cáo trên Google/FaceBook mà không có hoá đơn thì khoản chi này không được ghi nhận, không được phép hạch toán như một khoản chi phí hợp lệ. Vậy nên thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu là 10% thuế VAT + 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản này do doanh nghiệp mua quảng cáo sẽ phải đóng cho nhà nước và sẽ cao hơn hoặc bằng trong trường hợp mua sản phẩm quảng cáo trong nước là 10% thuế VAT và được hạch toán thành khoản chi hợp lệ."

* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu