Tài xế cứu thương kể chuyện bị chửi, chém vì...còi to

27/02/2012 10:48:53

- “Họ chửi, thậm chí chém lái xe cứu thương vì dám bật còi to làm cho họ...giật mình” là tâm sự của anh Nguyễn Quốc Quỳnh, lái xe cấp cứu của bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Anh Nguyễn Quốc Quỳnh, lái xe cấp cứu của bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Không phải cứ còi to là người ta cho vượt

Anh Quỳnh phàn nàn: Nhiều người dân dường như vẫn còn thờ ơ với việc phải nhường đường cho xe cứu thương. Họ coi đó không phải là việc của mình, trên xe cũng chẳng phải người nhà mình thì việc gì phải quan tâm, thậm chí có người còn tỏ ra khó chịu khi phải nhường đường. Không ít trường hợp người đi đường cố tình cản trở, quay lại cười cợt, chửi cả lái xe vì cái tội dám bật còi to làm họ... giật mình.

 
Đối với những người lái xe cứu thương thì sợ nhất là gặp “đám thanh niên choai choai” tóc xanh tóc đỏ, nhiều khi có còi ủ mà cũng không dám bật vì càng hú còi họ càng đánh võng trước đầu xe như trêu ngươi, nhất định không cho vượt, “rồi đột nhiên phanh kít một cái làm mình cũng phải phanh gấp, chỉ khổ bệnh nhân nằm đằng sau bị xô đi, rên rỉ”.
Xe cứu thương luôn sẵn sàng
Có lần anh Quỳnh đang chở bệnh nhân trên đường Đào Tấn còn bị hai thanh niên ép dừng hẳn xe rồi quay lại... cười. Khi yêu cầu họ tránh ra để xe cứu thương đưa bệnh nhân đi cấp cứu một người còn thản nhiên hỏi: “Đã chết chưa mà hú còi thế?”.
 
Chứng kiến thái độ xấc xược của hai thanh niên, không chỉ lái xe mà cả người nhà bệnh nhân cũng phải nổi nóng, nhẩy xuống xe muốn làm cho “ra chuyện”. Bác sĩ khuyên can mãi mới ngăn được vì nếu có xảy ra xô xát thì người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là bệnh nhân.
 
Bị chém vì dám bật còi ủ
 
“Bị chửi thì đã ăn thua gì, anh em bọn tôi chạy về các tỉnh còn bị chặn xe, bị ném đá, bị đánh, thậm chí bị chém”.
 
Anh Quỳnh chỉ một cậu đồng nghiệp giới thiệu: “Đây là Hải, một trong những người trẻ nhất trong đội nên thường xuyên được giao đi tỉnh và cũng thường xuyên bị hành hung. Hải cũng vừa xuất viện thôi. Hôm trước từ Ninh Bình đưa bệnh nhân lên, giữa đường, chỉ vì bật còi ủ xin vượt mà bị chặn lại, bị chém. Bây giờ cánh tay vẫn còn chưa tháo đinh ra đâu. Đưa người bệnh đi cấp cứu cuối cùng chính mình cũng phải đi cấp cứu, nghĩ mà cũng thấy xót xa”.
 
Nhiều xe khách cũng tai quái lắm. Đường quốc lộ quang nhưng họ nhất định không cho vượt. Mình đi bên phải họ đánh xe sang phải, mình vượt qua trái họ đánh lái sang trái không làm sao mà qua được, đành phải cho xe chạy chầm chậm phía sau tới gần chục cây số, đến lúc họ rẽ đường khác thì mình mới lại tăng tốc đi tiếp được.
 
Xe trâu kéo xe cứu thương
 
Có lần đưa người bệnh về, đường vào xấu quá gầm xe bị đập xuống đất liên tục, vào được đến nơi thì xe hỏng, lại ở giữa rừng núi hoang vu chả biết làm thế nào. Cuối cùng gia đình họ đành phải đánh xe trâu kéo xe cứu thương ra ngoài. Nghĩ lại cũng buồn cười, mình mang xe cứu thương đưa họ về thì họ lại mang xe trâu đưa mình ra.

Rồi có những lần vào sâu, toàn đường đất, trời mưa, xe bị vướng vũng lầy không làm sao thoát được. Thế là dù trời mưa rét nhưng cả nhà họ chạy ra sắn quần, lội bùn đẩy xe cho mình thoát qua vũng lầy. Những lúc như thế cảm động lắm, mình lại thấy yêu công việc này hơn.
 
Những chuyện mới nghe qua tưởng như đùa nhưng đó lại là những trăn trở của người lái xe cứu thương. Làm sao đưa người bệnh đi cấp cứu một cách nhanh nhất mà vẫn không bị chửi, bị ném đá, bị đánh, bị chém dường như là một vấn đề quá khó mà chỉ có thể chọn một trong hai.
 
 B.A.U
  
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.