Làm thể thao nổi tiếng, làm khoa học thì chẳng ai biết?

23/02/2012 11:14:13

- Vũ Công Lập làm bóng đá trên TV hay viết báo thì nhiều người biết. Nhưng khi anh làm khoa học thì chẳng mấy ai biết tới. Âu cũng là điều tự nhiên, vì hai lĩnh vực này khác hẳn nhau.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi làm khoa học và sống được bằng nghề

Hôm vừa rồi vào TP.HCM, qua thăm Viện, chúng tôi có thấy một số thiết bị điều trị vật lý do Viện Vật lý Y sinh chế tạo, khá đẹp…

Thành tựu lớn nhất của chúng tôi là đã xây dựng được ngành Vật lý Y sinh. Chúng tôi đã in được 6 quyển sách trong bộ tài liệu cơ bản của môn này, được dùng để giảng dạy trong các khóa đào tạo cao đẳng, đại học, cao học. Chúng tôi đã tự chế tạo được 11 thiết bị vật lý trị liệu, bao gồm tất cả các thiết bị nằm trong danh sách của Bộ Y tế quy định sử dụng tại các bệnh viện. Chúng tôi đã chuyển giao hơn 1 700 thiết bị ấy cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Và chúng tôi có một đội ngũ cán bộ đủ trình độ chuyên ngành đảm bảo việc phát triển trong tương lai. Chúng tôi tạo ra một nghề, sống được bằng nghề và tự hào về nghề của mình.

Viện chúng tôi bắt đầu bằng chương trình ứng dụng laser trong y học, do Viện Công nghệ laser khởi phát và chủ trì, cùng với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với một nhóm cán bộ của Học viện Quân y. Chúng tôi không bao giờ quên những bước khởi đầu đó. Ghi nhớ với lòng biết ơn.

 

a
Tôi có một số phận đặc biệt trong khoa học. Ảnh nhân vật cung cấp

Lý do anh đã chuyển công tác từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh là gì, thưa anh?

Năm 1989, có quyết định thành lập Viện Kỹ thuật quân sự II ở TP. Hồ Chí Minh. Viện trưởng là GS Đại tá Lê Đông Hải. Anh Hải và tôi đã cùng dậy học và nghiên cứu ở Học việc Quân y, đã từng sinh hoạt một chi đoàn. Và anh Hải đã xin được quyết định điều tôi vào phục vụ ở Viện mới thành lập này. Khi đi, tôi là Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý - Lý sinh của Học viện Quân y.

Khi vào TP. HCM, trong đội hình mới, tôi xin phép thành lập Trung Tâm Vật lý Y Sinh học, một đơn vị khoa học công nghệ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân bằng các phương tiện kỹ thuật. Khi Viện báo cáo với Bộ Quốc phòng, cũng được hết sức ủng hộ và Bộ trưởng Lê Đức Anh khi đó đã cấp cho chúng tôi một cơ sở để thực hiện nhiệm vụ này.

Anh có thể nói rõ hơn về chuyên ngành Vật lý Y Sinh học, cái tên còn mới mẻ, thậm chí còn xa lạ nữa...

Nói đơn giản thì thế này chị ạ. Một đặc điểm trong sự phát triển của Y học hiện nay là phát triển theo định hướng kỹ thuật. Các bệnh viện cũng như mọi cơ sở y tế khác đều được trang bị những máy móc, thiết bị hết sức hiện đại, hết sức hiệu quả, và đem lại cho công tác chăm sóc sức khỏe những thành tựu không thể ngờ tới. Mọi thành tựu khoa học trên thế giới hiện nay đều trước hết được ứng dụng ở hai lĩnh vực quan trọng nhất: Quốc phòng và y tế. Một đằng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, một đằng là chăm lo cho sinh mạng của mỗi con người. Nhưng chúng ta chưa được chuẩn bị kỹ về những hoạt động y tế mang đặc trưng công nghệ hiện đại. Chúng ta có thể mua thiết bị, nhưng con người thì phải đào tạo, và khoa học thì phải xây dựng.

Mỗi thiết bị y tế, nói cho cùng, đều là một sản phẩm vật lý. Từ máy X- quang, CT, MRI, Siêu âm, máy gia tốc chữa ung thư, rồi máy SPECT, PET… đều như vậy cả. Từ vật lý, thông qua trợ giúp kỹ thuật để chế tạo thiết bị, lại thông qua những thử nghiệm sinh học để tìm ra khả năng ứng dụng trong thế giới các vật thể sống, cuối cùng đến những công việc cụ thể trong y học. Quả là một chằng đường dài. Vật lý Y Sinh học là một ngành khoa học mang tính liên ngành và giao ngành nối kết tất cả những đơn ngành vốn riêng lẻ, nhằm mục đích cuối cùng là đưa những tiến bộ của vật lý, cuả kỹ thuật vào ứng dụng trong y học.

Vì vậy, trên thế giới, người ta nói đến kỹ thật Y sinh. Mà Vật lý Y sinh là một môn thuộc dạng cơ bản, tạo nền tảng cho kỹ thuật y sinh. Tôi hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Vật lý Y Sinh học, thuộc Viện Khoa học & Công nghệ quân sự. Nghe cũng rất sướng và cũng rất tự hào phải không chị? Có khi còn hơn cả thể thao?

Xin chị đừng chẻ tôi ra làm hai nửa khác biệt

Thế mà có người tưởng anh đã bỏ khoa học để sang làm thể thao đấy?

Tôi không thấy gì là lạ về điều này. Làm khoa học và làm thể thao truyền thông là hai lĩnh vực khác hẳn nhau. Tôi đã và vẫn đang hết sức làm khoa học. Làm khoa học cũng rất sướng, nhưng đấy là sự vui sướng không dễ chia sẻ như trong bóng đá.

Tôi có một số phận đặc biệt trong khoa học, Tốt nghiệp đại học về Vật lý Lý thuyết, bảo vệ luận án Tiến sĩ trong lĩnh vực Lý sinh, rồi làm đề tài Tiến sĩ khoa học thuộc chuyên ngành Lý sinh y học. Con đường của tôi là từ vật lý mà đi tới y học.

Và phải nói tới đơn vị công tác của tôi: tôi có vinh dự phục vụ hơn 40 năm trong quân đội, ở Học viện Quân y 20 năm và ở Viện kỹ thuật quân sự hơn 20 năm. Học viện Quân y đã đào tạo tôi, và Viện Ký thuật quân sự II ở Thành phố HCM (như tên gọi hồi bấy giờ) đã tạo điều kiện cho tôi làm việc, cống hiến và trưởng thành.

Chị thấy đấy, tôi làm báo cỡ 25 năm, và làm khoa học hơn 40 năm. Cái nọ đỡ cho cái kia. Xin chị đừng chẻ tôi ra làm hai nửa khác biệt.

Làm nhà báo, nhà khoa học, thể thao, có cái nào anh chưa làm hết sức không?

Tôi làm việc gì cũng hết lòng, hết sức. Nói thật, thì tôi không phải loại người có quyết tâm cao lắm, nghĩa là làm cái gì cũng phải làm lấy được. Làm cái gì tôi cũng tự hỏi, đã làm hết sức chưa? Nếu hết lòng hết sức mà làm rồi, thì coi như xong. Được đến đâu thì được. Vui. Về. Số nó không được thì được mà làm gì?

Nhưng tôi cũng biết hy sinh đấy. Ví dụ, nhiều người rủ lắm mà không dám đi chơi golf. Vì biết rằng đi thì sẽ mê. Mà mình hết thời gian rồi. Nếu thêm golf nữa thì không đủ sức làm những cái mình đang theo đuổi. Đấy cũng là chỗ mình phải dừng lại thôi. Nhiều khi ngồi cả đám đông, thấy mọi người hăm hở bàn tán về golf, phải lảng ra, cũng thấy tiếc lắm. Nhưng biết làm sao?

Tôi mới vừa đọc một bài báo của anh trên tờ Tuổi Trẻ TP.HCM, nói về người đi tìm cây Báng?

Vâng, đấy là anh Nguyễn Quang Bắc, Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm tổng cục kỹ thuật, là cấp trên trước đây của tôi ở Viện KH&CN QS. Anh Bắc quê ở Đình Bảng, nơi xưa cả nghìn năm trớc có rừng báng nổi tiếng. nhưng đã không còn dấu vết. Anh Bắc bỏ ra hơn 6 năm để tìm ra đúng cây báng đã thất truyền này. Hôm 12/02/12012 vừa qua, anh ấy đã đem về 60 cây báng và trồng lại trên đất Đình Bảng. Một câu chuyện rất cảm động. Tôi nghe anh Bắc kể, và bỏ mọi việc đi theo anh ấy một tuần liền. Cuộc sống quả là có muôn điều thần kỳ.

Và tiện đây cũng xin nói với chị một việc nữa. Đây là một đoạn PR đấy chị ạ. Tôi có hai người bạn cùng làm vật lý, thân nhau từ 48 năm nay, khi bước chân vào ngưỡng cửa khoa lý, trường Đại học Tổng hợp Hà nội. Đó là dịch giả Phạm Văn Thiều - Giải thưởng Phan Châu Trinh về dịch thuật và GS TSKH Nguyễn Văn Liễn, một nhà vật lý có rất nhiều công trình có đẳng cấp quốc tế. Từ năm 2008, ba chúng tôi phối hợp với nhà xuất bản TRẺ, ra bộ sách KHOA HỌC & KHÁM PHÁ, đến nay đã xuất bản được 18 cuốn. Đây là bộ sách kể chuyện về các nhà khoa học , về số phận các công thức, các định luật, cũng như đặc tính và số phận nhiều con người. Nguyên bản, sách đều là các tác phẩm best seller, và ba chúng tôi hy vọng đến một lúc nào đó sách dịch sẽ có vị trí thích đáng hơn ở Việt nam. VTV1 cũng đã giới thiệu nhiều lần các tác phẩm thuộc KH&KP trong mục điểm sách.

Cảm ơn lời giới thiệu của anh. Hóa ra, trong những việc anh làm, có rất nhiều điều không nằm trong lĩnh vực thể thao. Và như thế, chúng tôi còn có lý do để đón chờ.

Lương Bích Ngọc
 

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.