Thứ Năm, 23/02/2012, 06:35 [GMT+7]
.
.

Ảnh Mai Phương Thúy mà nghệ thuật thì thật... ngô nghê!

(Xi nhan) - "Họ lấy tiêu đề là nét đẹp xuân thì, vậy ngoài hình thể của người phụ nữ đáng được tôn vinh nó còn cái gì nữa không? Trí tuệ của họ vứt đi sao? Hay vứt đi biểu lộ cảm xúc của người ta chăng? Ngần ấy bức ảnh mà không hề có một biểu lộ cảm xúc, rất vô cảm với 1 - 2 tư thế nằm ngổn ngang, không đẹp dù ekip chụp ảnh đó cố gắng dàn dựng nhưng bố cục chưa tới, ánh sáng, đường nét, nhịp điệu chưa tới và nó chưa đủ tới độ nghệ thuật thì không thể kết luận đó là nghệ thuật được. Hành trang văn hóa của họ chỉ có thế thôi thì họ cho đó là nghệ thuật"...


Trước dư luận xung quanh bộ ảnh "Nét đẹp xuân thì" của Mai Phương Thúy, ThS. Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục Trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với Phunutoday những quan điểm của mình.

Bà Đoàn Thị Thu Hương cho rằng không phải cứ hở lộ là nghệ thuật. Đạt được đỉnh cao sáng tạo mới là những điều mà con người luôn vươn tới chứ không phải là những cái nhân danh nghệ thuật, không hiểu gì về nghệ thuật mà cho rằng như thế là nghệ thuật. Nếu như vậy là ẩu và vô trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội.

Một trong những bức ảnh khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy
Một trong những bức ảnh khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy

Ảnh Mai Phương Thúy mà bảo là nghệ thuật thì thật ngô nghê!

Thực sự, khi xem những bức ảnh này tôi không thấy có cảm xúc gì, chỉ thấy đây là một bộ ảnh mang tính kỷ niệm có tính chất riêng tư, muốn lưu giữ lại những bức ảnh kỷ niệm của mình.

Những ảnh này chưa đạt được đến độ khiêu dâm như nhiều người vẫn nói nhưng nó cũng không phải là bộ ảnh nghệ thuật dù là có sự sắp đặt. Người mẫu không có bất cứ sự biểu cảm nào trên khuôn mặt ngoài đôi mắt nhắm hờ, miệng hé mở.

Chụp một con người trước hết phải toát lên cái thần thái, cái tinh thần và phải thấy được cái ý tưởng của người ta chứ. Ở đây, tôi thấy hoàn toàn là vô cảm.

Hơn nữa lại mặc áo dài trong suốt, mỏng tang như thế và chẳng có nội y. Như vậy, không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt mình: kín đáo, dịu dàng, duyên dáng. Đó là đặc trưng của phụ nữ Á Đông. Hãy nhìn từ áo hanbook của Hàn Quốc, kimono của Nhật Bản, xường xám của Trung Quốc và nhất là chiếc áo dài của mình đâu có chuyện không mặc nội y như những bức ảnh của Mai Phương Thúy? Nó không phù hợp với thói quen của người Việt. Và không nên ứng xử với áo dài như vậy.

Mai Phương Thúy cũng lên báo giải thích rằng bộ ảnh đó là vì nghệ thuật, nhưng khi chưa hiểu về nghệ thuật là gì mà cứ nhắm mắt chạy theo hay nói theo thì chẳng phải là ngô nghê trong nhận thức hay sao?

Với nghệ sỹ, trước khi là con người sáng tạo, anh ta cũng phải là con người văn hóa, chính cái tầm vóc văn hóa, những kiến thức và sự trải nghiệm cũng như nhận thức xã hội sẽ quyết định tư duy sáng tạo của nghệ sỹ.

Chụp một con người trước hết phải toát lên cái thần thái, cái tinh thần và ý tưởng của người ta là cái gì? Ở đây, tôi thấy hoàn toàn là vô cảm.
"Ngần ấy bức ảnh mà không hề có một biểu lộ cảm xúc, rất vô cảm với 1 - 2 tư thế nằm ngổn ngang, không đẹp dù ekip chụp ảnh đó cố gắng dàn dựng"...

Không phải cứ hở lộ là nghệ thuật! Họ lấy tiêu đề là nét đẹp xuân thì, vậy ngoài hình thể của người phụ nữ đáng được tôn vinh nó còn cái gì nữa không? Trí tuệ của họ vứt đi sao? Hay vứt đi biểu lộ cảm xúc của người ta chăng?

Ngần ấy bức ảnh mà không hề có một biểu lộ cảm xúc, rất vô cảm với 1 - 2 tư thế nằm ngổn ngang, không đẹp dù ekip chụp ảnh đó cố gắng dàn dựng nhưng bố cục chưa tới, ánh sáng, đường nét, nhịp điệu chưa tới và nó chưa đủ tới độ nghệ thuật thì không thể kết luận đó là nghệ thuật được.

Còn cái đẹp nó không phải là như vậy. Đánh giá như thế nào nếu cứ cho rằng cô 17 - 18 xuân thì mới là đẹp, còn bà già teo tóp, dúm dó trong xó nhà với ánh sáng chiếu vào bật lên được cái sự già nua, run rẩy nép trong xó nhà như vậy mà mình cảm nhận được sự rung động trong sâu thẳm trái tim thì nó có phải là xuân thì đâu mà nó vẫn đẹp và giàu ý nghĩa?

Và khi đã có nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống, có chính kiến về kiến thức của mình, mình cũng phải nhìn nhận đấy là cái gì? Chứ không phải bất kỳ cái nào cũng đưa ra được, mà để trước bàn dân thiên hạ chính là công bố tác phẩm. Nói đến điều này, còn chưa hỏi đến việc anh có được phép công bố không? Công bố ở phạm vi nào? Công bố như thế nào?

Không thể làm liều rồi tuyên bố: “Tôi sáng tạo”

Đã có người lên tiếng rằng: nếu chấp nhận được bức tranh "Hứng dừa", "Thiếu nữ ngủ ngày", "Đánh ghen"... trong tranh dân gian thì phải chấp nhận những bộ ảnh của Mai Phương Thúy.

Cục Nghệ Thuật Biểu diễn cũng lên tiếng từ gợi cảm sang dâm tục là một khoảng cách rất nhỏ. Nhưng thực sự đây là hai hình thức biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Một là tranh dân gian, hai là ảnh.

Ở bức tranh "Hứng dừa" ấy có cả một câu chuyện để dẫn dắt và nó có cả nét văn hóa sinh hoạt ngày xưa. Còn bộ ảnh này là do sắp xếp, những cái hoàn toàn không có trong sinh hoạt bình thường mà là dựng nên và sắp đặt. Đấy là hai câu chuyện khác nhau.

"Đạt được đỉnh cao sáng tạo mới là những cái mà con người luôn vươn tới chứ không phải là những cái nhân danh nghệ thuật, không hiểu gì về nghệ thuật mà cứ cho rằng như thế là nghệ thuật, như vậy là ẩu và vô trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội"...

Cái thanh cao hay dung tục là cái không phải dễ mà phải cảm nhận, do cảm nhận của chính người nhìn vào đó. Xem ảnh nude của Monica Schulz Fieguth từ động tác, khuôn mặt, tất cả toát lên vẻ đoan trang, cái thư thái, tĩnh lặng chứ không phải là sự quằn quại, uốn éo, hay chuyển động cơ thể, cố tình vặn vẹo cái ngực, cái mông.

Nghệ thuật luôn có những điều mới để khám phá, cũng như con người. Chúng có thể phong phú, vô tận, không thể tiên đoán. Đó là thế giới kỳ thú riêng với những luật lệ lạ lùng và đầy mạo hiểm. Vì nó sẽ là những khoảng cách rất mong manh của ảnh nude nghệ thuật và ảnh naked (ảnh sex).

Với nghệ thuật nó phải vượt qua được mọi vật chất tầm thường và hướng tới tầm cao của tinh thần. Ảnh nude nghệ thuật mang lại sự rung cảm thẩm mỹ. Ảnh sex mang đến sự rung cảm xác thịt. Đó là điều căn bản để phân biệt 2 loại ảnh này, và cùng với nó là hành trang văn hóa của mỗi con người để nhận thức và đánh giá.

Tại sao phải mượn quần áo làm gì khi mà tự nó đã đẹp thật?

Dù những bức ảnh của Mai Phương Thúy mượn quần áo để khơi gợi những cái bên trong nhưng tôi cho rằng không khơi gợi được gì! Có chăng chỉ là khơi gợi hình thể đẹp của một cô gái trẻ nhưng không khơi gợi được cả một trạng thái tinh khiết của tinh thần đấy là nét xuân thì, mà gần như có thể nó còn làm vẩn đục đi.

Dẫu biết sáng tạo là cái tự do của mọi người, bất kỳ Nhà nước nào cũng đều khuyến khích sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực, nhưng sự sáng tạo đó có thật sự là sáng tạo hay không thì không thể cứ làm liều rồi tuyên ngôn: “Tôi sáng tạo” là xong!

Như thế này có được gọi là đẹp?
Như thế này có được gọi là đẹp?

Không phân biệt được dâm tục và thanh tao là lỗi của giáo dục!

Đạt được đỉnh cao sáng tạo mới là những cái mà con người luôn vươn tới chứ không phải là những cái nhân danh nghệ thuật, không hiểu gì về nghệ thuật mà cứ cho rằng như thế là nghệ thuật, như vậy là ẩu và vô trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội.

Muốn hiểu được nghệ thuật anh phải được đào tạo bài bản, phải hiểu thế nào là cái đẹp. Cái đẹp phải đạt được đến chuẩn của chân - thiện - mỹ, đạt được cái hài hòa, đạt được tất cả mọi thứ đấy rồi và cái cao hơn nữa là nó phải có tầm tư tưởng, có chủ đề tư tưởng trong đó thì mới gọi là cái đẹp nghệ thuật được.

Còn việc chưa phân biệt được thế nào là tục, thế nào là không tục cũng là một thực trạng xã hội. Bởi đó là do lỗi của giáo dục, không đào tạo, giáo dục cho người ta hiểu thế nào là cái đẹp. Hiện nay các trường đang dạy học sinh vẽ chứ không dạy học sinh cách cảm nhận và đánh giá về nghệ thuật.

Điều xã hội đang cần là họ phải được trang bị kiến thức để hiểu thế nào là đẹp thì họ chưa nhận được cái đó. Thực trạng xã hội hiện nay là như vậy nên đại đa số cứ đi theo cái hơi đèm đẹp một chút thì đã cho là đẹp, cứ tưởng là đẹp nhưng thực sự không phải như vậy.

Thiết nghĩ, chỉ có thời nay mới có áo dài mỏng, ngày xưa đâu có mỏng như vậy? Cái cách tân, biến tấu là đúng và mỗi một thời kỳ phải phù hợp với thời đại đó. Nhưng để nó trở thành Quốc phục thì không phải bởi nó chỉ ở sân chơi nào đấy thôi. Không thể đi tiếp khách ngoại giao mà mặc đồ mỏng tang như vậy được. Người tự tôn trọng mình là người không hở hang trước mặt người khác, chứ đừng nói đến áo mỏng.

Và nếu giới trẻ cho rằng bộ ảnh của Mai Phương Thúy là nghệ thuật rồi bắt chước thì đó hoàn toàn là sai lầm. Nếu vậy, đó là một thực trạng rất tốt để chúng tôi nhìn nhận ra và để cho Thông tư sắp tới hướng dẫn, quy định cụ thể hạn chế được những cái nhân danh vì nghệ thuật, vi phạm thuần phong mỹ tục phát tán tràn lan.

  • ThS. Đoàn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm
>> Mai Phương Thúy hay Ngọc Trinh chà đạp áo dài?

 

;
.
.