Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Nếu Mai Phương Thúy có học hơn
(Xi nhan) - "Tôi thấy thương cho Mai Phương Thúy và ekip ảnh bị vùi dập bởi vì họ làm chưa đến độ, và tôi cũng thấy thương cho quần chúng, cho những người xem bị quá khích"... - họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ với Phunutoday xung quanh bộ ảnh áo dài khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy.
Họa sỹ Trần Nhật Thăng |
PV: - Hiện dư luận đang tranh cãi xung quanh bộ ảnh nóng Mai Phương Thúy, người bảo dâm tục, kẻ nhân danh nghệ thuật cho rằng: nghệ thuật thì phải như vậy, có thể làm gì cũng được. Là một họa sĩ trừu tượng trẻ, anh có nhận xét gì?
Họa sĩ Trần Nhật Thăng: - Với tư cách một họa sĩ, một nghệ sĩ, tôi có thể trả lời 2 mặt vấn đề rất sòng phẳng. Trong chuyện này có hai sự sai lầm.
Sai lầm thứ nhất là từ ekip của Mai Phương Thúy và bản thân Mai Phương Thúy. Tức là, gu thẩm mỹ rất bình thường, trung bình và gu thẩm mỹ của quần chúng, cách hiểu của quần chúng cũng rất khắt khe, chưa công bằng. Vì thế mới xảy ra chuyện tranh luận về bộ ảnh của Mai Phương Thúy.
Tôi có thể nói bộ ảnh của Mai Phương Thúy là một bộ ảnh bình thường, không đẹp, không gợi cảm và cũng không dung tục. Với tư cách là một người xem, tôi cũng không phản ứng chuyện đó. Mọi người cứ tưởng nhầm rằng đó là một bộ ảnh gợi cảm quá mức, có thể dùng với từ gợi dục, nhưng không phải.
Vấn đề nằm ở chỗ Mai Phương Thúy dù sao vẫn là một cô gái đẹp, một cô gái đẹp chưa hẳn là một cô gái hiểu biết, chưa hẳn là một nghệ sĩ, chưa hẳn là một người có nội tâm trong cách suy nghĩ.
Và một nhiếp ảnh gia Quốc Huy cũng là người có gu thẩm mỹ tầm tầm, giống như Thái Phiên thì những bộ ảnh như thế, với tôi, tôi nghĩ giá trị không có gì cả, và nó chưa đến mức gợi dục. Đấy là cách nhìn của tôi.
"Đứng ở tư cách là một họa sĩ, tôi có thể nói bộ ảnh của Mai Phương Thúy là một bộ ảnh bình thường, không đẹp, không gợi cảm và cũng không dung tục"... |
PV: - Kể cả các cơ quan hữu trách cũng lúng túng không phân định được đâu là nghệ thuật còn đâu chỉ là nhân danh, giả danh nghệ thuật để đánh lừa công chúng. Theo tôi được biết, ngay cả nghệ thuật trừu tượng cũng không nhân danh bừa bãi như thế được. Anh nghĩ sao về điều này?
Họa sĩ Trần Nhật Thăng: - Cơ quan quản lý rõ ràng luôn luôn bị động trước dư luận, tại vì họ là người quản lý, họ không phải là người nghệ sĩ cọ xát thực sự với cuộc sống. Họ không phải là người sáng tạo thì nhiệm vụ của họ luôn luôn bị động.
Người này kêu điều này, điều nọ và họ bị động, chưa biết điều đó là đúng hay sai? Và tôi thông cảm với cơ quan quản lý vì sự bị động và một gu thẩm mỹ cũng tầm tầm.
Ngược lại, trường hợp này là trường hợp của ảnh Mai Phương Thúy với cả ekip đó cũng gây một sự bối rối. Bởi gu thẩm mỹ của nhóm đó cũng bị trục trặc, chưa chững chạc, chưa lên đến độ nghệ thuật và cũng chưa lên đến độ dung tục.
Có hai thái cực mà họ cũng chưa lên đến độ nào cả, cho nên mọi người mới tranh luận với nhau về sự kiện này.
Thực ra đây là một sự kiện nhạt nhẽo. Một cô Hoa hậu cao đẹp, một tà áo dài cũng cao đẹp, nhưng bằng gu thẩm mỹ của ekip chụp ảnh và bằng gu thẩm mỹ hạn chế của Mai Phương Thúy cho nên cô mới làm dáng đó.
Nếu Thúy có học hơn, có kinh nghiệm hơn và có gu thẩm mỹ hơn thì Thúy sẽ không tạo dáng đó hoặc khi tạo dáng đó xong Thúy cũng không cho phép bộ ảnh đó để công chúng biết.
Và tôi còn đọc ra những sự yếu kém của các nhiếp ảnh gia. Tôi rất nhớ bức ảnh cô Mai Phương Thúy quỳ một góc và chiếc nón làm tiền cảnh, đấy là một cách tạo hình rất ngô nghê, rất mẫu giáo trong tạo hình, không ra một điều gì cả.
Bằng tất cả những điều đó, tôi có khẳng định gu thẩm mỹ của ekip đó, thậm chí tay nghề của người chụp ảnh là chưa đạt.
PV: - Khi bộ ảnh xuất hiện, có hẳn một luồng ý kiến cho rằng tại sao những bức tranh dân gian như "Đánh ghen", "Hứng dừa"... cũng phô bày nét đẹp của phụ nữ mà không có gì là phản cảm, nhưng bộ ảnh Mai Phương Thúy lại bị dư luận phản ứng là dâm tục. Anh có nghĩ lập luận ấy là sự nhập nhèm giữa 2 khái niệm "dân gian" và nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân đương đại?
Họa sĩ Trần Nhật Thăng: - Tôi xin tái khẳng định lại là bộ ảnh của Mai Phương Thúy cũng không phải là dâm tục, nhưng bị quần chúng khoác vào cũng là do gu thẩm mỹ của ekip thực hiện bộ ảnh đó chưa đẹp.
Khi nó quá đẹp thì quần chúng không có ý kiến gì cả. Nhưng khi nó nhập nhèm thì một số quần chúng quá khích lại phản ứng về chuyện đó.
Áo dài của Mai Phương Thúy được họa sĩ Trần Nhật Thăng cho là ngô nghê và gu thẩm mỹ kém. |
Điều thứ hai không nên so sánh ở đây là vì đây là hai chuyện khác nhau. Như chuyện "Hứng dừa", "Đánh ghen" là những câu chuyện rất đơn giản, rất sòng phẳng. Nó đúc kết từ cuộc sống thường nhật, và người ta đã đưa lên tranh.
Những bức tranh đó là tranh Đông Hồ. Tết đến mỗi gia đình đều có thể mua một bức tranh này treo trong nhà. Đó là món ăn tinh thần mà cộng đồng đã chấp nhận. Đấy là một điều khẳng định. Còn điều này không thể so sánh với chuyện ảnh Mai Phương Thúy. Hai chuyện là khác nhau, không thể so sánh được.
PV: - Cá nhân anh, khi xem bộ ảnh Mai Phương Thúy, cảm giác của anh như thế nào? Nếu xét trên phương diện nghệ thuật thì bộ ảnh này là ảnh nghệ thuật như người ta tự xưng hay chỉ là giả danh nghệ thuật lừa mị người xem?
Họa sĩ Trần Nhật Thăng: - Tôi thấy thương cho Mai Phương Thúy và ekip ảnh bị vùi dập bởi vì họ chưa đến độ, và tôi cũng thấy thương cho quần chúng, cho những người xem bị quá khích. Tôi thấy thương cho cả hai bên.
Quần chúng cũng chưa có một sự bình an, chưa có một cái gì đó chuẩn mực, xúm vào chửi cũng oan cho Mai Phương Thúy. Nhưng nói ngược lại thì bộ ảnh đó với gu thẩm mỹ tàng tàng, bằng bằng vì thế mà Thúy bị chửi lại. Tôi nghĩ ở đây là lỗi của hai bên. Lỗi của ekip ảnh, lỗi của Mai Phương Thúy và sự hẹp hòi của quần chúng.
Tôi cũng không tin Mai Phương Thúy nói rằng đây là vì nghệ thuật, nếu cô nói như thế có thể là dối lòng mình. Thường những scandal như thế họ hay nói: Tôi vì nghệ thuật.
Nhưng vì nghệ thuật phải như thế nào? Vì nghệ thuật phải đúng cách như thế nào? Tôi phải chọn những ảnh đã làm ra, đã in ra, rửa ra và tôi cầm lấy. Tôi thống nhất là những ảnh nào được ra công chúng bằng gu thẩm mĩ và gu văn hóa của tôi, tôi cho phép những ảnh nào ra và những ảnh nào hủy. Nhưng Mai Phương Thúy không làm được điều đó.
Mai Phương Thúy để sơ hở và bộ ảnh này để chụp 4 năm rồi bây giờ mới ra, tung lên thêm và những bức thêm ấy mới gây ra dư luận, đấy là lỗi của Thúy. Đây là một hành động dại dột của một cô Hoa hậu.
Những cô Hoa hậu thường có hành động dại dột là chuyện bình thường, coi như một tai nạn nghề nghiệp với Thúy và tôi nghĩ rằng chắc là Thúy sẽ rút kinh nghiệm, sẽ hiểu hơn một chút để bảo trọng. Bởi tôi biết thế giới showbiz rất phức tạp và đời sống của mình thực ra là không cho mình nữa mà mình phải sống cho cộng đồng. Thậm chí rất vất vả, phải có một vỏ bọc.
Nhưng người nổi tiếng cũng nên hiểu là trong cộng đồng này, trong xã hội này vẫn còn nhiều người hiểu vấn đề một cách chính xác. Và họ đừng để người ưu tú, số ít ưu tú thất vọng về người ta.
Và theo tôi, đây là một bộ ảnh nghệ thuật chất lượng kém, có thể gọi là một cái gu tồi, một cách nhìn, một văn hóa thấp.
PV: - Là một nghệ sĩ luôn trăn trở với cái đẹp, luôn tìm tòi và thận trọng trong từng sáng tạo nghệ thuật. Cảm giác của anh ra sao khi những tác phẩm tự phong vị nghệ thuật xuất hiện ngày càng nhiều và thậm chí là bừa bãi khi chính bản thân nó chưa xứng đáng với nhân xưng này?
Họa sĩ Trần Nhật Thăng: - Tôi không dám khắt khe lắm trong câu chuyện này. Tôi có một hướng mở trong cách nghĩ, tức là mặt bằng văn hóa chung chỉ đến như thế thôi. Nếu mặt bằng văn hóa chung mà cao thì họ sẽ làm những điều tốt hơn. Và phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một mặt bằng văn hóa rất thấp, chúng ta bị o ép, bị lỗi mốt, bị lỡ tàu thì cái đó nó hợp cảnh.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói lại rằng phải cần có những tác phẩm xuất sắc và tốt để dìu dắt cộng đồng, để chúng ta cùng đi lên những cái đấy. Còn hiện giờ, những thứ nhân danh đó, nó cũng chỉ là những thứ tào lao. Và đó là điều nên sửa chữa.
PV: - Qua câu chuyện của Mai Phương Thúy cùng với bộ ảnh của cô, anh nghĩ gì về "người của công chúng", người của công chúng cần phải có những phẩm chất gì?
Họa sĩ Trần Nhật Thăng: - Người của công chúng là người có số phận vất vả. Tôi là một cá nhân và tôi cũng đã từng nổi tiếng. May là trong giới họa sĩ nó không bị phức tạp quá, không như showbiz.
Tôi có thể ra đường, tôi có thể ngồi bất kỳ ở đâu đó mà không ai nhận ra tôi, chỉ có những người trong giới nhận ra nhau. Và tôi cũng xin thông cảm, nhờ trời tôi có một số phận như thế. Tức là, vẫn được coi như là nổi tiếng mà vẫn được ngồi ăn bún ốc ngoài đường.
Nhưng nếu nói về những người trong showbiz thực sự, tôi muốn chia sẻ với các bạn đó những khó khăn trong cuộc sống. Các bạn bị chi phối bởi số phận của các bạn là số phận của mọi người. Các bạn không đủ thời gian, tâm lực để mà tập trung cho mình mà suốt ngày phải lo xã hội nhìn mình như thế nào?
Tôi xin gửi lời đến các bạn trong thế giới showbiz rằng tôi thương các bạn.
- Xin cảm ơn anh!
- Huyền Biển (Thực hiện)