Điểm nóng

EVN chưa đề xuất tăng giá điện

(VEF.VN) - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam từ chối bình luận thông tin EVN lại đòi tăng giá điện nhưng ông không quên nhấn mạnh, giá điện sẽ theo thị trường từ năm 2013 và không chỉ ở mỗi Việt Nam là giá điện một chiều tăng.

Ngay sau thông tin hãy còn khá sơ lược về động thái EVN đang tính toán phương án xin tăng giá điện, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, đến Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được văn bản nào của EVN về đề nghị xin tăng giá điện. Do đó, tôi không thể bình luận gì về vấn đề này.

Ông Đặng  Huy Cường:

Ông Đặng  Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
(ảnh: Phạm Huyền)

- Các chuyên gia nói cơ chế giá điện vẫn chưa minh bạch, EVN nhiều lần kêu lỗ không rõ là lỗ gì?

Theo Quyết định 24, Thủ tướng đã quy định rõ chủ trương, hàng năm Bộ Công Thương phối hợp với bộ Tài chính dựa trên báo cáo kiểm toán để thẩm định giá điện,  nếu cần, có thể thuê kiểm toán độc lập làm lại. Tháng 11/2011, Bộ cũng đã có thành lập đoàn kiểm tra giá thành điện.

Giá thành theo báo cáo kiểm toán và kết quả kiểm tra thì giá sản xuất điện là 1.180 đồng/kWh thương phẩm, trong khi giá bán là 1.064 đồng, mỗi kWh lỗ 120 đồng. Năm 2010, EVN bán 85,6 tỷ kWh và riêng năm này, EVN đã lỗ trên 10.000 tỷ đồng.

Tôi phát biểu với vai trò hiểu ngành điện rất rõ và không nói cho EVN hay ai cả, không hiểu vì sao lại có ý kiến nói không minh bạch. Đây là số liệu kiểm toán Nhà nước công bố, là cơ quan cao nhất rồi thì phải tin tưởng số liệu, nếu không thì đề xuất ai làm thay?

- Quy định giá điện theo Quyết định 24 được điều chỉnh tự động theo 3 yếu tố biến động là chỉ có lợi cho EVN, ông có ý kiến thế nào?

Cục Điều tiết điện lực là cơ quan soạn thảo ra Quyết định 24 này. Quyết định cho phép giá điện được điều chỉnh theo sự biến động của tỷ giá, nhiên liệu, cơ cấu phát điện. Đây là 3 yếu tố này là nằm ngoài kiểm soát của EVN. Rõ ràng, khi nó tăng thì phải tăng.

Trung Quốc có 6 tháng 1 lần giá điện, Hồng Kông có 4 tháng một lần tăng giá, còn Philipines 1 tháng 1 lần thay đổi giá điện. Các nước đều cho phép thay đổi giá bán điện theo yếu tố đầu vào mà các yếu tố này không phụ thuộc vào người kinh doanh sản xuất điện. Do đó, tôi cho rằng, việc quy định cho phép nguyên tắc điều chỉnh giá điện như vậy là đúng đắn.

Còn giá truyền tải điện thì vẫn là giá độc quyền, nó cũng ít bị các yếu tố biến động bên ngoài chi phối, một năm cho phép thay đổi 1 lần.

- Đã có chuyên gia nêu EVN mua điện chỉ có giá chưa tới 5cent/kWh mà nếu cứ tăng giá bán lẻ, bán 10cent/kWh là không hợp lý. Các nhà đầu tư có được lợi gì hay chỉ mỗi EVN có lợi khi được tăng giá điện, có phải EVN mua rẻ và bán đắt?

Trước tiên, tôi xin nói rõ là hiện, EVN chưa bán giá điện tới 10cent/kWh, mà chỉ bán với giá 6,5 cent/kWh.

Hiện giá điện ở tất cả các nhà máy rất khác nhau. Thủy điện đừng nghĩ là rẻ, đầu tư, 1,5 triệu USD/MW, tính ra cũng đắt, giá trung bình từ 700-900 đồng/kWh, thủy điện đa mục tiêu như ở miền Trung cũng phải mua 1.200 đồng/kWh, mua điện Cà Mau cũng tới 1.400 đồng/kWh.

EVN vì điều kiện điều chỉnh đầu ra khó khăn nên họ sẽ ép giá đầu vào. Họ chặt chẽ trong đàm phán giá điện là hợp lý, cần phải hiểu cho họ.

Tôi được biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Cục quản lý giá, Cục Phát triển doanh nghiệp đi kiểm tra từng hợp đồng mua bán điện của EVN rồi.

Không tính lỗ ngành ngoài của EVN vào giá điện

- Vậy, các lần điều chỉnh tăng giá điện của EVN có liên quan thế nào tới lý do thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ngành ngoài?

Trong thông báo của Bộ Công Thương và trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, các khoản lỗ của Tập đoàn EVN để tính vào giá thành điện là chỉ tính lỗ liên quan sản xuất điện, chứ không tính lỗ ngành ngoài.

Nói cách khác, không ai đưa khoản lỗ 1.000 tỷ đồng kinh doanh viễn thông của EVN vào giá thành điện năm 2010. Chúng tôi tính lỗ 8000 tỷ đồng năm 2010 vào giá điện, là do hạn hán, lỗ đơn thuần kinh doanh điện. Hoặc khoản 15.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá của EVN năm 2010 còn treo lại, chờ phân bổ sau. Các chi phí ngành ngoài của EVN thì EVN phải tự chịu trách nhiệm.

Lỗ ngành ngoài của EVN sẽ không được phân bổ vào giá điện (ảnh minh họa: Trung Dũng)

- Vậy khi nào thì các khoản lỗ còn treo lại của EVN sẽ phân bổ hết vào giá điện và khi nào thì không tăng giá điện theo lộ trình?

Như Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nói đến 2013, giá điện phải tiệm cận giá thị trường thì rõ ràng giá điện tăng phải có lộ trình. Nhưng phần EVN lỗ trong kinh doanh điện còn treo lại 15.000 tỷ chênh lệch tỷ giá và 8000 tỷ đồng lỗ sản xuất điện thì sẽ phải phân bổ dần dần. Còn phân bổ như thế nào thì hai bộ đang bàn bạc xin ý kiến Chính phủ xem khoản lỗ đó thu hồi trong bao nhiêu năm.

- Cuối năm nay vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thì giá điện sẽ được kiểm soát như thế nào?

Giá điện ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội quốc gia có những đặc tính đặc thù nên bất cứ động thái điều chỉnh nào đều đòi hỏi khắt khe chi phí hình thành giá điện phải công khai minh bạch.

Hiện, chúng tôi đang theo hướng này và 2 bộ đang tham gia tích cực kiểm tra giá thành của EVN nhất là khâu độc quyền. Năm nay nếu có thị trường phát điện cạnh tranh có 2 thành phần, một là bán trên thị trường và bán theo hợp đồng song phương. Ở đây, bán song phương thì chúng tôi sẽ kiểm soát được để tạo minh bạch tạo đồng thuận xã hội. Còn bán trên thị trường thì không thể biết các nhà máy sẽ chào giá như thế nào, nhưng chúng ta đã có giá trần.

Nếu vẫn để giá điện thấp hơn giá thành thì đầu tư vào điện rất khó khăn ảnh hưởng nguồn trong tương lai.

* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu