Nguyễn Khoa Điềm: “Tôi sống cùng người, chết vì người” (I)
(Nghệ thuật mới) - Tôi không biết những năm nắm quyền lực lớn, ông đã có những công tích gì, những sai sót gì; hẳn là ở những nơi như vậy, người ta khó tránh khỏi thị phi. Nhưng điều ấy nằm ngoài sự quan tâm của tôi. Nguyễn Khoa Điềm, trước hết và sau cùng, ông là nhà thơ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng & Văn hóa Trung ương.
Tôi không biết những năm nắm quyền lực lớn, ông đã có những công tích gì, những sai sót gì; hẳn là ở những nơi như vậy, người ta khó tránh khỏi thị phi. Nhưng điều ấy nằm ngoài sự quan tâm của tôi. Nguyễn Khoa Điềm, trước hết và sau cùng, ông là nhà thơ.
Với nhà thơ, tôi muốn nghe ông nói về sinh mệnh của thi ca; những phép tắc ứng xử với thơ và thi pháp của nó.
Chẳng hạn, trong hòa bình thì tinh thần chiến sĩ của thơ là xây dựng nhân cách Việt, tôi đọc được điều đó trong bài ông mới cho in ở báo Văn nghệ và chính nó đã đưa tới đề nghị rồi được ông chấp nhận cuộc trò chuyện này.
Trong khi trao đổi, như thói thường, tôi vừa nghe trả lời vừa đọc trong tâm trí những câu thơ của ông, xin đặt trong các BOX để cùng chia sẻ với bạn đọc.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm |
“Không bao giờ dùng thơ làm cái loa phát ngôn…”
Văn Chinh (VC): Thưa ông, trong Thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển tập 40 năm do tác giả tự chọn, ông có nói về ba mùa thơ của mình:
“Mùa kháng chiến, mùa hòa bình và mùa trở lại vườn cũ trong tư cách một người nghỉ hưu.” Nhưng ở “mùa hòa bình” ông có đến 20 năm làm cán bộ cao cấp, lẽ ra cần có một mùa nữa, mùa cán bộ?
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (NT.NKĐ): Đúng là tôi có làm chính trị một thời gian dài, và như người ta thường nói, “xay lúa khỏi bồng em”. Trong thời gian ấy, chỉ khi có hứng mới làm và chỉ làm thơ. Không bao giờ dùng thơ làm cái loa phát ngôn cho những nhiệm vụ và công tác chính trị.
Một lý do nữa là thời gian đó tôi cũng ít đưa in thơ. Nên khó gọi là một mùa. Tôi có một hình dung vui vui, mình như con dơi, chuột không nhận là chuột, chim không coi là chim.
Anh em làm chính trị thì bảo mình là nhà thơ, anh em nhà thơ thì lại bảo mình là nhà chính trị. Đồng nghiệp nào thương coi mình là nhà thơ thì mình biết và cảm ơn, không thì đành chịu.
Em mọc trên sườn núi ấy
Những năm chiến tranh
Đầy buồn vui can đảm
Trải bóng rộng đến bây giờ
Qua bao đớn đau mùa thay lá
Có thể nào khác được
Có thể nào em bật gốc giữa hồn anh
VC: Có hai nét khác biệt giữa ông và người tiền bối Tố Hữu, Tố Hữu, nhà cách mạng làm thơ, Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành làm chính trị.
Ông cũng có một nét khác biệt nữa, là cùng sinh ở Huế, nhưng thơ ông ít chữ, ít vần còn thơ Tố Hữu thì thừa vần: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”mang đặc trưng ngữ điệu Huế - nơi từng là kinh đô với rất nhiều nghi thức phép tắc.
Phải chăng, những năm thơ bé ăn học ở miền Bắc đã khiến ông có dịp học lời ăn tiếng nói của dân, còn nhà thơ Tố Hữu thì ra Bắc là làm ngay lãnh đạo đã làm nên khác biệt?
NT.NKĐ: Tố Hữu cũng như nhiều nhà thơ về sau, trong đó có tôi, vẫn dùng thi pháp của Thơ Mới. Nhưng có lẽ không nên đặt vấn đề như thế?
VC: Thưa ông, tôi hiểu đây là vấn đề tế nhị, người Việt mình có nhiều điều kiêng kỵ, nhất là khi nói về những giá trị đã vào lịch sử. Tôi cũng đồng ý với văn học sử, Tố Hữu là một nhà thơ lớn của cách mạng, nhưng những cái chưa hay, còn là nhược điểm thì cần chỉ ra.
Vì rằng đời sống còn tiếp tục và nếu đời sống còn phải chịu đựng có những nhà thơ làm cán bộ cao cấp in tới 80 bài thơ trong một mùa báo Tết thì việc ít in thơ, không dùng thơ như một cái loa cho nhiệm vụ & công tác chính trị khi còn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin và Trưởng ban Tư tưởng văn hóa TW của ông là một cư xử với thơ rất đáng ghi lại.
Bởi vì nếu thơ quyền uy được tế nhị cho qua thì sẽ nói sao về thơ của những kẻ lắm tiền bây giờ, họ dùng đồng tiền làm giám đốc công nghệ lăng xê, âu cũng là biến thể của nó?
Có lẽ, để thơ được tôn vinh trở lại, như một thời cả nước đọc thơ Tố Hữu, thơ Phạm Tiến Duật, đọc Đất nước, Những người đi tới biển và Đường tới thành phố… thì các nhà thơ cần chịu sự phê bình, bất kể họ là ai?
NT.NKĐ: Cái khó của thơ là nó cần ảo diệu, hướng vào trong, nhiều khi như một mật ngữ như thơ Hai Kư của Nhật Bản nhưng phải lay động cộng đồng, lay động sâu xa.
Một thời vận động cách mạng, một thời đánh giặc, lại một thời xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy quan liêu bao cấp, thơ đã được sử dụng công cụ - những vật rẻ tiền mau hỏng, như quang trành ky sọt trên công trường; tạo nên rất nhiều sức ép nội tâm cho các nhà thơ.
Các nhà thơ phải hy sinh nghệ thuật cho thơ dễ hiểu, dễ phổ biến và về những việc cổ vũ trước mắt. Nhân cách bị uốn là cái chết của thơ. Những kêu gọi sáo mòn “Vòng ngụy trang bao lần thay lá mới” được ngâm được hát ở nhiều nơi, có thể duy trì tình yêu thơ ca nhưng nó cũng dễ làm bằng lòng và cuối cùng là hạ thấp sinh mệnh của thơ.
Nhà thơ là chiến sĩ, rất đúng; nhưng sử dụng nó hồ đồ là chết người ta. Phạm Tiến Duật khi viết Vòng trắng là đi tìm cách nói khác về chiến tranh, thì bị ngay vì chúng ta hiểu tính chiến sĩ của nhà thơ không đúng. Ví như khi hòa bình thì tinh thần chiến sĩ của nhà thơ không cần nữa sao?
VC: Vâng, trong hòa bình thì tinh thần chiến sĩ của thơ là xây dựng nhân cách Việt, tôi đọc được điều đó trong bài ông mới cho in ở Văn nghệ và chính nó đã đưa tới đề nghị rồi được ông chấp nhận cuộc trò chuyện này.
Đó là một tiểu luận cô đúc chặt chẽ đến mức rất khó tóm lược, nhưng nếu đề nghị ông chọn một đoạn văn tâm đắc nhất, ông sẽ chọn đoạn nào?
NT.NKĐ: Có lẽ chúng ta sẽ chọn: “Nhớ lại những năm 30 của thế kỷ trước, ta mất tự do độc lập, đó là nỗi đau lớn của mỗi người Việt.
Tuy nhiên lật lại hàng chục tờ báo ngày đó chúng ta không thấy người Việt có vấn đề nhân cách, đạo đức, lối sống gay gắt như bây giờ hoặc nếu có thì cũng bị phê phán không thương tiếc.
Phải chăng với nhân cách cứng mạnh đó cộng thêm lòng yêu nước được phát động mà dân ta quật khởi đập tan ách thực dân và bộ máy phong kiến vào năm 1945?
Ngày đó, có biết bao bậc sĩ phu, những nhà nho yêu nước, những người cộng sản, những trí thức lỗi lạc, những nhà văn, những nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo đã làm việc hết mình vì phẩm chất và nhân cách Việt để có một dân tộc đầy súc mạnh, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ?
Tôi nghĩ đời nào cũng vậy, giáo dục lòng yêu nước và xây dựng nhân cách Việt là vấn đề có ý nghĩa
Hung bạo trên mạng trên sàn diễn, trong lớp học
Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố
(…)
Tôi thương xót những nhà khoa học không đủ sức chống lại ngọn roi hung bạo
Tôi thương xót nhiều hơn cho chính nước tôi
VC: Như ông vừa nói, “thơ cần tôn trọng nhân cách, tôn trọng lựa chọn và tìm tòi”. Thơ từ khởi thủy là Tự do nói về khát vọng Tự do, về Tình yêu, lẽ Công bằng cùng lòng Bác ái; chỉ với Tự do, nó mới mong làm tròn sinh mệnh Tự do của mình.
Nhưng thật lạ là trong tập thơ Cõi lặng, ông cũng dè dặt, không dám nói hết hoặc lảng tránh, hệt như chúng tôi. Vì sao vậy?
NT.NKĐ: Nghịch lý này tích lũy qua nhiều thời cần hy sinh tất cả cho cộng đồng, chúng ta quên con người. Ở đây cần thống nhất một sự thật lịch sử; Chủ nghĩa xã hội là lựa chọn của chúng ta, lựa chọn với rất nhiều xương máu – là lựa chọn đúng.
Nhưng bản chất của CNXH là quan tâm đến số đông nhân quần, chỉ tiếc về sau nó bị lái dần vào khuôn khổ chủ nghĩa Stalin, chính Mark không giải thích đơn giản về đấu tranh giai cấp như chúng ta thường nhấn mạnh.
Chủ nghĩa Stalin dùng tăng trưởng làm thước đo cho tính hơn hẳn của CNXH nên hy sinh tất cả cho con số tăng trưởng, không thấy con người; lấy mục đích (thực ra mới chỉ là lý tưởng.VC) biện minh cho phương tiện, con người bị vứt bỏ tàn nhẫn.
Marx chủ trương cách mạng vì ông thấy chủ nghĩa tư bản thế kỷ XVIII dã man với số đông nhân quần, chỉ quan tâm đến lợi nhuận của nhà tư bản và vì nó kéo quá dài. Từ trong sâu thẳm, con người không chịu được cái cũ quá lâu, nhất là cái cũ xấu và ác; xã hội cũng thế.
CNTB sau thời kỳ đổi mới do sức ép của CNXH, quan tâm đến lợi ích của người lao động hơn, nhưng bản chất của nó là quan tâm lợi nhuận cho chính nó, hiện nó lại lâm vào khủng hoảng, phố Wall tràn ngập người biểu tình là vì vậy.
Chúng ta, sau thời gian đầu đổi mới tích cực, khiến con người được giải phóng, rất náo nức phấn khỏi nhưng cũng đang dần bộc lộ những khuyết điểm. Ấy là tất cả cho GDP, vẫn không nhớ con người, người dân vẫn lao đao.
Nông dân bị lấy đất làm sân golf vô tội vạ. Mà hình như người ta định làm gì ấy chứ, sân golf thì cần gì nhiều đến thế? Nhiều người ngây thơ, coi dân là của mình, luôn luôn đứng về phía mình là duy tâm chủ quan. Trí thức không thể không lo ngại về ngộ nhận ấy.
Rồi có một ngày
Có một người tốt
Bước ra từ lịch sử
Nói về cái tốt bị bỏ quên
(Mời bạn đọc tiếp tục cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vào kỳ sau )
(Kỳ II: Nguyễn Khoa Điềm: “Tôi sống cùng người, chết vì người” )
- Theo Văn Chinh/ Nghệ Thuật Mới