Gái văn phòng lên đỉnh Fansipan
Không phải ai cũng có thể leo lên đỉnh Fansipan, nóc nhà của đất nước. Có những người xông pha thẳng tiến, những cũng có những người phải huy động hết ý chí mới leo lên được. Rất nhiều trong số đó là những nữ nhân viên văn phòng chân yếu tay mềm.
|
Mỗi người một kiểu, những phụ nữ này đã chinh phục đỉnh Fansipan.. |
Phì phò đường núi
Hoàng Mai quị xuống con đường mòn nhỏ lởm chởm đất đá. Cô không thể bước nổi nữa. Tim cô đập thình thịch, đầu óc choáng váng muốn nôn mửa. Hai tay cô lạnh ngắt, mặt cũng lạnh… dù cô đã đeo khẩu trang.
Hai người bạn của cô cũng ngồi xuống, thở hổn hển. Trong khi đó anh chàng dẫn đường người Mông chỉ cười lỏn lẻn và nói bằng tiếng Kinh lơ lớ “Đứng dậy đi thôi, tối rồi không ngủ được trên núi đâu.”
Đó là ngày thứ hai của cuộc cuộc hành trình. Mai và hai người bạn đang trên đường từ đỉnh Fansipan về chân núi theo tuyến đường Trạm Tôn. Đã hơn 3 giờ chiều và họ chưa đi được một nửa chặng đường về.
Lúc này, Mai đã bắt đầu uống đến túi sâm thứ tư kể từ đầu cuộc hành trình. Cô tự hỏi tại sao mình lại dại dột tham gia vào chuyến đi hành xác này.
Hoàng Mai là một nhân viên văn phòng ngành du lịch. Tuy vậy cô ít khi rời khỏi chiếc bàn làm việc của mình. Ở tuổi 25, cô bắt đầu tăng cân.
Hai người bạn từ thuở bé đã rủ cô tham gia vào cuộc hành trình leo lên đỉnh Fansipan trong dịp tết nguyên đán.
Việc phải leo lên một quả núi cao 3413m giữa mùa đông làm cô hơi e ngại. Cô từng bị ngất xỉu khi đi leo lên chùa Hương, một nơi thấp hơn nhiều nếu so với Fansipan.
Nhưng một người bạn, vốn nghiên cứu về địa lý, động viên cô rằng ai cũng có thể leo được. Anh ta đã chứng kiến nhiều cô gái yếu ớt vẫn leo ầm ầm lên đỉnh núi.
Tại thị trấn Sapa dưới chân núi, đoàn của Mai thuê 2 người Mông dẫn đường. Họ sẽ vác toàn bộ những đồ cần thiết nhất như nồi niêu, túi ngủ, lương thực, nước uống.
|
Các thành viên nhóm leo Fansipan cùng Lan Anh. |
“Bọn em chỉ việc đút tay vào túi quần mà đi thôi” người chủ đại lý du lịch nói. Mai không biết rằng, đút tay vào túi quần mà đi cũng đủ khiến cô mệt đến tái mặt.
Họ chọn tuyến đường dễ nhất, Trạm Tôn – Fansipan – Trạm Tôn. Chuyến đi kéo dài 2 ngày 1 đêm.
Mọi việc khá trôi chảy trong nửa giờ đầu tiền. Con đường mòn nhỏ thoai thoải khá dễ đi. Nhưng từ đó về sau, Mai chỉ còn biết thở và thở.
Fansipan nổi tiếng với những cảnh đẹp hùng vĩ. Trời xanh trên cao, rừng ở xung quanh và mây trắng dưới chân. Thế nhưng hầu hết thời gian chuyến đi, Mai nhìn xuống chân, cố gắng bước từng bước.
Hết con dốc này đến con dốc khác, con đường nhỏ cứ sâu hút vào trong rừng. Mai chưa bao giờ phải leo những con dốc như ở đây, hoặc là toàn đất khô lăn trượt dưới chân, hoặc là từng khối đá lớn chồng lên nhau.
Ngực như muốn vỡ ra vì khó thở nhưng Mai vẫn mắm môi từng bước. Bỏ dở chuyến đi có thể còn dẫn đến những tình huống tệ hơn.
Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị
Nhìn vào những thanh niên đang ngồi, nằm la liệt dọc đường lên núi, thở hổn hển, mặt méo xẹo đi vì mệt cũng có thể biết đây không phải chuyện đơn giản.
“Mình là dân văn phòng, ít vận động cho nên phải chuẩn bị thật kĩ. Quan trọng nhất là sức khỏe, tiếp theo là tinh thần.” Lan Anh, một nhân viên văn phòng từng leo lên đỉnh Fasipan nói.
Năm 2007, cô cùng 15 người bạn khác đã leo theo tuyến đường Cát Cát – Fansipang- Trạm Tôn. Một tuyến đường được đánh giá là dài và khó.
|
Lan Anh trên đỉnh Fansinpan năm 2007 . |
Để chuẩn bị cho chuyến đi, cô đã tập leo cầu thang liền một tháng trước đó. Mỗi ngày cô đều dành nửa tiếng để leo 11 tầng của tòa nhà chung cư mình đang sống.
Nhóm của cô đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng theo chỉ dẫn trên internet từ những người đã từng leo Fansipan. Từ chiếc giày bộ đội, đôi tất chống vắt cho đến viên C sủi, cả nhóm đều lên danh mục mua đầy đủ.
Ấy vậy mà vẫn nhiều tình huống trái khoáy vẫn xảy ra.
7h tối ngày thứ hai của cuộc hành trình, nhóm bốn người của Lan Anh bị tụt lại đằng sau. Họ vẫn chưa leo tới trạm dừng chân 2800m.
Bốn bề xung quanh đen đặc, không thể nhìn thấy bàn tay của mình. 1 chiếc đèn pin đã hỏng, 1 chiếc hết pin, 2 chiếc khác yếu pin và cũng tắt sau vài phút sử dụng. Họ bám lấy nhau, dò dẫm từng bước trên con đường mòn toàn đá tảng.
Toàn thân cô đau như bị ai đánh, hai chân chỉ muốn khụy xuống, sợ mà không dám nói ra một lời nào. Cô biết nhóm bạn của mình cũng đang run như cầy sấy trong cái lạnh của rừng đêm.
Mọi chuyện chỉ kết thúc khi một người khuân vác nhận ra đoàn bị thiếu người và cầm đèn pin quay lại đón cả nhóm.
“Kinh nghiệm là đi chậm và đều. Cứ đi vừa sức của mình, nếu bước liên tục thì chỉ một lúc là mệt bò ra.” Lan Anh nói.
Làm gì khi lên đỉnh?
Cả Lan Anh và Hoàng Mai đều đã lên được đỉnh Fansipan.
|
Hoàng Mai trên đỉnh Fansipan. |
Đoàn của Lan Anh đã có 1 tiếng dừng chân trên đỉnh núi lộng gió. Họ chụp ảnh,cười đùa, hò hét, nhắn tin cho người thân… thậm chí còn bắc bếp nấu ăn, mở sâm panh ăn mừng chiến thắng.
Sau 4 năm, Lan Anh vẫn thèm cảm giác cùng bạn bè xuýt xoa thưởng thức ly cà phê thơm lừng trên đỉnh núi với một biển mây dưới chân.
Ở tuổi 30, cô vẫn sẵn sàng chinh phục Fansipan một lần nữa. “Với điều kiện là có một nhóm bạn “máu” và đồng đội như hồi trước.”- cô nói.
Còn Mai và các bạn lên đỉnh khi đã khá muộn. Họ chỉ có 15 phút ở lại đây. Sau khi chụp vài kiểu ảnh, cô ngồi thở lấy sức.
Càng gần về cuối chuyến đi, thể lực của cô càng xuống. Cô phải chiến đấu với bản thân trong từng bước đi trên còn đường dài dằng dặc.
Khi còn cách cửa rừng khoảng một cây số thì Mai vấp phải một cục đá, khớp ngón chân của cô đau buốt. Năm chàng người Mông đã phải thay nhau cõng cô băng rừng.
“Từ giờ mình sẽ không bao giờ tập thể dục nữa, thế này là quá đủ rồi.” Mai cười như mếu.
Mỗi người một kiểu, những phụ nữ này đã chinh phục đỉnh Fansipan. Mà như đã nói ở trên, không phải ai cũng có cơ hội hoặc khả năng leo lên đó.
Theo APN
Dep.com.vn
Các tin khác