HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH: CẦN CÁI NHÌN THẤU ĐÁO

Người đồng tính: Mong được sống là mình

Thứ Ba, 21/02/2012 23:07

Để người đồng tính được sống thật với bản chất, cần có sự chia sẻ rất lớn từ gia đình và xã hội cũng cần phải nhìn nhận về họ bao dung hơn

Đến thời điểm này, chuyện đồng tính đã không còn quá xa lạ trong đời sống nhưng cũng không phải ai cũng đủ bản lĩnh thừa nhận giới tính thật của bản thân. “Hơn ai hết, người đồng tính luôn phải chịu đựng nhiều định kiến, sức ép của xã hội khiến họ cứ giấu mình trong nỗi sợ hãi, dằn vặt và cô độc.
Để người đồng tính được sống thật với bản chất cần phải có sự chia sẻ rất lớn từ điểm tựa gia đình. Và xã hội cũng cần phải nhìn nhận về họ bao dung hơn” – nhà văn Bùi Anh Tấn, tác giả của những cuốn sách về đề tài đồng tính, như Một thế giới không có đàn bà, Cô đơn…, đã nói như vậy.

Tâm hồn mong manh, dễ vỡ

Quan tâm tìm hiểu về thế giới thứ ba để viết những tác phẩm văn học, nhà văn Bùi Anh Tấn hiểu sâu sắc hơn từ những bộc bạch của nhân vật có thật. Ông nói: “Những người đồng tính có tâm hồn rất mỏng manh. Họ yêu nhiều hơn, sợ hãi hơn nhưng cũng thù hận hơn và khép mình hơn. Lấy vợ làm bình phong cũng rất khổ sở. Một người bạn từng nói với tôi rằng anh ấy thật sự hối tiếc khi lầm tưởng kết hôn có thể khiến thay đổi mọi thứ. Nhưng đó chỉ là một bi kịch nối dài, tự chuốc khổ cho mình và cho người thân”.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, người đã từng trăn trở nhiều về thế giới thứ ba khi làm phim Hotboy nổi loạn…, cũng đồng quan điểm: “Do hoàn cảnh xã hội cùng những tác động bên ngoài, tình yêu của người đồng tính không phải lúc nào cũng có thể được tự do bộc lộ. Khi làm phim Hotboy nổi loạn…, tôi cũng đã tìm hiểu rất kỹ về những người của thế giới này, họ yêu mãnh liệt nhưng luôn nhận thức được rằng tình yêu đó rồi cũng sẽ không đi về đâu cả. Ai cũng hiểu rằng sau này mỗi người đều phải có một cuộc sống riêng cho nên họ biết mình chỉ có thể sống và yêu cho hiện tại”.

Cảnh trong phim Hotboy nổi loạn..., một trong những phim diễn tả

chân thực cuộc sống, tình yêu của người đồng tính. Ảnh: B.H.D

Ở góc độ của người trong cuộc, nhà báo Phạm Thành Trung, nhân vật của cuốn tự truyện Thành phố không lạc loài (do nhà văn Lê Anh Hoài chấp bút), bày tỏ: “Việc thừa nhận giới tính thật không phải là điều dễ dàng. Bản thân tôi cũng từng trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn khi quyết định công khai tự truyện. Bây giờ thì tôi thấy ổn với cuộc sống của mình khi nhận được rất nhiều sự chia sẻ không chỉ của bạn bè cùng giới mà còn cả với những người thân của họ”.

Hy vọng về sự chuyển động ý thức

Hiện nay, hôn nhân đồng tính chưa được pháp luật chấp nhận. Tuy nhiên, nhà văn Bùi Anh Tấn hy vọng: “So với thời tôi viết Một thế giới không có đàn bà, đến nay đã có một bước thay đổi đáng kể khi nhiều người đã dám thừa nhận giới tính của mình. Điều cần nhất bây giờ là phải thay đổi cả về mặt pháp lý. Đã có yêu cầu sửa luật để xử lý mại dâm đồng tính nam, đó cũng là việc thừa nhận có hành vi đồng tính thì tại sao không sửa luật để thừa nhận sự tồn tại của người đồng tính?”.

Không chỉ cần sự chia sẻ, chấp nhận từ xã hội mà cả trên lĩnh vực nghệ thuật cũng cần có cái nhìn, khắc họa thấu đáo hơn. Hình ảnh người đồng tính trên phim ảnh, sân khấu lâu nay đa phần đều là những sự giễu nhại mà quên mất rằng khai thác như thế có thể làm tổn thương đến những người thuộc giới tính thứ ba. Cũng vì điều này mà bộ phim Hotboy nổi loạn… - phim đầu tiên về đề tài đồng tính nam được thực hiện một cách nghiêm túc, chia sẻ chân thực với những người đồng tính – đã được công chúng đón nhận. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói rằng anh muốn để khán giả hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống, tâm tư của người đồng tính. Họ có đời sống nội tâm và bi kịch riêng.

“Chuyện công khai giới tính đã ngày càng phổ biến hơn, người đồng tính cũng đã tự tin và tự do trong việc chia sẻ tình cảm và bày tỏ nguyện vọng được sống chung. Nhưng chỉ khi nào quan niệm của xã hội dần thay đổi thì hôn nhân đồng tính rồi cũng sẽ được chấp nhận” – nhà báo Phạm Thành Trung đúc kết.

Các nghệ sĩ nói gì?

* NSƯT Việt Anh: “Cần nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ nhân văn vì họ sinh ra vốn đã như vậy, họ không thể tự quyết định được giới tính của họ mà tạo hóa đã quyết định thay. Dù có thừa nhận, né tránh hay không thừa nhận, đó cũng là một thực tế xã hội cần được giải quyết”.

* NSƯT Bảo Quốc: “Một khi hôn nhân đồng tính được pháp luật thừa nhận thì rất nhiều định nghĩa và cách nhìn nhận về gia đình, hôn nhân trước đây sẽ phải sửa đổi cho phù hợp.
Do đó, cần phải có nhiều thời gian xem xét... Theo tôi, vấn đề chính là nguy cơ quan hệ giữa họ không bền vững. Xã hội nên có cái nhìn thẳng thắn: Nếu là trào lưu thì nên định hướng thông qua những tác phẩm sân khấu, điện ảnh, văn học…, đừng hùa theo vì trên thực tế có nhiều vụ án giết bạn tình chỉ vì họ đến với người đồng tính để trục lợi, vì lý do kinh tế.
Còn người đồng tính thật thì họ quá mặc cảm với bản thân mình nên co cụm lại, thiếu sự chia sẻ đúng đắn, khó hòa nhập với cộng đồng. Xã hội hôm nay nên có cái nhìn thoáng hơn vì hiện tượng đồng tính là có thật và đã là sự thật thì phải chấp nhận”.

* NSƯT Ngọc Giàu: “Tôi có nhiều bạn là người đồng tính, thậm chí họ là nghệ sĩ nổi tiếng. Họ đã biết cách hạn chế dư luận để giữ được tình yêu bền lâu. Trên thực tế, những cặp đôi đồng tính nếu yêu nhau và muốn đến với nhau một cách nghiêm túc thì không nhất thiết cứ phải tổ chức lễ cưới, bởi vì cách tốt nhất để giữ gìn tình yêu là sự kín đáo chứ đâu phải cứ làm hoành tráng là chứng tỏ được sự bền lâu”.

* NSƯT-đạo diễn Ca Lê Hồng: “Trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, chưa nên thừa nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, xu thế trong tương lai, khi những điều kiện về kinh tế - xã hội phát triển đến một mức độ nhất định và các quan niệm xã hội về gia đình có cởi mở hơn, nhận thức của số đông có sự thay đổi về hôn nhân gia đình thì có thể công nhận hôn nhân đồng giới”.

Thanh Hiệp ghi

Kỳ tới: Điều chỉnh luật, nên chăng?

TIỂU QUYÊN
[Quay lại]
2 ý kiến