Thứ Tư, 15/02/2012 - 09:06

Gần 88% phóng viên bị cản trở trong quá trình tác nghiệp
(Dân trí) - 327 người trong tổng số 384 phóng viên, nhà báo trả lời “có” khi được hỏi "đã từng bị cản trở trong quá trình tác nghiệp hay chưa?".

Số liệu điều tra xã hội học trên được thông tin tại Hội thảo “Tạo dựng môi trường tác nghiệp an toàn cho nhà báo” diễn ra ngày 14/2 tại Đà Nẵng. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thực hiện với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, RED thông tin số liệu gần 88% PV, nhà báo được hỏi cho rằng từng bị cản trở tác nghiệp

Tham dự Hội thảo có Đại diện UBND Đà Nẵng, các Sở ban ngành chức năng cùng đại diện, phóng viên báo đài Trung ương và địa phương đóng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo đó, qua khảo sát trực tiếp 384 phóng viên, nhà báo, RED đã tổng hợp, liệt kê 12 nhóm hành vi cản trở báo chí tác nghiệp, bao gồm: né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, cố ý ngăn chặn gián tiếp hoạt động tác nghiệp, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, đe dọa, bôi nhọ, tấn công gây thương tích…


Nhiều PV bị lăng mạ hành hung, cản trở tác nghiệp (ảnh tư liệu)

Các nhóm hành vi cản trở báo chí tác nghiệp trên còn được nhìn nhận chưa phải là một thống kê, định nghĩa đầy đủ. Trên thực tế, hành vi cản trở báo chí tác nghiệp “thiên hình vạn trạng”, có những trường hợp rất tinh vi, không thể nhận diện.

Trong phạm vi địa phương, tại Đà Nẵng, RED đã khảo sát 22 phóng viên, nhà báo, thì có đến 21 người trả lời từng bị cản trở khi tác nghiệp. Trong đó, số phóng viên, nhà báo bị né tránh cung cấp thông tin có tỷ lệ cao tương đương tỷ lệ khảo sát chung hơn 380 người trên cả nước, trên 50%. Đối tượng cản trở nhiều nhất là cán bộ trong cơ quan nhà nước.

Theo đó, nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo như ý kiến nhà báo Bá Kiên (báo Tiền Phong), nhà báo Nguyễn Thế Tịnh (báo Thanh Niên) đều cho rằng chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nên chủ động thông tin đến báo giới, cung cấp thông tin đến người dân được đầy đủ, chính xác và khách quan hơn; đặc biệt, trong trường hợp có thông tin, sự kiện nóng, các chính sách mới ảnh hưởng đến đời sống người dân và được dư luận quan tâm trên địa bàn.

Đại diện Sở thông tin - truyền thông phát biểu tiếp thu các ý kiến và thông báo sẽ đề xuất công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các báo, cũng như cung cấp thông tin liên lạc của người phát ngôn chính thức khi các phóng viên, nhà báo cần đến thông tin từ các cơ quan chức năng.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của RED tại Đà Nẵng, trước Hội thảo, ngày 13/2, đã diễn ra chương trình Hội thảo - tập huấn kỹ năng phóng viên điều tra.

Các PV, nhà báo tham gia tập huấn cùng thảo thuận

Trình bày và định hưỡng các kỹ năng làm việc trong từng tình huống cụ thể để tăng hiệu quả tác nghiệp

Trong các nguyên dân dẫn đến việc các phóng viên, nhà báo bị cản trở tác nghiệp, không loại trừ nguyên nhân từ chính các phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp, như: thiếu kỹ năng làm việc, gây khó chịu cho đối tượng cung cấp thông tin; có dụng ý xấu hoặc không khách quan khi đặt vấn đề làm việc;… Nhiều nhất là do thiếu kỹ năng làm việc. Hơn 55% PV, nhà báo được hỏi đã thừa nhận điều này.

Các PV báo đài Trung ương và địa phương tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tập trung đối tượng PV trẻ tham gia khóa tập huấn đã cùng thảo luận, chia sẻ và được hướng dẫn nhiều kỹ năng cần thiết; tăng hiệu quả tác nghiệp qua những bài tập tình huống cụ thể được tập hợp từ thực tế.

 

Khánh Hiền - Công Bính