Cập nhật 18/02/2012 06:00:00 AM (GMT+7)
Go.vn

Nhà báo: Chúng tôi có tài năng... "quăng bom"

Với bề dày "thành tích" của mình, nhiều nhà báo hẳn có thể trở thành đối thủ nặng ký của "Vietnam's got Talent" trong hạng mục "quăng bom", hay "săn scandal". Nhưng liệu giải thưởng đó có khiến độc giả khiếp sợ như khi xem tiết mục... nuốt cá kèo sống?

Tài năng "quăng bom"

Câu chuyện cô bé Lê Nguyễn Quỳnh Anh dự thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" (Vietnam's got Talent) đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, chủ yếu xoay quanh 3 điểm:

1. Một chương trình truyền hình thực tế bị lên án dùng scandal để thu hút người xem.

2. Thất bại của một cô gái 15 tuổi có phần tự tin thái quá về tài năng của mình.

3. Một bà mẹ yêu và bênh vực con gái đến mức có những hành động "quá khích".

Tuy nhiên, một yếu tố dường như chưa nhiều người quan tâm, đó là khởi nguồn câu chuyện: từ một clip được đăng lên trang chia sẻ video Youtube, một sự kiện hết sức đơn giản bỗng dưng trở thành "quả bom" truyền thông. Bắt đầu từ hàng nghìn bình luận cá nhân được đăng tải dưới clip, báo chí đã vào cuộc để thực sự biến gió... thành bão.

Đây có thể coi là một trường hợp điển hình của báo mạng ngày nay: hiện tượng các nhà báo ăn theo mạng xã hội. Vượt qua cấp độ nhà báo salon - quanh năm "xông pha" trong 4 bức tường tòa soạn, giờ đây nhiều nhà báo đã thực sự trở thành nhà báo "nằm vùng", bám sát từng milimet mọi diễn biến trên các trang mạng xã hội, các trang chia sẻ tin tức, hình ảnh, video như Facebook, Twitter, YouTube, v.v...

Vậy là, chúng nghiễm nhiên được các nhà báo trích dẫn như một nguồn tin tức chính thống: "Theo nguồn tin trên Facebook của nhân vật ABC", "theo clip đang hot trên YouTube"... Từ đó, những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng và mang tính cá nhân đường đường chính chính bước vào báo chí, tất nhiên thường dưới dạng các tiêu đề đặt dấu hỏi hay "sốt xình xịch tin đồn".

Ngôi sao A bị đánh ghen, hot boy này đang "cặp" với hot girl kia, đại gia XYZ mới tậu xe khủng, vô số đề tài được báo chí công khai đăng tải dưới dạng "tôi nghe mạng nói mong manh". Với thái độ hăm hở, các nhà báo nhảy vào công cuộc làm loa phát ngôn chính thức cho các trang mạng này, cũng "dìm hàng", cũng "sốc", cũng "kinh hoàng" (theo ngôn ngữ thời thượng của báo chí).

Tiêu chí là: chưa cần kiểm chứng, cứ đưa lên cho nóng, thực hư thế nào hồi sau sẽ rõ. Kết quả, nhiều nhà báo ngày càng trở nên xuất sắc trong lĩnh vực "ném đá hội đồng", góp gió thành bão, đến khi gió đổi chiều, lại cũng đồng loạt "quay ngoắt 180 độ" với những tuyên bố sấm sét trước đó.

Lê Nguyễn Quỳnh Anh biểu diễn trong chương trình "Tìm kiếm tài năng VN"
Cừu hay sói?

Trước hiện tượng trên, nhiều chuyên gia, độc giả phải hoài nghi đặt câu hỏi, liệu các nhà báo mạng có đang trở thành bầy cừu bị dẫn dắt theo dư luận, và báo chí mạng đang dần thành ra báo chí... lề đường với cách đưa tin, ngôn từ nhiều khi không kém gì nơi chợ búa.

Nhưng nói nhà báo giống cừu thì có lẽ rất oan cho cừu, loài vật suốt đời ăn cỏ rau, và ngoan ngoãn để người ta xén lông. Thật khó liên hệ hình ảnh các nhà báo đã qua tuổi vị thành niên, được coi là đầy đủ ý thức, trách nhiệm trước những hành động của mình với hình ảnh con vật hiền lành này.

Thời gian qua, nhiều nhà báo đã chỉ rõ mánh khóe thu hút khán giả bằng chiêu trò tạo scandal của truyền hình thực tế. Nhưng việc chính báo chí cũng góp công lớn thổi bùng các scandal đó, thì có vẻ lại bị phớt lờ.

Bằng kinh nghiệm của mình, các nhà báo rất nhanh chóng "đánh hơi" được mồi scandal nào có thể tạo nên một sự kiện hấp dẫn độc giả. Việc còn lại là phải làm cho nó càng bung bét, càng hấp dẫn. Phải lôi kéo càng nhiều người bình luận để gây tranh cãi càng tốt. Và khi sự vụ có chiều lắng xuống, việc cần làm là nhen thêm mồi lửa để nó bùng phát trở lại.

Dù thường đổ xô theo một hướng lý giải sự việc, nhưng tất cả những tin bài dạng này (rất nhiều khi được viết bằng giọng phán xét đạo đức) đều có mục đích hết sức rõ ràng: tăng lượng hit. Với cái đích đó, nhiều nhà báo sẵn sàng săm soi vào mọi ngõ ngách để tìm ra không chỉ "con mồi" của scandal, mà còn là tất cả các đối tượng may mắn hay xui xẻo dính dáng đến con mồi đó.

Với cách thức hành xử mà giới giang hồ vẫn gọi là "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót", các nhà báo lần lượt khai thác ráo riết nhân vật chính của scandal, tiếp đến là bố mẹ, hàng xóm, cô thầy, bạn bè, và tất nhiên, không thể bỏ sót những ai từng lỡ lời từng bình luận về nhân vật chính. Tùy từng vụ, trình tự khai thác có thể thay đổi đôi chút, nhưng công thức chung không thay đổi.

Với cách thức săn đuổi đó, có vẻ các nhà báo dễ khiến người ta hình dung đến sói, loài vật thường săn cừu hơn là con cừu.

Một lẽ tất nhiên, báo chí, nhất là báo mạng luôn cần đến độc giả để tồn tại. Nhưng thu hút độc giả bằng mọi giá, dù là bằng cách "rẻ tiền" nhất, có vẻ đang là hướng lựa chọn của không ít tờ báo. Dẫu sao đường tắt vẫn nhanh đến đích hơn?

Nhưng có một ranh giới mà bất cứ nền báo chí nào cũng đều coi là một trong những nguyên tắc ứng xử hàng đầu: đó là sự cẩn trọng bắt buộc khi đưa những thông tin có thể gây tổn thương, hoặc động chạm đến nỗi đau của người khác, nhất là đối với trẻ em, trẻ vị thành niên.

Trở lại trường hợp của cô bé Quỳnh Anh, báo chí đã chỉ ra hành động bênh con thái quá của người mẹ có thể tác hại đến em thế nào, việc chạy theo scandal của chương trình có thể làm tổn thương em và gia đình ra sao... Tuy nhiên, dẫn đến tình trạng mà như mẹ Quỳnh Anh miêu tả là "bạo hành tinh thần", có lẽ "công" của các báo mạng không hề nhỏ.

Cô gái Got Talent này chỉ là một trong những ví dụ của nhiều đứa trẻ trở thành nạn nhân của báo chí. Và có lẽ đây cũng chưa phải là câu chuyện đáng buồn nhất minh chứng cho sự coi thường ranh giới, thiếu nghiêm cẩn với chính mình của các báo mạng. Độc giả hẳn vẫn còn ấn tượng với những câu chuyện hở lộ của cô bé mới 3, 4 tuổi hay cô người mẫu nhí 12, 13 tuổi từng được các nhà báo "hả hê" khai thác.

Với bề dày "thành tích" của mình, nhiều nhà báo hẳn có thể trở thành đối thủ nặng ký của "Vietnam's got Talent" trong hạng mục "quăng bom", hay "săn scandal". Nhưng liệu giải thưởng đó có khiến các độc giả khiếp sợ như khi xem tiết mục... nuốt cá kèo sống?

 


Gửi ý kiến phản hồi

Thủ tướng: Ông Vươn được sử dụng đất đã giao

Hải Phòng phải tiến hành làm các quy định theo đúng thủ tục pháp luật để ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao, theo đúng quy định pháp luật - Thủ tướng kết luận.

Tập Cận Bình ở California: Hé lộ điều TQ thực sự muốn

Vị lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình dành phần lớn thời gian hai ngày ở California để nhấn mạnh hai điều, có lẽ là những gì người Trung Quốc ngưỡng mộ nhất về Mỹ: phim ảnh và bóng rổ.

vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.