Quảng Nam:
Học sinh lớp 10 không làm nổi toán cộng, trừ
Thầy Lê Xuân Tuấn ra đề: A = - 7 - 5 + 12 - 3. Hỏi A bằng mấy? Ba HS gồm Hồ Thị Bô, Hồ Thị Ơn và Hồ Thị Non được gọi lên bảng. Năm phút trôi qua, lời giải A là bao nhiêu vẫn không có.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My cho biết, hết học kỳ I vừa qua, có 141 học sinh (HS) tự ý bỏ học, trong đó khối lớp 10 với 351 HS thì có đến 115 em, chiếm tỷ lệ 32,7%. Nguyên nhân đơn giản là các em học quá yếu, đâm ra tự ti, mặc cảm với bạn bè nên bỏ học.
Giờ toán của lớp 10/9, thầy Lê Xuân Tuấn ra đề: A = - 7 - 5 + 12 - 3. Hỏi A bằng mấy? Ba HS gồm Hồ Thị Bô, Hồ Thị Ơn và Hồ Thị Non được gọi lên bảng. Năm phút trôi qua, lời giải A là bao nhiêu vẫn không có.
Thầy Tuấn nói: “Lớp chỉ có vài em giải được bài này thôi. Không biết ở cấp tiểu học và THCS, các em học hành thế nào? Vì thế, khó khăn trong giảng dạy chương trình lớp 10 là đương nhiên”.
Bước vào đầu năm học 2011 - 2012 nhà trường đã cho kiểm tra chất lượng đối với HS lớp 10, nhưng chỉ có sáu em đạt điểm trung bình, còn lại “liệt”. Ông Nguyễn Anh Tuấn nói thêm: "Ngay cả chương trình các em vừa học xong thì số HS tiếp thu được cũng không nhiều. Hiện trường có khoảng 10% HS ở lớp 10 chưa làm được phép tính 4 chia 2 bằng bao nhiêu. Các em ngồi học, nhưng không tiếp thu được bài vở. Với nền kiến thức như thế quả là nan giải”.
Ngoài ra, kết quả sơ kết học kỳ I của trường này cũng cho thấy, ở khối 12 có tới 69,7% tỷ lệ HS… yếu, kém. Theo ông Tuấn, nguyên nhân là đầu vào quá thấp, chất lượng học ở các lớp dưới quá kém, nhưng cứ đùn lên, lớp trên lãnh đủ.
Để HS yên tâm bám lớp, nhà trường đã vận động giáo viên bộ môn tăng tiết phụ đạo trong giờ chính khóa (vì ngoài giờ HS không chịu đi học); đến tận nhà khuyên bảo nhẹ nhàng, nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế.
Thế nhưng, năm 2010-2011, trường có 100% HS khối 12 đỗ tốt nghiệp (?!). Năm nay, qua kiểm tra học kỳ I, thì tỷ lệ HS lớp 12 đạt trung bình rất là thấp và có gần 70% HS yếu, kém.
Vùng cao Quảng Nam hầu hết đã hoàn thành phổ cập THCS từ hai năm trước. Thế nhưng có một chi tiết cười ra nước mắt thường được nhiều người truyền nhau khi nói về chất lượng giáo dục ở miền núi, là mỗi lần nhận hàng cứu trợ lũ lụt, hàng từ thiện khi Tết đến xuân về, thanh niên đi nhận thì không biết ký, bèn phải… lăn tay!
Theo Phụ nữ TP.HCM