Thứ tư, 7/3/2012, 16:57 GMT+7

'Nhiều đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập'

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
> Hơn 400 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng

Sáng 7/3, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho hay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng. Mới đây, Nghị quyết Trung ương 4 cũng xác định các nhóm biện pháp hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

5 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những chuyển biến, kết quả cụ thể nhưng theo Thủ tướng, công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi, gây bức xúc dư luận, và là thách thức lớn đối với vai trò của Đảng.

Do đó, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đảng chính quyền, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị cần hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý đất đai khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công bởi còn nhiều kẽ hở cho lãng phí, tham nhũng. Đồng thời, cần công khai, dân chủ, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm và khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

"Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng, công khai, phù hợp về tiền lương, đất đai nhà ở cho cán bộ bởi đây là điều kiện hết sức quan trọng để giữ gìn phẩm chất đạo đức. Cần làm trong sạch bộ máy của các cơ quan bảo vệ pháp luật, giúp hoạt động có hiệu quả để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hội nghị có trách nhiệm phân tích, làm rõ mặt hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng. Từ đó thảo luận, đề ra các biện pháp khắc phục nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tiếp theo.

Ảnh: Tiến Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Tiến Dũng.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trong nhiệm kỳ qua, các cấp ủy Đảng đã kiểm tra hơn một triệu đảng viên, phát hiện gần 11.600 đảng viên vi phạm, kỷ luật gần 3.000 người. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý 4 ủy viên Trung ương Đảng (nhiệm kỳ 10), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự Đảng các tỉnh thành bộ, ngành và 2 bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Đồng thời, cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố gần 1.500 vụ án tham nhũng với hơn 3.100 bị can; truy tố 1.600 vụ, gần 3.900 bị can; xét xử 1.455 vụ, gần 3.400 bị cáo. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh như vụ Mai Văn Dâu, Huỳnh Ngọc Sỹ...

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, một số tỉnh ủy, thành ủy có biểu hiện buông lỏng việc chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Không ít người phát hiện, tố cáo tham nhũng bị đe dọa, trả thù nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

"Nhiều đảng viên, cán bộ có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống, nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh làm rõ. Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng chạy chức, chạy quyền. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 vẫn chỉ là cá biệt", ông Phúc nói.

Theo ông Phó ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm vẫn chưa đi vào cuộc sống; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm, chỉ xử lý lãnh đạo trực tiếp hoặc liên đới thực hiện hành vi tham nhũng; nhiều nơi còn nể nang, né tránh trong việc xử lý người đứng đầu.

Ảnh: Tiến Dũng.
Các đại biểu dự hội nghị là lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh, thành phố... Ảnh: Tiến Dũng.

Hơn nữa, việc kê khai tài sản, thu nhập tuy được thực hiện, nhưng tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn thấp bởi việc kê khai còn thiếu trung thực, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi; và Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và những tài sản có giá trị lớn.

"Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong 5 năm có xu hướng giảm trong khi thực trạng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Ít vụ được phát hiện và xử lý qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào trong 5 năm", ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thủ tướng, các vụ tham nhũng quy mô lớn được phát hiện và xử lý còn ít, một số vụ cho hoãn xét xử, đình chỉ vụ án, cho bị can tại ngoại thiếu căn cứ thuyết phục. Nhiều vụ có xu hướng giảm dần về tội danh, tính nghiêm trọng của tội phạm, giảm dần số bị can, bị cáo; nhiều vụ được đình chỉ, miễn xử lý hình sự; số bị cáo cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao.

"Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao và diễn biến phức tạp là quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tín dụng, ngân hàng...", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm.

Trước nhiều ý kiến đề nghị kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cơ quan này đề nghị Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến về việc lựa chọn một trong 6 mô hình sau:

(1): Giữ mô hình Ban chỉ đạo như hiện nay, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, song cần hoàn thiện thêm về cơ chế hoạt động và bổ sung số thành viên kể cả chuyên trách và kiêm nhiệm.
(2): Ban chỉ đạo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo để đảm bảo thuận lợi trong việc chỉ đạo các cơ quan tư pháp đối với việc xử lý các vụ án tham nhũng và xử lý cán bộ, đảng viên.
(3): Ban chỉ đạo do Chủ tịch nước đứng đầu.
(4): Ban chỉ đạo do Quốc hội trực tiếp chỉ đạo.
(5): Hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
(6): Chuyển ban chỉ đạo thành Ủy ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, với việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ theo hướng tăng thẩm quyền.

Tiến Dũng

Bình thường

Nếu không thu nhập bất minh thì tội gì các ông ấy lại làm việc. Chủ tịch xã lương 1 tháng bao nhiêu mà các ông ấy thân hình phốp pháp nhà cửa ngon lành tiền xài xả láng, tiệc tùng linh đình. Đề nghị chính phủ xem xét lại cần khai trừ ngay.

Chủ tịch nước đứng đầu Ủy ban

Nên thành lập Uỷ ban Phòng chống tham nhũng do Chủ tịch nước đứng đầu. Uỷ ban này ngoài quyền điều tra cần có thêm quyền xử lý như cách chức, đình chỉ công tác... ngay khi có kết luận điều tra đồng thời công bố rộng rãi trước công luận về kết quả điều tra và xử lý vụ việc. Tránh tình trạng điều tra xong rồi báo cáo chuyển lên trên hay sang các cơ quan chuyên trách, khiến vụ việc nhiều khi bị "chìm xuồng" hoặc xử lý chậm chạp làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.

Muốn chống tham nhũng phải minh bạch tài sản

Muốn chống tham nhũng Đảng viên, công chức phải minh bạch tài sản. Muốn chống được tham nhũng thì lương cán bộ công chức Nhà nước phải đủ sống, đủ trang trải các chi phí và có tích luỹ, bộ máy nhà nước phải tinh giản gọn nhẹ, có thể chỉ bằng 1/3 hiện tại. Toàn bộ Đảng viên phải minh bạch tài sản, công chức Nhà nước phải khai báo tài sản của mình của gia đình mình bao gồm vợ chồng con cái để Đảng và nhân dân giám sát.

Chấp nhận nguồn tài sản của công chức đến hiện tại nhưng phải minh bạch cho toàn bộ dân cư được biết, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet và đặc biệt là người đứng đầu từ Đảng, Chính Phủ, đến các tổ chức quần chúng xã hội phải làm trước thì tất cả Đảng viên, cán bộ công chức ai cũng làm làm theo. Đã làm là lam triệt để không có hình thức, nếu phát hiện tài sản không khai báo kể cả của vợ chồng, con cái đều bị cách chức. Thế mới không tham nhũng được!

Chủ tịch nước đứng đầu

Ban chỉ đạo do Chủ tịch nước đứng đầu, có bộ máy chuyên trách, trong Ban chỉ đạo và bộ máy chuyên trách cần có 1/2 đến 2/3 là cán bộ đã về hưu. Chủ tịch nước định kỳ báo cáo trước Quốc hội về công việc phòng chống tham nhũng.

Nhìn thẳng sự thật

Để thực sự xây dựng Đảng ta vững mạnh, thực hiện Đảng là đạo đức, là văn minh thì mỗi cán bộ đảng viên phải luôn tự kiểm điểm mình trong mọi hành động và suy nghĩ, đề cao tính phê bình và tự phê bình theo tinh thần nghị quyết trung ương. Đảng phải thực sự đoàn kết nhưng không vì thế mà ngại đấu tranh, ngại va chạm. Để được nhân dân tin tưởng và chống lại các thế lực phá hoại thì Đảng phải thực sự thực hiện nghiêm các điều lệ, quy định.

Tham nhũng và suy thoái đạo đức lối sống là hai mắt xích quan trọng nhất cần phải thực hiện triệt để, lâu dài và kiên quyết. Người đứng đầu có quá nhiều quyền quyết định đến công việc của người khác thì càng dễ tham nhũng và càng ít bị cấp dưới đấu tranh thẳng thắn vì sợ trù dập. Đi đôi với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu thì cũng cần có quy định xử lý nghiêm người đứng đầu nếu xuất hiện tiêu cực, xuất hiện sai phạm. Phải tăng cường chức năng, quyền hạn cho các tổ chức phòng chống tham nhũng thay vì người có chức quyền cao làm chủ trì.

Phép so sánh nhỏ

Thật sự nghe PTT Nguyễn Xuân Phúc nói tôi thấy nhẹ người vì ông đã biết, Đảng, Nhà nước đã biết. Chỉ cần một phép suy nội hàm là ta hiểu nó sẽ như thế nào:

Một công chức trung bình, có thu nhập trung bình, nói chung mọi vấn đề về tiền bạc đều ở mức trung bình khi anh ta gom tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng sau 25 năm chung sống để mua một căn nhà trung bình với giá cả cũng trung bình mà còn vay bạn bè dến 3/5 giá trị căn hộ. Trong khi đó, một anh cán bộ mới được bổ nhiệm có 7 năm, không làm ăn, buôn bán gì, không chăn nuôi trang trại gì mà đã mua căn hộ thuộc vào loại khá...

Chỉ mong sao anh cán bộ nọ chỉ cho mọi người cách làm ăn để cuộc sống đỡ khó khăn phần nào thì hay biết mấy...

Tại sao họ ăn lương mà có nhiều tiền?

Cứ làm một con tính thế này: mỗi cán bộ công chức, đảng viên mức lương tính cả tiền thưởng là bao nhiêu? Con số thừa ra là do tham những mà có. Tham nhũng có nhiều hình thức lắm.

Làm gì có biểu hiện

Hai ngư dân đi câu cá, cả hai cùng sử dụng cần câu như nhau, tức là cần câu chỉ câu được con cá nặng khoảng 5kg là hết cỡ. Thế nhưng một ông thì chỉ câu được toàn cá nhỏ, còn một ông thì câu được những con cá nặng hơn cả chục kg.

Thế mới biết đi làm cùng đồng lương không đủ sống nửa tháng như nhau nhưng có người nhà cái gì cũng nhiều, còn kẻ nhà cái gì cũng thiếu, chuyện xưa như trái đất.

Sao lại bất minh?

Cho tôi hỏi sao lại bất minh? Lương công chức nhà nước một tháng được bao nhiêu mà bất minh? Một vị trưởng công an xã hoặc bí thư mỗi tháng thu nhập được bao nhiêu mà xây nhà 2, 3 tầng, đất đai không kể hết, tiền tiêu vô tư.... Chắc mấy vị này phải làm thêm mới có nhiều tiền như vậy. Vấn đề ở đây là làm thêm cái gì, thu nhập bao nhiêu, chứ đừng kêu bất minh.

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Lien he quang cao