Chuyện tình của vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn (I)
(Phunutoday) - Những ngày qua, cái tên Đoàn Văn Vươn trở thành điểm nóng trên báo chí và thu hút sự quan tâm của người dân cả nước bởi câu chuyện quai đê lấn biển ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng. Đằng sau chiến thắng biển cả hung dữ bằng ý chí sắt đá và công sức “đội đá, vá trời”, Đoàn Văn Vươn còn có một mối tình đẹp, thủy chung với người vợ tần tảo, sắt son một dạ Nguyễn Thị Thương.
Tình yêu của người đàn ông lấn biển Đoàn Văn Vươn đẹp như hàng chục ha đầm trù phú mà anh và người thân đã tạo ra nhưng ở phía dưới vẫn đang có những con sóng ngầm vì khó khăn vẫn còn ở phía trước…
Nhìn lại gần 20 năm theo chồng vươn mình ra đối đầu với biển cả, chị Thương đã phân ra thành các kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3… và kỳ nào cũng thẫm đẫm nước mắt, thậm chí mất con gái, mất cháu nhưng cũng tràn ngập hạnh phúc, niềm vui khi mỗi lần lấn ra biển một chút bằng những con đê dài hút tầm mắt, những cánh rừng ngập mặt như muốn trêu ngươi thần biển cả.
Tình yêu của từ lều vịt
Câu chuyện tình yêu của họ bắt đầu nảy sinh từ những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước. Lúc đó, chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970) là người xã Tiên Hưng, còn anh Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963) là người thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng cách nhau 3 cây số.
Hai gia đình cùng làm nghề chăn vịt trên một cách đồng, chị Thương lại làm thêm việc thu mua trứng.
Chị Nguyễn Thị Thương |
Ngày ngày mang làn đến mua trứng nhà anh chàng Vươn cao lớn, trắng trẻo, hiền lành nhất vùng, chị Thương đã phải lòng anh lúc nào không hay và anh cũng bị chinh phục bởi thiếu nữ 18 đảm đang, xinh xắn, với nước da trắng như trứng gà bóc.
Lúc đó, chị Thương và anh Vươn được xem là trai tài, gái sắc trong vùng. Ngượng ngùng nói về nhan sắc của mình và sự hấp dẫn của chồng, chị Thương chia sẻ, bây giờ con cái, tuổi tác, lại gian nan vất vả, ốm đau nên đã “sứt mẻ” nhiều chứ trước đây hai người cũng thuộc thành phần hoa khôi, chị có nhiều người tán, còn anh Vươn cũng nhiều đám ưa.
“Anh Vươn còn đẹp hơn mình, anh ấy cao rao, trắng trẻo, hiền như bụt, chẳng to tiếng với ai bao giờ mà chịu khó, buôn bán tài nữa chứ” – chị Thương tự hào về chồng.
Chị Thương kể lại, anh Vươn sau khi xuất ngũ trở về đã quyết chí đi học đại học và đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp để thỏa giấc mơ làm kỹ sư nông nghiệp.
Trong suốt quá trình yêu nhau, từ năm 1988 đến năm 1992, hai người không thường xuyên được gần nhau vì anh Vươn phải lên thành phố học đại học. Chị Thương bồi hồi nhớ lại suốt quãng thời gian dài đằng đẵng 4 năm trời, hai người không thể bên nhau thường xuyên vì anh bận việc học.
Mà được cái anh Vươn tài lắm, đi học bận rộn là vậy không những vẫn tranh thủ mang hành, tỏi, bán trứng đi bán để lấy tiền học mà còn tích góp được kha khá. Nhiều lần muốn lên thăm, quan tâm đến chuyện ăn uống nhưng anh không muốn vì tính anh tự lập sợ phiền.
Tình yêu cứ thế trôi theo năm tháng, rồi 4 năm học đại học cũng hết, đến tháng 8/1992, hai gia đình đã tổ chức hôn lễ cho hai người nhưng đến cuối năm anh Vươn mới thi tốt nghiệp.
Chị Thương kể, để đi đến hôn lễ ngoài tình yêu, hai người còn có sự vun vào, tác hợp của gia đình. “Có được hạnh phúc như ngày nay, dù còn bao nhiêu sóng gió, tôi vẫn vô cùng cảm ơn bố mẹ chồng đã cho tôi một người chồng tuyệt vời” - chị Thương bộc bạch.
Vợ chồng mới ấm chăn chưa được bao lâu thì anh lại trở lại trường để ôn thi. Những ngày tháng này, con dâu mới về nhà chồng còn lạ lẫm, nhớ chồng da diết nhưng không dám nói. Rất may, bố mẹ chồng yêu quý, anh chị em trong nhà lại đông người nên chị cũng bớt buồn tẻ.
Nở cụ cười bẽn lẽn như con gái mới lớn, chị Vươn ấp úng thuật lại chuyện gia đình cắt cử người trông lều vịt và nhiều đêm đến phiên hai vợ chồng ra lều vịt ngủ.
Thiếu thốn, chật chội, lạnh giá, nhìn thấy cả trăng, sao trên trời nhưng thấy hạnh phúc vô cùng. Những đêm hạnh phúc đơn sơ như vậy, anh Vươn thường chia sẻ hoài bão lấn biển làm đầm với vợ của mình.
Cháy bỏng nước mơ vươn ra biển
Thời gian hai người còn tìm hiểu, anh Vươn thường dắt chị Thương ra bờ biển và chỉ ra nơi sóng nước nói nơi đây sẽ trở thành đầm vùng nuôi trồng thủy sản của nhà ta. Nghe người yêu nói vậy, chị Thương vẫn cứ nghĩ là anh đùa cho vui nhưng vẫn động viên.
Lúc đó, ở Tiên Lãng, việc quai đê lấn biển đang trở thành phong trào mạnh. Chị Thương chỉ dám góp ý nhẹ anh Vươn lựa sức mình làm cho hiệu quả và nhất lòng ủng hộ.
Nhưng người vợ tần tảo và yêu thương chồng nhất mực này không ngờ việc quai đê lấn biển mà người chồng quyết chí thực hiện lại gian nan, khó nhọc đến thế.
Đến tháng 6/1993, hai anh chị có sinh con gái đầu, cháu Đoàn Thị Hà Thu và cũng năm đó, anh ra trước biển và tuyên bố với cả nhà con sẽ làm đầm ở xã Vinh Quang. Phía trước anh là biển cả mênh mông và sóng lớn như muốn xô đổ đất liền.
Quyết tâm thực hiện hoài bão, ước mơ của mình, đến cuối năm 1993, anh Vươn bắt tay vào thực hiện và việc đầu tiên là nói với bố bán hết đàn vịt cả ngàn con, vun vén toàn bộ tài sản, tiền tích lũy trong thời gian đi học vẫn tranh thủ chạy chợ, rồi vay mượn của thầy giáo, bạn bè, láng giềng, ngân hàng… tất tật những ai có thể cho vay được là vay, dù là gỗ, cát, gạch ngói, công xá, lợn gà…
Cực nhọc, khó khăn chất cao như núi và lúc nào cũng thường trực như muốn quật ngã gia đình nhà họ Đoàn. Mọi người như bị cuốn vào vòng xoáy, không muốn bứt ra mà chỉ muốn lao vào tâm để nắm giữ.
Thương vợ bị bệnh đau đầu quanh năm nên anh Vươn cũng không kể nhiều vì việc quai đê lấn biển sợ bệnh tình trầm trọng hơn.
Những năm tháng gian truân đó, anh Vươn và em trai là Đoàn Văn Quý, cùng các anh em trong nhà quyết chí, bằng mọi giá phải chiến thắng được thiên nhiên.
Dù không đỡ được chồng nhiều ngoài đầm phá nhưng chị là hậu phương vững chắc chăm lo gia đình, con cái và chạy chợ để lo nhà không đứt bữa và phụ thêm tiền với chồng làm việc “đội đá, vá trời”.
Những ngày đầu, đất đắp buổi sáng thì chiều tối là tan tành, đắp chiều thì sáng ra lại nhìn thấy bằng chân vì trôi sạch chẳng khác gì dã tràng se cát. Ngày thường là vậy, còn ngày biển động, đất thả xuống đến đâu trôi hết đến đó, chẳng cần đợi đến vài tiếng sau.
Chị Thương lúc đó suy nghĩ lung lắm, thế này có khác gì chuyện xây Loa Thành xa xưa. Xót xa công sức, tiền của bị nước biển cuốn trôi, chị Thương có lúc hô to: “Làm đến đâu hết đó thế này thì làm sao được, thôi nghỉ làm”.
Cả trăm nhân công thấy bà chủ hô nghỉ thì mừng rơn vì công việc này phiêu lưu quá. Thấy vợ lo lắng, băn khoăn, lo lắng như vậy, anh Vươn phải thuyết phục vì lo vợ trở bệnh:
“Đã bảo không cho ra đầm lại còn cố mà ra. Hết biển động thì lại yên ổn chứ có kéo dài mãi đâu. Em cứ yên tâm trông con, việc này để anh và cả nhà lo”. Mỗi lần như thế, anh Vươn và người vợ lại như yêu thương nhau nhiều hơn và thêm đồng lòng làm việc lớn.
Cứ thế thời gian trôi đi, mỗi ngày cả trăm người trầm mình dưới nước bất kể cảnh mùa đông hay mùa hạ để làm cái việc mà người dân cả xã Vinh Quang bảo là điên rồ.
Mà đúng là điên rồ khi con đê quốc gia đổ bao tiền của, to lớn là vậy mà mỗi mùa mưa bão là vỡ, người dân xóm Chùa Trên (đối diện với 40ha đầm của anh Đoàn Văn Vươn ngày nay), xã Vinh Quang phải chạy vào các xã trong để tránh bão, tránh lụt. Vậy mà người đàn ông này lại dám đương đầu làm đầm vùng ngoài đê.
Thế rồi, cái gì đến cũng phải đến, ý chí sắt đá, sự quyết tâm và công sức của gia đình nhà họ Vươn mà trong đó thủ lĩnh tinh thần Đoàn Văn Vươn bỏ ra cũng đến ngày hái quả. Khi bắt đầu có thu hoạch thì bé Hà Thu cũng lẫm chẫm biết đi, hai vợ chồng mừng lắm.
Chỉ sau một năm, khi khu đầm còn rất nhỏ, chưa vững chãi và rộng lớn như ngày nay nhưng cả nhà họ Đoàn đã có tôm, cá để có cái lấy ngắn nuôi dài.
Rồi niềm vui vỡ òa vào cuối năm 1995, người dân xóm Chùa Trên dù ngày ngày chứng kiến cảnh dã tràng se cát cũng không thể tưởng tượng nổi một con đê cao sừng sững tạo thành một bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha và hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng.
>> Một ngày sống trong chòi cùng vợ Đoàn Văn Vươn |
(Đón đọc kỳ II: Chuyện tình của vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn )
- PV