Núi rừng Tây Bắc, nơi “rừng thiêng nước độc” là nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc ít người: Tày, Nùng, Dao, Thái… Nét sinh hoạt truyền thống và tín ngưỡng văn hóa đặc trưng là một điều huyền bí tạo nên sự tò mò, thán phục đối với những con người từng đặt chân đến đây. Đặc biệt, niềm tin vào thầy “mo”, thầy “mằn” với những câu bùa chú là một bí ẩn mà trải qua biết bao thời gian khoa học vẫn chưa tìm được lời giải đáp…
Đi tìm truyền nhân làm bùa
Vượt qua những con đường dốc đá và hàng chục km đường rừng là nơi ở của thầy bùa Hà Thị Kim Cự ( Xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái ). Thầy nói tôi may mắn hôm nay đi vào ngày tốt nên mới gặp, bởi thông thường thầy lên núi hái thuốc Nam đến tối muộn mới về, nhiều khi thầy ngủ đêm trên núi.
Vừa rót nước lá mời khách thầy vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện về sự huyền bí của những lời bùa chú. Qua mấy chục năm học bùa và làm bùa thầy Cự vẫn chưa hiểu hết được những bí ẩn của nó. Nói về bùa chú, thầy Cự giảng giải: “Mỗi dân tộc có một cách làm bùa và sử dụng bùa khác nhau. Tên gọi của nó ở mỗi dân tộc cũng khác, như người Thái gọi bùa chú là “chài”, người Tày gọi nó là “mằn”, một số dân tộc lại gọi là “hèm”.. Một số bùa chú sinh ra với tác dụng rất tốt nhưng có những loại được tạo nên chỉ với mục đích xấu là yểm bùa gây hại”
Thầy Cự là người dân tộc Tày nên cư dân địa phương vẫn thường gọi thầy là “mằn” Cự hay thầy “mằn”. Thường thì thầy “mằn” Cự chỉ làm bùa cho người dân quanh vùng. Nhưng cũng có những người ở xa tận Tuyên Quang, Lào Cai xuống nếu thấy được thầy cũng sẵn sàng giúp đỡ. Loại “mằn” thầy Cự hay làm nhất là “mằn” thuốc, ngoài ra cũng còn các loại mằn khác: “mằn” yêu, “mằn”ghét, “mằn” say.. nhưng những loại này thầy ít khi sử dụng vì nó có thể gây hại.
|
Thầy bùa Kim Cự đang chuẩn bị công cụ làm “mằn” thuốc. |
Hiện nay, số lượng những thầy biết sử dụng bùa chú làm “mằn” là rất ít, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Một phần vì mỗi thầy chỉ truyền nghề lại cho duy nhất một người và tiêu chuẩn để truyền nghề cũng rất khắt khe, nếu thấy không phù hợp thầy “mằn” sẽ mang theo bí ẩn về bùa chú suốt đời mà không truyền lại cho bất cứ ai. Một số thầy “mằn” lựa chọn cho mình cuộc sống ẩn dật, bình dị nên nhiều khi những người sống xung quanh cũng không biết đến sự tồn tại và khả năng của thầy.
Những câu chuyện bí ẩn về tác dụng của bùa thì nhiều người được nghe kể nhưng việc làm bùa như thế nào, sử dụng nó ra sao thì rất ít người biết. Theo lời thầy Cự thì nguyên nhân của việc đó một phần thầy bùa không truyền nghề cho người ngoài và cũng giữ rất kín phương thức làm bùa của mình. Bùa có thể sử dụng vào việc tốt như chữa bệnh cứu người nhưng nếu rơi vào tay những người không có đức, không biết cách sử dụng thì nó cũng có thể là gây ra những hậu quả vô cùng lớn.
Bí ẩn câu bùa trong cổ họng
Để thực hiện bùa chú nói chung hay làm “mằn” của người Tày nói riêng cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Trước khi thực hiện, thầy cần được biết tên tuổi, địa chỉ, lý do cần xin “mằn”. Nếu là “mằn” thuốc, thầy cần biết thêm triệu chứng, vị trí phát bệnh và thời gian bệnh xảy ra bao lâu. Đối với “mằn” yêu, thầy cần có thêm các vật hỗ trợ: tóc, vật dụng cá nhân của đối phương... Ngoài ra, thầy còn tự mình chuẩn bị các dụng cụ khác: Nước suối, đá cuội, sỏi, gạo, cơm nếp hoặc lá cây hái trên núi... những thứ này thầy thường tìm kiếm và trữ sẵn trong nhà để dùng trong những lúc cần.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết, thầy “mằn” bắt đầu công việc làm bùa chú của mình. Tuy nhiên, trước khi làm bùa thầy cần “xông” mình bằng nước lá thơm, việc đó theo thầy là để giữ mình sạch sẽ và rũ bỏ bụi trần từ những công việc thường ngày. Điều đầu tiên thầy “mằn” luôn phải làm là khấn vái tổ tiên, những thầy “mằn” đi trước đã truyền nghề lại cho mình. Sau đó, thầy đặt trước mặt những vật dụng đã được chuẩn bị và gọi tên người đến xin “mằn”, thầy xin tổ tiên chứng giám và giúp đỡ để thầy thực hiện bài “mằn” thành công.
Sau đó, thầy nín hơi, mím chặt môi và đọc những câu bùa chú trong vòm miệng và cổ họng. Tất cả những câu bùa này thầy nói bằng tiếng Tày và không để lộ người khác nghe thấy. Thầy nói rằng: “Những câu bùa chú này là bí mật nên thầy không thể tiết lộ”. Sau khi khấn câu bùa xong, thầy sẽ thổi hơi vào các vật hỗ trợ ( cũng có thể gọi là vật trung gian ) và gói lại cẩn thận.
Thổi bùa vào các vật hỗ trợ xong thì việc cuối cùng phải làm là cho vật hỗ trợ đó tiếp xúc với người cần sử dụng mằn, theo lời thầy Cự thì: “ Bắt buộc những vật này phải tiếp xúc được với người cần sử dụng thì “mằn” mới phát huy tác dụng. Nếu là nước có thể sử dụng để uống, tưới lên người, đá cuội hay sỏi dùng để búng về phía người sử dụng “mằn”, gạo thì dùng để rắc ra xung quanh còn cơm nếp (khi làm “mằn” yêu) thì được dính vào sợi tóc của hai người rồi mang giấu đi, cũng có thể dùng nó đặt lên đầu giường.
Ngoài ra, đối với “mằn” yêu hay “mằn” bệnh, thầy “mằn” có thể thổi trực tiếp bùa chú vào vị trí bị bệnh hay vào tay (áp dụng với “mằn” yêu). Nếu thổi vào tay, “mằn” chỉ phát huy tác dụng nếu cánh tay đó được quàng vào vai hay chạm được vào người của đối phương, nếu để phát hiện hoặc phản đối thí “mằn” yêu đó phải bỏ đi. Hiệu quả làm “mằn” cũng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của thầy và sự thành tâm của người đến xin, thầy Cự không chắc chắn tất cả “mằn” mình làm sẽ cho hiệu quả tuyệt đối nhưng thành công của nó theo thầy có thể lên tới bảy hoặc tám phần ( 70-80%).
Những bí ẩn xung quanh câu bùa chú vẫn là điều chưa thể giải thích. Từ đời này qua đời khác, người dân tộc Tày khi có bệnh vẫn tìm đến thầy Cự để xin “mằn”. Rất nhiều câu chuyện vẫn được người đời truyền tai về sự thần kì của những câu bùa chú. Những trường hợp gia súc bị bệnh lở loét tưởng không cứu được, thầy “mằn” đến àm bùa rồi những con bọ từ viết thương cứ thế chui ra, chết rồi rơi xuống lả tả dưới chân. Hay những người dân bị bệnh bướu cổ, u to phình hay bên má rồi nhờ thầy cũng xẹp xuống và lành bệnh. Những đôi trai gái không đến được với nhau, những gia đình xa cách đến xin “mằn” yêu của thầy rồi cũng được tác hợp và đoàn đụ. Tất cả những câu chuyện đó làm nên sự bí ẩn về một tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh huyền bí mà khoa học vẫn chưa thể lý giải.
Chí Dũng (PLVN)