Gặp "liền cụ" quan họ
- Cụ Ngô Thị Nhi, năm nay đã 89 tuổi, là nghệ nhân hát quan họ cổ duy nhất còn sống ở làng quan họ cổ Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù tuổi cao nhưng cụ vẫn tập tễnh đi nghe "liền cháu" hát quan họ mỗi độ xuân về. Nghe tôi nói đến chuyện quan họ, đôi mắt cụ bỗng sáng lên nhưng rồi lại buồn thiu khi những điệu hát vừa mới bắt đầu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với "liền cụ" Ngô Thị Nhi, quan họ là cái nghiệp, nó đã trở thành số phận, và cụ hài lòng với số phận mà ông trời đã ban.
Tiếp chúng tôi trong căn gác nhỏ bên trong cánh gà của nhà văn hóa thôn Viêm Xá, cụ Nhi cứ nheo nheo đôi mắt nhìn chúng tôi hồi lâu rồi miệng mới lẩm nhẩm hỏi chúng tôi rằng: "Có thật chúng mày đến đây vì quan họ?
Cụ Ngô Thị Nhi rất hào hứng khi kể chuyện quan họ. |
Nói rồi cụ dắt tay chúng tôi ngồi xuống chiếc chiếu hoa và trần tình về cái nghiệp xướng ca.
Dòng họ Ngô của cụ Nhi vốn có truyền thống quan họ, cha, mẹ cụ đều là những liền anh, liền chị đàn hay, hát giỏi nức tiếng vùng Kinh Bắc.
Thuở bé, cụ được thân mẫu yêu chiều cho theo chân những liền anh, liền chị xem hát quan họ, cụ mê quan họ từ đó. Về sau, niềm đam mê ca hát dần đi vào bản chất con người và biến thành phẩm chất của một nghệ nhân huyền thoại. Cụ Nhi nhớ lại:
Năm 10 tuổi cụ đã được đi hát giao lưu khắp các làng quan họ. Hồi đó, mỗi làng đều có một nhóm quan họ, làng nào có hội hè thì những liền anh, liền chị làng khác đến hát đối đáp với nhau cho đến khi vãn hội.
Mỗi độ xuân về, những liền anh liền chị đến thăm nhau và hát đối đáp cả ngày.
Theo cụ Nhi: Quan họ có lề, có lối đó là phép tắc từ lúc nguyên khởi và tất cả đều phải tuân thủ. Chính những khuôn phép ngặt nghèo đó đã đi vào tiềm thức văn hóa của mỗi liền anh, liền chị tạo cho họ sự duyên dáng, lịch sự, dễ thương lạ thường. Lề lối quan họ là cách ứng xử, cách ăn nói ngọt ngào, chẳng hạn như mỗi độ xuân về, quan họ làng khác đến làng mình chơi hát, đầu tiên phải nói:
"Em đỡ lời anh hai, anh ba. Nhớ niên nhớ lệ một năm một lần. Trước là lên trọng vược thờ, sau là cho chị em chúng em được hầu hạ quan họ", bên còn lại phải đáp rằng: "Vâng! Em đỡ lời anh hai, anh ba, nhớ niên nhớ lệ một năm một lần, trên có ngày sử lệ của làng, trước là anh hai, anh ba đưa quan họ lên trọng vược thờ, sau thì nói chuyện với các ông các bà cho chị em chúng em được thừa tiếp quan họ".
Bên trả lời nhất định phải nói là "thừa tiếp quan họ" chứ không được nói là "học đòi quan họ", vì đó là nguyên tắc, nói không đúng nguyên tắc sẽ bị quan họ làng khác chê cười.
Đi hát cho Pháp
Năm lên 16 tuổi, cụ Nhi đã trở thành liền chị nổi tiếng đất Kinh Bắc. Biết được điều này, thực dân Pháp đã cho quân đến bắt cụ ép cụ hát quan họ, cụ đã hát bằng chất giọng trong veo, ngọt ngào của người con gái Kinh Bắc. "Ban bị đầu chúng nó bắt đi tôi thấy sợ lắm, nhưng chúng bảo tôi hát quan họ cho chúng nghe.
Tôi đã hát rất say mê, hát bằng cả trái tim của mình, vì đó là nét đẹp văn hóa của người Việt, đó là niềm tự hào. Những lần sau đó, thực dân Pháp không đến bắt tôi đi hát nữa mà cho người đến mời đường hoàng, tôi đến hát quan họ cho quân Pháp nghe trong những dịp kỷ niệm hoặc tiệc tùng... Tôi nghĩ đó là giá trị văn hóa mà chúng ta đáng tự hào.
Cụ Nhi bày tỏ sự thất vọng khi thế hệ trẻ không theo lề lối cha ông, lại còn ngửa nón xin tiền. |
Đến những năm 1974 - 1976, đích thân ông Hoàng Minh Giám là bộ trưởng Văn hóa lúc đó đã tìm đến cụ để cùng tìm cách khôi phục và bảo tồn quan họ.
Việc khôi phục quan họ thời đó không khó lắm, vì những người am hiểu cái nghiệp xướng ca còn nhiều lắm, khi cụ đến nói chuyện với những liền anh, liền chị trước đây về việc khôi phục và truyền dạy quan họ họ đồng ý ngay.
Mỗi người chơi quan họ thời đó thực sự là một kho tàng sống, người nhớ ít cũng phải được trăm bài quan họ cổ, người nhớ nhiều thì ba, bốn trăm bài. Vốn quan họ thời đó vô cũng phong phú, vì thế chỉ trong một hai năm đã khôi phục được trọn vẹn các làng quan họ.
Quan họ không ngửa nón xin tiền
Giờ đây đã gần chín mươi tuổi, vậy mà trong tâm tư của người được mệnh danh là "kho tàng sống" của quan họ vẫn trĩu nặng mỗi khi xem hát quan họ. Cụ bảo:
Con cháu bây giờ làm mất hết lề lối cha ông, nhưng đau hơn thế nữa là quan họ đang bị xúc phạm do sự thiếu hiểu biết.
Bản chất của quan họ là không được hát rồi xin tiền người khác, quan họ không được ngửa nón xin tiền. Như thế là không đúng, là hạ thấp những giá trị của quan họ được tạo dựng từ ngàn đời, là bất hiếu vì quên lời dạy của ông cha.
Bản chất quan họ không phải như thế. Khi quan họ hát, thính khách ai cho tiền thì lấy, đó là sự tự nguyện của thính khách, khi nhận tiền mình phải nói lời cảm ơn họ, chứ không được ngửa nón xin tiền.
Ngày trẻ, cụ đi hát cho thực dân Pháp nghe, chúng cho tiền thì cụ nhận, chứ không bao giờ đòi tiền người ta dù chỉ một xu.
Non một thế kỷ trôi qua, cụ đã truyền dạy cho cả ngàn học trò trong và ngoài tỉnh, dạy cả những lề lối đẹp đẽ của quan họ.
Duy chỉ có điều cụ chưa bao giờ nhận ai làm đệ tử. Tất cả gia tài quan họ cụ truyền dạy lại hết cho người con trai út. Cụ bảo, con trai cũng không phải là đệ tử, cụ truyền lại cho con để nó chơi cho sướng và sau này nó còn gánh nghiệp cha ông.
Năm 2010, cụ Ngô Thị Nhi được UBND tỉnh Bắc Ninh tôn vinh là nghệ nhân hát quan họ. Đồng thời, cụ Nhi đã được UBND tỉnh đề nghị Cục Di sản Văn hóa phong tặng danh hiệu "Di sản nhân văn sống" của quan họ. |
Quách Dương