Chuyện tình của nữ du kích trong bài thơ “Núi Đôi”
(Phunutoday) - Khi từ mộ người nữ du kích ấy trở về, Vũ Cao đã sáng tác bài “Núi Đôi”, sau này trở thành một trong những bài thơ được yêu mến nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cũng nhờ sự ra đời của bài thơ này mà ngay sau đó nữ du kích Trần Thị Bắc đã được công nhận là liệt sỹ.
Năm 1975, có một người đàn ông đến xin gặp Đại tá, nhà báo, nhà thơ quân đội Vũ Cao để cảm ơn nhà thơ về bài thơ “Núi Đôi” mà ông đã viết cách đó gần 20 năm trước. Người đàn ông ấy nói, ông chính là chồng của cô du kích Trần Thị Bắc – nguyên mẫu ngoài đời thực của cô du kích trong bài thơ “Núi Đôi”.
Phải đến lúc đó, nhà thơ Vũ Cao mới biết rằng câu chuyện mà ông biết về người đã tạo cảm hứng cho ông viết bài thơ “Núi Đôi” nổi tiếng hóa ra mới chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ câu chuyện về cuộc đời ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ và hiên ngang của nữ du kích trẻ ở vùng quê Sóc Sơn này.
Bài thơ “Núi Đôi” và câu chuyện về nữ du kích trẻ tuổi gan dạ
Sinh thời, nhà thơ Vũ Cao vẫn thường kể cho nhiều người yêu thơ và đặc biệt là những người yêu thích bài thơ “Núi Đôi”– một trong những bài thơ thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông về hoàn cảnh khiến ông sáng tác bài thơ.
Vào năm 1956, nhà thơ Vũ Cao đang đi chữa bệnh tại một trạm xá quân y ở Sóc Sơn (Hà Nội). Trong những ngày nằm điều trị tại đây, Vũ Cao đã được nghe người dân ở xã Lạc Long (nay là xã Phù Linh – huyện Sóc Sơn) kể về câu chuyện về cuộc đời cô du kích trẻ Trần Thị Bắc.
Liệt sĩ Trần Thị Bắc (sinh năm 1932 – mất ngày 21/3/1954) |
Trần Thị Bắc đã chấp nhận hi sinh trong một trận càn của địch, để đánh động cho cơ sở của cách mạng. Nhờ đó, nhiều cán bộ cách mạng trong vùng hôm đó mới không bị rơi vào tay giặc. Gia đình và dân làng đã đưa cô về chôn ở giữa xóm Chùa.
Lúc còn sống, nữ du kích Trần Thị Bắc có yêu một người lính bộ đội cụ Hồ đi chiến đấu ở xa. Đến ngày hòa bình, khi người lính ấy trở về thì người yêu đã không còn. Và người lính ấy đã ngồi lặng lẽ bên mộ người con gái mình yêu, để hoài niệm về những kỉ niệm đẹp đã mãi mãi không thể trở lại.
Câu chuyện này đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Vũ Cao. Ông đã đến xóm Chùa thăm mộ nữ du kích Trần Thị Bắc, thắp hương cho người con gái đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Khi từ mộ người nữ du kích ấy trở về, Vũ Cao đã sáng tác bài “Núi Đôi”, sau này trở thành một trong những bài thơ được yêu mến nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cũng nhờ sự ra đời của bài thơ này mà ngay sau đó nữ du kích Trần Thị Bắc đã được công nhận là liệt sỹ.
Trong bài thơ “Núi Đôi” có câu thơ: “Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo/ Em còn trẻ lắm, nhất trong làng/ Mấy năm cô ấy làm du kích/ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng”. Khi viết bài thơ “Núi Đôi”, tác giả đã đinh ninh nguyên mẫu của mình là một cô gái chưa chồng.
Phải đến 20 năm sau, khi có một người đàn ông đến xin gặp nhà thơ để gửi lời cảm ơn nhà thơ và tự nhận mình chính là chồng của cô du kích Trần Thị Bắc, thì nhà thơ Vũ Cao mới biết được sự thật đầy đủ và chi tiết về mối tình đẹp nhưng có một cái kết buồn của cô du kích Trần Thì Bắc.
Liệt sĩ Trần Thị Bắc (sinh năm 1932 – mất ngày 21/3/1954) tại xóm Chùa, thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh (xã Lạc Long cũ), huyện Sóc Sơn – Hà Nội. Là con gái đầu lòng của một gia đình cách mạng, bố và các bác, các chú đều tham gia cách mạng, có những người là liệt sỹ nên khi mới ngoài 10 tuổi, Trần Thị Bắc đã thấm nhuần tinh thần cách mạng.
Ở tuổi 16 - 17, cô thiếu nữ xóm Chùa Trần Thị Bắc đã tham gia vào du kích và được đánh giá cao về tinh thần quyết liệt cũng như sự gan dạ, mưu trí. Ngày đó, vùng Sóc Sơn là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Đây được coi như nơi tiếp nối giữa vùng tự do và vùng địch hậu.
Giặc Pháp tranh chấp vùng đất này rất quyết liệt với hi vọng sẽ tạo ra những “vùng trắng”, bao vây các cán bộ cách mạng đang cài lại trong vùng địch hậu, đồng thời ngăn cản cán bộ từ vùng tự do xâm nhập vào.
Phong trào du kích của Sóc Sơn những năm ấy phát triển mạnh và chính những du kích như cô thiếu nữ Trần Thị Bắc là những người có công lớn trong việc đảm bảo thông tin liên lạc cũng như đảm bảo cho sự an toàn của các cán bộ cách mạng ra và vào vùng tạm chiếm.
Những người già ở Phù Linh kể rằng khi còn sống, cô du kích Trần Thị Bắc nổi tiếng là một cô gái vừa xinh đẹp, hát hay, lại khéo ăn khéo nói và thông minh, nhanh trí.
Thế nên không phải ngẫu nhiên mà khi chưa đầy 20 tuổi, Trần Thị Bắc đã là một nữ du kích được cấp trên tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng cùng một lúc: vừa làm công tác quân báo, liên lạc, đưa đón cán bộ cách mạng vào vùng địch hậu và ra vùng tự do; cũng như làm công tác binh vận với quân địch và những đối tượng thân địch.
Người ta luôn thấy cô làm việc luôn chân luôn tay, hết mình với cách mạng. Khi thì cô đi chợ bán hàng, trò chuyện với bà con ở chợ để tuyên truyền ý thức cách mạng cho bà con, khi thì cô giúp đỡ cán bộ cách mạng trong vùng địch và đảm bảo sự an toàn cho họ trước sự nhòm ngó của địch.
Cô còn liều lĩnh đến mức thường xuyên cắt cỏ quanh đồn bốt địch, làm quen với những tên giặc và dần dà thu phục tình cảm của chúng.
Quân giặc đóng ở những đồn bốt quanh vùng quý cô đến nỗi dần dần có những người bị cô cảm hóa, trở thành nguồn tin quan trọng cung cấp tin cho cô để cô báo ra cho cơ sở ở vùng tự do về những âm mưu và kế hoạch hoạt động của địch.
Người lính bộ đội cụ Hồ mà nữ du kích Trần Thị Bắc đem lòng yêu ở ngoài đợi thực chính là ông Trịnh Khanh, nay đã 80 tuổi. Ông Trịnh Khanh hiện sống ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngày đó ông Trịnh Khanh là bộ đội, đóng quân ở đại đội Trần Quốc Tuấn. Khi nữ du kích Trần Thị Bắc được cử đi học lớp y tá trên huyện đội Sóc Sơn, một người bạn cùng đơn vị với ông Trịnh Khanh đã kể về Trần Thị Bắc cho ông Trịnh Khanh nghe.
Tò mò về một cô du kích cùng quê, vừa xinh đẹp lại vừa có tiếng gan dạ, dũng cảm, ông Trịnh Khanh đã đến gặp gỡ, làm quen. Sau nhiều lần trò chuyện, cả hai đã dần cảm mến nhau. Nhưng phải 2 năm sau đó, vào năm 1952, người lính cụ Hồ và nữ du kích Trần Thị Bắc mới ngỏ lời yêu nhau.
“Núi vẫn đôi mà anh mất em”
Yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, ông Trịnh Khanh làm nhiệm vụ của một người lính ở đơn vị, nữ du kích Trần Thị Bắc thì tham gia lực lượng du kích kiêm cứu thương ở quê nhà, nên phải đến cuối năm 1953, nhờ đơn vị tạo điều kiện, đám cưới của Trần Thị Bắc và Trịnh Khanh mới diễn ra ở vùng tự do, ngay tại nơi đóng quân của đơn vị.
Đám cưới của họ diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh khó khăn nên vô cùng thiếu thốn, đến bánh kẹo, chè thuốc mời bạn bè, anh em cũng không có.
Thương cô con gái đầu lòng, mẹ của nữ du kích Trần Thị Bắc đã lặn lội đi từ trong vùng địch hậu ra vùng tự do để mang cho con gái ít chè thuốc, kẹo bánh làm đám cưới.
Chiếc giường cưới đêm tân hôn của họ cũng chỉ là một cái ổ rơm trong một căn lán nhỏ được đồng đội dựng lên giữa rừng để tạo điều kiện cho đôi vợ chồng trẻ. Trần Thị Bắc và Trịnh Khanh chính thức nên duyên vợ chồng từ năm 1953.
Ngay sau đêm tân hôn, vợ chồng nữ du kích Trần Thị Bắc lại phải hai người đôi ngả. Đó cũng là lần cuối cùng họ gặp lại nhau.
Không chỉ nhà thơ Vũ Cao mà ngay cả nhiều người dân trong vùng khi đó cũng không hề biết về đám cưới của nữ du kích Trần Thị Bắc nên họ luôn đinh ninh đến lúc chết, cô vẫn là một cô gái chưa chồng.
Nhiều thế hệ độc giả sau này cũng đinh ninh như thế. Chỉ đến khi ông Trịnh Khanh xuất hiện trước mặt nhà thơ Vũ Cao và kể về mối tình của ông với liệt sỹ Trần Thị Bắc, câu chuyện mới được sáng tỏ.
Sở dĩ đám cưới của liệt sỹ - nữ du kích Trần Thị Bắc ít người biết đến ngoài gia đình, người thân là vì khi đó quê của cả liệt sỹ Trần Thị Bắc và ông Trịnh Khanh đều nằm trong vùng tạm chiếm.
Đám cưới của họ diễn ra ở vùng tự do, lại phần vì cả hai vợ chồng liệt sỹ Trần Thị Bắc đều hoạt động cách mạng nên chuyện đám cưới không được phổ biến rộng rãi, vì lo ngại sự chú ý bất lợi của địch.
Tháng 3/1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn cuối, giặc điên cuồng càn quét vùng tạm chiếm với mục đích bắt bớ, chém giết những cán bộ cách mạng.
Đêm ngày 21/3, khi đang làm nhiệm vụ đi tiền trạm cho một đoàn cán bộ đi công tác, nữ du kích Trần Thị Bắc đã rơi vào ổ phục kích của địch. Để đánh động cho các đồng chí của mình, nữ du kích Trần Thị Bắc đã kháng cự quyết liệt với bọn địch, khiến chúng điên cuồng bắn chết cô. Cô hi sinh khi mới 22 tuổi.
3 tháng sau ngày cưới, vào một buổi chiều ở đơn vị, ông Trịnh Khanh nhận được cùng một lúc 2 bức thư, một bức thư của người vợ mới cưới kèm theo một chiếc áo len làm quà tặng cho chồng và một bức thư của gia đình gửi báo tin vợ đã hi sinh.
Bàng hoàng khi nhận được món quà cuối cùng của vợ cũng là lúc biết người vợ yêu thương của mình đã ra đi mãi mãi, nhưng phải đến cuối năm 1954, người lính Trịnh Khanh mới được về quê thăm mộ vợ.
Ngày trở về với chiếc ba lô trên vai, ông Trịnh Khanh đã ngồi lặng lẽ suốt một buổi chiều trước mộ người vợ mới cưới. Khi đó tâm trạng của ông đúng như những gì nhà thơ Vũ Cao đã kể viết trong bài “Núi Đôi”:
“Anh ngước nhìn lên 2 dốc núi/ Hàng cây bờ cỏ con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”. Mối tình đẹp của người lính cụ Hồ với cô du kích Sóc Sơn đã có một cái kết không thể buồn hơn.
Sau nhiều năm tháng trôi qua, nỗi đau mất đi người vợ hiền mới cưới chưa lâu dần lắng xuống, ông Trịnh Khanh mới nên duyên cùng bà Lê Thị Khuyến (người thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh).
Tuy duyên phận của ông với liệt sỹ Trần Thị Bắc rất ngắn ngủi, nhưng với cha mẹ cũng như những người em của liệt sỹ Trần Thị Bắc, ông Khanh đã trở thành người ruột thịt trong nhà.
Mẹ vợ ông Khanh, cũng là mẹ ruột của liệt sỹ Trần Thị Bắc chính là người đã cùng với mẹ đẻ của ông giúp ông đi hỏi cưới người vợ sau này.
Tuy đã có gia đình mới, có vợ con và cuộc sống yên ấm nhưng sau này vợ chồng ông Trịnh Khanh và những người em của liệt sỹ Trần Thị Bắc vẫn luôn yêu quý, trân trọng nhau.
Họ vẫn thường gặp gỡ nhau vào những ngày lễ tết, ngày giỗ của liệt sỹ Trần Thị Bắc và cùng nhau kể lại câu chuyện về người vợ, người chị của họ - nữ du kích trong bài “Núi Đôi” năm nào.
- Khánh Phương