- Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống khẳng định như vậy khi trao đổi với VietNamNet sau 1 tuần điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Thống cũng cho rằng, đổi giờ học không thể giảm ùn tắc, mà chỉ là một trong nhiều giải pháp thành phố đã, đang và sẽ triển khai.
TIN LIÊN QUAN:
Xuất hiện nghề 'hot' nhờ đổi giờ học
Đổi giờ học, nữ sinh bị trêu ghẹo
Hà Nội sẽ tan ca học chiều lúc 18h
'Nhốt' học sinh sẽ rút lại đến 18h
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống (Ảnh Vũ Điệp) |
Giảm bất cập
- Thưa ông, 1 tuần sau khi Hà Nội đột ngột đổi lại lịch học của học sinh trên địa bàn có khiến các trường trở tay không kịp? Phản hồi của các trường tiểu học, THCS và THPT về Sở như thế nào?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Sao lại nói là đột ngột được? Ngay những ngày đầu thực hiện QĐ 315 của TP v/v điều chỉnh giờ, khi các đơn vị trường học chúng tôi đã phản ánh về môt số bất cập thì Thành phố đã cho điều chỉnh ngay nhằm giảm bớt khó khăn cho các trường. Đó là một việc làm rất kịp thời và cần thiết đấy chứ.
Việc điều chỉnh này đã được các trường học đón nhận tích cực và rất đồng tình, vì như thế là các trường học vẫn có thể chung tay với các ngành giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nhưng cũng giảm đến mức thấp nhất những bất cập gây ra cho học sinh.
- Với quan sát của nhà quản lý, ông thấy có thay đổi nào đáng kể trong việc áp dụng giờ học mới này? Cụ thể: học sinh THPT tan sớm hơn quy định trước 1 tiếng, giãn thời gian giữa 2 ca học buổi sáng và buổi chiều của cấp THCS và tan buổi chiều trước 17h30....giao thông có giảm ùn tắc?
"Nếu cho rằng chỉ có đổi giờ học mà giảm ùn tắc giao thông là không đúng, nếu được như vậy thì chắc TP chúng ta đã làm từ lâu rồi." |
Tuy nhiên theo tôi, dù sao thì việc này mới thực hiện trong một thời gian ngắn, lại ngay sau tết Nguyên đán, nhip sinh hoạt của TP chưa thật sự ổn định, sinh viên chưa tựu trường đầy đủ, bệnh nhân tuyến dưới chưa lên, lao động nhập cư chưa lên vv..thì cũng chưa nên có đánh giá vội vàng. Hơn nữa, điều chỉnh giờ mới chỉ là môt trong các giải pháp cần làm thôi mà.
- Quy định mới nhắc đến việc cho phép các trường linh động cho học sinh tan sớm, tránh giờ cao điểm dễ gây ùn tắc. Và theo ông, đây có phải là khe hở để một số trường “lách luật” cho học sinh tan sớm? Đoàn thanh tra của Sở đã phát hiện ra trường nào làm chưa đúng quy định?
Thú thật là tôi thấy không đồng tình nếu có ai đó gọi việc này là “lách luật”…. Mục đích của việc điều chỉnh giờ là làm giảm ùn tắc giao thông, nếu có trường nào đó thấy trên thực tế sinh hoạt của mình không ảnh hưởng đáng kể đến giao thông trên địa bàn thì hoàn toàn có thể chủ động phối hợp với chính quyền và công an địa phương để bố trí giờ học theo quy định của TP sao cho giãn được mật độ giao thông trong giờ cao điểm.
Như thế là vừa có trách nhiệm với giao thông Thủ đô, vừa có trách nhiệm với học sinh của mình chứ...
Đổi giờ học: Chỉ là một giải pháp
- Có không ít nhận định, đổi giờ học không giảm ùn tắc giao thông, thậm chí gây căng thẳng cho học sinh. Do đó, sẽ lại có một thay đổi nữa về lịch học của học sinh THPT hoặc sẽ quay về như cũ (vào học sau 7h và tan từ 17h15-17h30) chẳng hạn? Nhận định của ông?
Nếu cho rằng chỉ có đổi giờ học mà giảm ùn tắc giao thông là không đúng, nếu được như vậy thì chắc TP chúng ta đã làm từ lâu rồi. Anh cũng biết là cùng với việc điều chỉnh giờ, TP đã, đang và sẽ còn hàng loạt biện pháp nữa kia mà.
Ví như đã tăng cường lực lượng chức năng để tổ chức giám sát giao thông, phân luồng giao thông từ sáng sớm; đã tăng thêm số chuyến và bổ sung nhiều tuyến xe buýt; đang triển khai dọn dẹp bãi đỗ xe ô tô chiếm lòng đường và rồi sẽ làm thêm nhiều cầu vượt; sẽ mở rộng nhiều ngã tư, lắp thêm đèn tín hiệu, sẽ giảm xe cá nhân, rồi tương lai sẽ còn di chuyển các trường ĐH ra khỏi TP .vv….
Tôi cho rằng với hàng loạt biện pháp như vậy chắc chắn sẽ làm biến chuyển đáng kể tình hình giao thông của Hà Nội. Điều chỉnh giờ mới chỉ là một biện pháp thôi, không nên đặt tất cả kỳ vọng vào nó.
- Nhiều ý kiến cho rằng, nên hỏi ý kiến học sinh trước khi thực hiện một quyết định có liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, học tập của các em. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi nhớ là chủ trương đổi giờ đã được nói đến từ khá lâu rồi. Trước đinh bắt đầu từ tháng 1, sau lại còn lùi đến tháng 2 đấy chứ. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã thông báo nhiều rồi đấy chứ.
- Ở góc độ một phụ huynh có con học cấp 3, quy định mới có giúp việc sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn? Và gia đình ông có gặp khó gì với sự thay đổi này?
Tất nhiên là gia đình tôi cũng chịu tác động như các gia đình khác. Có xáo trộn, có khó khăn thì cũng phải cố gắng khắc phục thôi. Nếu rồi đây đường thông hè thoáng, chúng ta đi làm thuận tiện, con cái đi học an toàn thông suốt, không có tai nạn thì ai ai cũng được hưởng lợi đấy chứ, vì thế nên phải khắc phục thôi.
- Cảm ơn ông!
Từ ngày 13/2, các trường học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội bắt đầu đổi lại giờ học. Theo đó, các trường THPT kết thúc ca học chiều sau 18h, khối mầm non, tiểu học, mẫu giáo, THCS thực hiện điều chỉnh giờ linh hoạt, nhằm giảm mật độ giao thông giờ cao điểm. |
- Văn Chung (thực hiện)