Thứ sáu, 09/03/2012 13:48
09/03/2012 | 06:49

Điện ảnh Việt Nam: 10 năm không bước tiến

(Dân Việt) - Điện ảnh Việt Nam đã và đang rơi vào tình trạng thụt lùi khi không có thành tựu nào vượt được những tác phẩm trong quá khứ, ngày càng rời xa nông thôn mà chỉ hướng vào đối tượng “khán giả máy lạnh”...

Yếu toàn diện

Trong Hội thảo “Điện ảnh VN - 10 năm nhìn nhận và đánh giá” tổ chức sáng 8.3 tại Hà Nội trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày điện ảnh VN (15.3), các đại biểu đã có nhiều tham luận thẳng thắn chỉ ra thực trạng èo uột, tụt hậu của ngành nghệ thuật này.

Phim của điện ảnh VN làm ra hiện chỉ phục vụ khán giả thành thị.

Mặc dù bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh đã tổng kết rằng trong 1 thập kỷ qua, trung bình mỗi năm điện ảnh VN sản xuất được 10 bộ phim truyện nhựa, tức là có khoảng 100 phim, trong đó 7 phim được trao Giải Cánh diều Vàng... nhưng về một dấu ấn khả quan thì hầu như chưa có.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết: “Ai cũng kêu thiếu kịch bản hay, nhưng để có nguồn kịch bản tốt thì chúng ta đang đầu tư thế nào? Một năm trung bình có 4 trại viết với tổng cộng 80 tác giả tham dự, nhưng mỗi trại chỉ vẻn vẹn trong vòng 10 ngày đi nghỉ dưỡng ở chốn non xanh nước biếc nào đó, các hội viên tụ tập “chém gió”, ăn uống không phải suy nghĩ gì rồi chia tay. Các trại viết phần lớn là thắng lợi tinh thần, gắn kết hội viên vui vẻ hể hả thế thôi, nào có được cái kịch bản nào được đầu tư chiều sâu hay hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó”.

Nhà biên kịch Bành Mai Phương- Trưởng phòng Kịch bản, Hãng phim Truyện VN thì than thở: “Tiếng là chúng tôi có một phòng kịch bản, nhưng vì đầu ra quá hẹp, trong cả năm 2010 chúng tôi chỉ họp có một lần, chọn được kịch bản “Tâm hồn mẹ” để sản xuất”.

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn thì chua chát: “10 năm qua, nhìn lại tôi thấy điện ảnh VN đang thua toàn diện so với quá khứ, phim nghệ thuật, phim chiến tranh cách mạng đều không có thành tựu. Tất cả mọi mặt từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, âm nhạc, diễn viên... đều không có gì mới, công trình lý luận phê bình cũng không, nếu có viết bài nào phê bình một bộ phim đến đầu đến đũa thì bị cho là "thù hằn cá nhân" nên đánh tác giả. Đạo diễn trẻ mới ra trường chưa đủ sức làm phim cũng được giao, quay phim thì chỉ là những người ghi hình chứ chẳng có động tác máy nào hấp dẫn, diễn viên toàn vơ vội các cô người mẫu, ca sĩ, hoa hậu...”.

Rời xa nông dân

Tham luận của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn làm cả hội trường bật cười khi ông ví von khá sinh động: Nhà nước đang theo “bồ trẻ truyền hình” mà bỏ quên “vợ già điện ảnh”. Theo đánh giá của ông, 10 năm qua nền điện ảnh VN không có đầu tư lớn, không đào tạo nghệ sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cả 3 đợt cũng không có một tác phẩm điện ảnh nào...

Sau màn "tố khổ", vị đạo diễn này đã phát biểu rất nhiều điều tâm huyết và đáng suy nghĩ: "Điều bất bình lớn của tôi là 10 năm qua, chúng ta đã bỏ rơi các đội chiếu bóng lưu động khi gần như xóa trắng công tác này, điều đó đồng nghĩa với việc điện ảnh đang bị cách ly khỏi khu vực nông thôn rộng lớn, lãng quên nông dân.

Điều này thấy rõ ở chỗ các hãng phim tư nhân đang sản xuất theo định hướng phục vụ khán giả thành phố của họ, còn điện ảnh nhà nước thì không được đầu tư xứng đáng để làm nhiệm vụ định hướng và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân nghèo".

Chủ trương của lãnh đạo ngành văn hóa là kéo khán đến với rạp, tức là định hướng nghệ sĩ sáng tác để phục vụ tầng lớp “khán giả máy lạnh”, chứ có để tâm gì đến nông thôn.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng- Phó Giám đốc Hãng phim Truyện VN phát biểu có tính chất như một tổng kết: "Điện ảnh 10 năm qua đang bị suy giảm trầm trọng tính chuyên nghiệp trong tất cả các quy trình sản xuất phim. Tất cả mọi khâu đều thiếu chuyên nghiệp nên ảnh hưởng đến chất lượng phim là điều dễ hiểu.

Một năm Nhà nước chỉ dành ra khoảng từ 15 - 18 tỷ đồng để đầu tư cho hoạt động của toàn ngành là một con số quá ít ỏi. Những con số nhiều chục triệu đô la từ việc kinh doanh phim nước ngoài chảy về túi ai, điện ảnh trong nước được gì? Theo tôi biết, ở Pháp, nhà nước quy định rất cứng rắn là trích 10% từ lợi nhuận kinh doanh phim nước ngoài để chuyển về Quỹ điện ảnh, ở Iran là tới 35%”.

Thực tế, các hội thảo theo kiểu “tố khổ” và “than thở” như thế này đã được tổ chức nhiều năm liền, thực trạng thê thảm của ngành điện ảnh hiện nay ra sao thì ai cũng biết, nhưng cái cần là một phản ứng tích cực, một sự đầu tư chiến lược từ Bộ VHTTDL cho môn nghệ thuật danh giá này thì vẫn chưa thấy đâu.

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất