Đêm tình yêu không thăng hoa nếu không có… nhà nghỉ
Không biết từ bao giờ ngày lễ Tình nhân (14/2) đã du nhập vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay đang coi ngày Valentine là ngày “được bên nhau” tại nhà nghỉ, khách sạn mới là yêu thương và hạnh phúc nhất làm nơi để tâm sự, để thể hiện tình yêu hết mình. Nếu không có nhà nghỉ thì cũng đồng nghĩa với việc đêm tình yêu không trọn vẹn, thăng hoa.
|
Đêm ngày 14/2, các nhà nghỉ quanh Hà Nội đã "cháy" hết phòng dù đã đội giá lên rất cao |
Cũng giống nhiều dịp lễ khác, vào đêm Valentine, các nhà nghỉ lại cháy phòng. Thậm chí sự quá tải khiến cho một số chủ nhà nghỉ lâm vào tình trạng… “bỏ thì thương, vương thì tội” với những khách quen.
Chính vì thế, trong những đêm “đặc biệt” này, câu nói mà những “thượng đế” nghe nhiều nhất, quen tai nhất là “hết phòng rồi” và cảnh các đôi trai gái nườm nượp phi vào rồi lại phi ra với gương mặt không giấu nổi sự thiểu não.
|
Các nhà nghỉ quanh Hà Nội không đủ "sức chứa" cho đêm tình nhân 14/2 |
Tình trạng giá phòng được đẩy lên đỉnh điểm theo chủ nhiều nhà nghỉ cũng là dễ hiểu khi cung không đủ cầu. Giá ngày thường ở một nhà nghỉ “tầm trung” nếu nghỉ qua đêm là 180.000 đồng/phòng, còn thuê theo giờ thì 70.000 - 80.000 đồng/2 giờ đầu. Tuy nhiên, lượng khách đặt trước tại nhà nghỉ đêm Valentine đã khá đông nên giá phòng có thể tăng lên đến tiền triệu nếu khách muốn nghỉ qua đêm trong trường hợp còn phòng trống hiếm hoi.
Có tiền vẫn phải… lang thang
Thực tế, đêm Valentine là dịp tha hồ “chặt chém” nên nhiều chủ các nhà nghỉ trên địa bàn Hà Nội đã “găm hàng” chờ thời cơ đến và không cho khách đặt phòng trước cũng như báo hết phòng dù vẫn còn phòng từ sớm. Thời cơ đẹp nhất cho "công tác chặt chém" ở đây chính là “khung giờ vàng” qua 12h đêm ngày Valentine khi các đôi tình nhân đi chơi về.
Ở Hà Nội, để đặt phòng trước cho đêm Valentine tại các nhà nghỉ trên đường Hoàng Quốc Việt, Xuân Thuỷ (Cầu Giấy), đường K3 Cầu Diễn (Từ Liêm), đường Thái Hà (Đống Đa), Trần Duy Hưng… là điều không hề dễ dàng vì nhiều khách quen đã đặt trước đến… 2 – 3 ngày cho đêm 14/2 bất chấp giá cao.
“Cả năm mới có vài dịp “đắt khách” như dịp Lễ tình nhân nên các khách sạn, nhà nghỉ tranh thủ tăng giá phòng cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu thôi. Vào những khung giờ "vàng", lúc quá 12h đêm Valentine chẳng hạn, nếu bạn muốn thuê phòng giá sẽ rất đắt. Kể cả khách quen cũng khó tránh khỏi giá cao như vậy”, một nhân viên lễ tân nhà nghỉ ở ngõ Tuổi Trẻ, Hoàng Quốc Việt, cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp đêm lạnh, mưa phùn, rất nhiều đôi tình nhân vẫn sẵn sàng “chứng minh” tình yêu hết đêm ở… ngoài đường hoặc ở một số vườn hoa công cộng đợi trời sáng.
Phần vì nhà trọ đã đóng cửa, phần thì do ký túc xá đã hết giờ vào không thể… trèo tường vào được nên bên cạnh một số trường hợp sẵn sàng qua đêm ngoài đường thì cũng có phần lớn sinh viên bắt buộc phải đi chơi qua đêm vì chẳng còn bến đỗ nào khác khi nhà nghỉ đã cháy phòng hoặc giá quá cao không "chịu nổi nhiệt".
Theo ghi nhận của phóng viên, đến sát 0h đêm ngày 14/2, các nhà nghỉ ở một số tuyến phố chuyên kinh doanh nhà nghỉ nổi tiếng như ngõ Tuổi Trẻ (Hoàng Quốc Việt), Đình Thôn (Mỹ Đình), Nguyễn Khánh Toàn, Trần Duy Hưng… không còn một phòng trống và sau khi nhận được những cái lắc đầu của lễ tân, nhiều cặp đôi lại tiếp tục lùng sục tìm nhà khác hoặc đi lang thang đến hết đêm mặc dù mưa lạnh và gió rét.