Thứ Hai, 13/02/2012, 13:15 [GMT+7]
.
.

"Trưng cầu nhân dân về tước danh hiệu HH Mai Phương Thúy?"

(Phunutoday) - Ngay sau khi bộ ảnh “Nét đẹp xuân thì” của Mai Phương Thúy được đăng tải,  mặc dù bản thân cô đã bày tỏ sự hối hận về những tấm hình của mình, song dư luận vẫn tiếp tục "nổi sóng" hơn một tuần qua, thậm chí có nhiều người yêu cầu tước danh hiệu Hoa hậu Việt Nam của Mai Phương Thúy.

Trước dư luận trái chiều này, nhiều luật sư đã không ngần ngại mổ xẻ, phân tích rõ cùng Phunutoday về thẩm quyền và quy chế liên quan đến việc tước danh hiệu hoa hậu. Đặc biệt, có luật sư cho rằng cần phải lấy ý kiến dư luận, nhân dân về tiêu chí tước danh hiệu hoa hậu.

>> Ngọc Trinh hay Mai Phương Thúy làm ô uế áo dài?

Luật sư Đặng Thị Nhung – PGĐ. Công ty luật hợp danh Đông Nam Á (SEALAW): Bộ được quyền tước

Theo Quy định của Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, người đẹp ban hành kèm theo Quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, (VHTTDL), trong đó điều 11 Quy chế quy định về Trách nhiêm, quyền hạn của Bộ VHTTDL, khoản 5 ghi rõ: "Tước danh hiệu Hoa hậu của thí sinh đạt giải khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế và các quy định pháp luật có liên quan, gây hậu quả xấu".

 Nội dung quy định trên cho thấy trong trường hợp Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu không còn tồn tại thì cơ quan có thẩm quyền được tước danh hiệu hoa hậu là Bộ VHTTDL”.

Bức ảnh được cho là phản cảm trong bộ ảnh của Mai Phương Thúy
Bức ảnh được cho là phản cảm trong bộ ảnh của Mai Phương Thúy


Luật sư Nhung phân tích thêm: Việc tước đi danh hiệu cao quý nhất của Hoa hậu Mai Phương Thúy cần phải được nhìn nhận khách quan. Liệu 2 bức ảnh đó của Mai Phương Thúy có thực sự gây hậu quả xấu hay không?

Trong khi đó, quy định của Quy chế vẫn còn rất chung chung, vì thực tế có 2 luồng dư luận "tước bỏ" và "không tước bỏ". Theo những người đồng tình tước bỏ danh hiệu Hoa hậu của cô ấy thì đương nhiên cho rằng tư thế chụp và bộ áo dài này là dung tục, và đương nhiên sẽ khép vào việc "gây hậu quả xấu".

Và những người không muốn tước bỏ thì đánh giá ngược lại và họ cho rằng như vậy là đẹp, và lột tả được nét xuân của người thiếu nữ. Chính vì chưa có quy định cụ thể thế nào là "gây hậu quả xấu" nên mới dẫn đến các ý kiến trái chiều này.
 

Chủ đề
Chủ đề "Nét đẹp xuân thì" của HH Mai Phương Thúy gây tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Chánh văn phòng luật sư phía Nam – Hà Nội: Triệu tập lại toàn bộ hội đồng ban giám khảo
 

Trái ngược với ý kiến của luật sư Đặng Thị Nhung, luật sư Hồng Hạnh cho biết Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu mới có quyền tước đi danh hiệu đó.

Theo luật sư, luật Việt Nam quy định khi BTC công nhận ai đó là Hoa hậu thì chính BTC mới là người có quyền tước đi danh hiệu của người đó.

Còn lại các cơ quan đoàn thể Nhà nước, cụ thể là Bộ VHTTDL được quyền can thiệp vào việc tước đi danh hiệu của Hoa hậu nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc trái với đạo đức pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Pháp luật Việt Nam có một quy định nếu những việc như thế này chưa có quy định cụ thể thì người ta dựa trên tinh thần của pháp luật. Nguyên tắc chung của Pháp luật Việt Nam là mọi công dân đều tuân theo hiến pháp và pháp luật, tức là không làm gì trái với pháp luật và trái với đạo đức xã hội cả.

Còn câu chuyện về bộ ảnh của Hoa hậu Mai Phương Thúy, việc khẳng định bộ ảnh đó nó thực sự trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức hoặc đến ngưỡng vi phạm pháp luật hay chưa thì còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Nhưng thế nào là trái với đạo đức xã hội thì còn tùy thuộc vào quan điểm của từng cá nhân, từng vùng miền. Cho nên ở đây còn nhiều vấn đề có liên quan đến cơ quan xử lý chưa rõ ràng.

Bây giờ để có thể xử lý được thì có thể triệu tập lại toàn bộ hội đồng ban giám khảo để biết rõ về quy định. Còn Bộ VHTTDL có can thiệp vào thì quy định pháp luật trong trường hợp này cũng chưa rõ, việc tước đi vương miện vẫn chưa thể làm được.

Vì thế hiện nay vẫn chưa có một quy chế nào chung cho vấn đề này, phải chờ đợi các cơ quan Nhà nước ý kiến như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Quang – Giám đốc công ty Luật hợp danh V.I.P: Lấy  ý kiến của dư luận

Đồng quan điểm trên, Luật sư Quang nói:  "Điều lệ của BTC cuộc thi Hoa hậu quy định đầy đủ các điều kiện dự thi Hoa hậu và cũng có các điều kiện để tước đi danh hiệu đó. Bởi danh hiệu Hoa hậu không chỉ là hình ảnh cá nhân của một ai đó mà còn là vẻ đẹp chung của phụ nữ Việt Nam.

Nếu như Hoa hậu đó không giữ gìn được hình ảnh của mình thì người đó đủ thẩm quyền tước đi chính là là BTC cuộc thi. Và Bộ VHTTDL có đủ quyền can thiệp vào việc tước đi danh hiệu của Hoa hậu.

Theo tôi, Bộ VHTTDL nên có những quy chế rõ ràng trong những trường hợp như của Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Nếu như Bộ VHTTDL có những quy chế tước đi danh hiệu đó, thì những tiêu chí đó nên lấy  ý kiến của dư luận quần chúng nhân dân bởi quy chế đó không nằm ở quy định luật pháp một cách chặt chẽ, mà nó do quan niệm về vẻ đẹp và đạo đức.

Khi đã lấy ý kiến dân chủ, công khai như vậy thì BTC sẽ phải xem lại, Bộ VHTTDL phê chuẩn; tất cả những cuộc thi, những danh hiệu đều phải tuân theo những quy định đó .

Trong khi đó, trong bài phỏng vấn trên Phunutoday, ông Tô Văn Động, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết không đủ thẩm quyền để tước danh hiệu..

Ngoài ra, ông Động cho biết thêm Bộ chưa có chế tài xử lý cụ thể là: "Khó một cái là việc phong danh hiệu là do BTC mà sau mỗi cuộc thi BTC giải tán ngay, còn đối với chúng tôi là cơ quan quản lý Nhà nước thì đâu có tổ chức cuộc thi Hoa hậu đó. Nên bây giờ chúng tôi mà làm thì lại rất khó. Vì thế cho có nhiều cái còn vướng nên chưa xử lý được".

Liệu có nên tước danh hiệu Hoa hậu của Mai Phương Thuý?. Theo các luật sư tước hay không không quan trọng, mà hãy xem đây là một bài học dành cho Mai Phương Thúy.

Luật sư Hạnh chia sẻ: Mai Phương Thúy là một Hoa hậu, hình ảnh của cô ấy gắn liền với rất nhiều các hoạt động từ thiện, và mọi người biết đến cô với một hình ảnh rất đẹp.

Khi đánh giá, nhìn nhận một con người, chúng ta nên có cái nhìn tổng thể đến các hoạt động, cống hiến của người đó, không nên nhìn vào một việc cụ thể mà đánh giá cả một quá trình.

Quả thực đây là một tai nạn nghề nghiệp của Mai Phương Thúy. Dư luận nên xem đây là một bài học cho cô ấy, để Hoa hậu sửa sai và rút kinh nghiệm”.

“Yêu cầu tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy thì nặng nề. Hình ảnh của Mai Phương Thúy trong bộ ảnh kia thì tôi cho rằng, bản thân cô có vẻ đẹp hình thức, nhưng có thể tại thời điểm đó cô còn chưa có kiến thức, ý thức sâu về việc bộ ảnh đó có thể gây phản cảm.

Mai Phương Thúy không cố ý làm mất đi hình ảnh của mình. Và việc dư luận phản đối kịch liệt như vậy, đủ làm cho Mai Phương Thúy soi lại chính mình, và những người đẹp khác cũng lấy đây là một bài học”, luật sư Nguyễn Văn Quang – Giám đốc công ty Luật hợp danh V.I.P nói.
 

>> Ảnh nóng trong áo dài của Mai Phương Thúy

 

  • Hà Linh


 

;
.
.