Trang chủ >> Thời sự >> Tin tứcThứ ba, 06/03/12-1:04 AM
Lãnh đạo của chúng ta rất khá, nếu xét về bằng cấp

LĐTĐ -  "Hẳn là không phải đến giờ mới có sai phạm, nhưng vì bây giờ người ta mới rờ đến nên mới xử lý. Điều này liên quan đến năng lực gồm cả đạo đức và kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, nằm trong một hệ thống", đó là chia sẻ của TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia khi nói về sự kiện 8 chủ tịch tỉnh bị kiểm điểm do báo cáo sai thiệt hại năm 2009.

 

TS Nguyễn Khắc Hùng.
TS Nguyễn Khắc Hùng.

Không "với tay" được hết\\

8 vị lãnh đạo là chủ tịch của 8 tỉnh vừa nhận quyết định kiểm điểm của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo sai thiệt hại năm 2009, phân bổ kinh phí chậm, sử dụng sai mục đích, không đúng quy định, hỗ trợ sai người... Ông đánh giá về việc này như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng, trong việc này có những mặt ưu điểm về sự công khai minh bạch tốt hơn về quản lý Nhà nước. Thủ tướng đã thể hiện vai trò của người đứng đầu hệ thống hành chính rất tốt. Và hẳn trong 8 tỉnh đó thì chắc chắn chủ tịch tỉnh có sai sót. Sai sót đó đánh giá từ 3 góc độ là: Điều hành, cách thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan.

Phải chăng một mình vị lãnh đạo không thể "ôm" hết việc mới dẫn đến sai sót?
Có người đứng đầu, nhưng trong nhiều việc vẫn thực hiện theo chế độ tập thể. Nhiều khi họ không "với tay" được hết. Ở một số tỉnh, có thể người đứng đầu không sâu sát được đến từng lĩnh vực như thế. Nó đặt ra vấn đề về khoa học quản lý, về lãnh đạo tập thể và vai trò của người đứng đầu. Sự việc trên đã thể hiện bản chất của cách thức vận hành của bộ máy hiện nay.

Phải chăng bây giờ mới có hiện tượng này thưa ông?
Theo tôi, những sự việc này không phải đơn lẻ và chắc chắn là không phải đến bây giờ mới có. Chẳng qua là bây giờ mới lộ ra.

Chưa được trang bị năng lực xử lý đột biến

Theo ông nguyên nhân là do năng lực hay do đạo đức của cán bộ?

Nếu nói cho khách quan thì phải xét nhiều thứ. Lãnh đạo có vấn đề về năng lực, đây không chỉ riêng kiến thức mà gồm cả các kỹ năng điều hành, cả hành vi thái độ. Hơn nữa, bản thân tiếng nói của người dân, tiếng nói của doanh nghiệp... chưa đủ để tạo ra những sự việc như vụ Đoàn Văn Vươn vừa rồi.

Theo ông, tại sao người dân lại ít thể hiện trong khi đó là quyền lợi của chính họ?

Không hẳn là ít thể hiện. Có một số người dân nào đó, mức độ dân trí của họ cũng chưa đến tầm thể hiện chính kiến. Rồi người ta lo sợ. Thực ra như tôi cũng thế, ai cũng phải chăm lo cuộc sống của mình.

Trong thiên tai thì nạn nhân chủ yếu là người nghèo, nên nhiều khi tiếng nói của họ không đến nơi. Rồi bản thân năng lực của chính quyền nơi đó cũng không thể cao được.

Ông đánh giá thế nào về hiện tượng cán bộ ăn chặn tiền trợ cấp, chỉ trợ cấp người quen, đem gạo mốc, mỳ tôm hết hạn... đi trợ cấp?
 
Đạo đức khi đó liên quan đến lợi ích cá nhân. Thậm chí nhiều người có vai trò hỗ trợ nhưng lại đi vun vén cho chính  mình. Đạo đức xuất phát từ lợi ích. Khi năng lực đó kém thì hành động cũng kém theo.

Có người cho rằng, vai trò của lãnh đạo các cấp trong thiên tai bất thường không được thể hiện, vì sao thưa ông?
 
Đó là một quá trình liên quan đến nhiều yếu tố. Nó liên quan đến vai trò lãnh đạo đặc biệt trong quản lý sự thay đổi và quản lý tình trạng khủng hoảng. Khi đã lên đến vị trí là chủ tịch tỉnh, có nhiều đòi hỏi được đặt ra. Lập trường tư tưởng chính trị không nói, nhưng về năng lực điều hành thì thực sự bấy lâu nay tôi đi dạy lãnh đạo và quản lý thì thấy nó có vấn đề. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa nhưng lại phải xử lý được công việc cụ thể. Nhiều lãnh đạo của chúng ta hiện nay chưa được trang bị đầy đủ năng lực xử lý tình trạng đột biến, khủng hoảng mới dẫn đến tình trạng này.

Năng lực có vấn đề, ông có thể nói cụ thể hơn?
 
Câu chuyện về các gia đình bị thiên tai là một ví dụ. Giả sử như TPHCM bị triều cường dâng lên 50cm nữa thì xử lý thế nào? Nước mình chưa có một chương trình nào để làm những việc như vậy. Kể cả các chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng thiếu mảng này.

Trình độ tiến sĩ hàm thứ trưởng cao gấp 5 lần Nhật Bản
 
Ông tiếp xúc nhiều với cán bộ lãnh đạo, ông thấy họ thừa và thiếu điều gì?
 
Hiện nay, đối với cán bộ công chức, cái chúng ta nói đến nhiều là năng lực. Chưa có một đánh giá toàn diện, nhưng nếu xét về kiến thức dựa trên bằng cấp thì lãnh đạo của chúng ta rất khá!

Khá về kiến thức hay về bằng cấp thưa ông?
 
Một số liệu tôi đọc được, trong bộ máy của chúng ta, hàm thứ trưởng trở lên thì số người có trình độ tiến sĩ cao gấp 5 lần Nhật Bản. Nhưng xét về hiệu lực và hiệu quả quản lý thì chắc là mình không thể so sánh được. Chắc hẳn đã có nhiều người nói về hệ thống đào tạo, mua danh bán tước, cái này tôi không bàn.

Có phải ý ông là dù trình độ theo bằng cấp thì cao nhưng khả năng và hiệu quả thực tế thì lại kém?
 
Đúng thế, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân là chúng ta còn thiếu các kỹ năng mềm. Các kỹ năng lãnh đạo và quản lý có rất nhiều như kỹ năng quản lý chiến lược, đưa ra mục tiêu chiến lược chuẩn, kỹ năng xử lý những tình huống khẩn cấp, quản lý sự thay đổi... Không thể đòi hỏi một vị lãnh đạo phải học hết, nhưng hy vọng trước khi làm lãnh đạo thì anh phải được trang bị những cái đó thì anh mới có đầy đủ công cụ để lãnh đạo. Chứ kiến thức giờ nặng về lý luận quá.

Nhưng trở lại vụ việc vừa nói ở trên, thì vấn đề không chỉ là năng lực, mà còn là đạo đức của cán bộ?
 
Trong năng lực còn có vế hành vi và thái độ. Vì sao vẫn có những vụ như ông Nguyễn Trường Tô? Như vậy là chúng ta đang có những lỗi về mặt hệ thống.

Sau này tôi sẽ rút kinh nghiệm!
 
Theo ông thì thời điểm này, kiểm điểm cùng lúc 8 chủ tịch tỉnh nói lên điều gì?
 
Theo tôi đây là một trong những bước tiến rõ rệt của việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Như vụ Tiên Lãng vừa qua chẳng hạn. Vụ việc chỉ ở một huyện nhưng cái tầm của nó rất cao. Tôi hy vọng chúng ta sẽ duy trì được điều này để củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền.

Theo ông,  sau vụ việc này thì liệu các quan chức có làm tốt hơn vài trò của mình?
 
Chắc chắn rồi, nhưng nó cũng có khả năng thứ hai là họ sẽ đối phó tốt hơn (cười). Tôi mong sẽ có sự biến chuyển tích cực hơn.
 
Còn cái khả năng thứ 2, là chỗ này chỗ kia người này người khác sẽ nghĩ rằng: Qua những vụ như vậy thì sau này tôi sẽ rút kinh nghiệm, tôi sẽ...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Bee.net